Thay đổi tư duy, cách tiếp cận mang tính toàn cầu, toàn dân trong phát triển du lịch

(Baohatinh.vn) - Năm 2023, Hà Tĩnh tiếp tục đà phục hồi và phát triển du lịch khi trong 10 tháng, tổng lượt khách tham quan đã đạt 3 triệu lượt khách (tăng 20% so với kế hoạch cả năm).

Thay đổi tư duy, cách tiếp cận mang tính toàn cầu, toàn dân trong phát triển du lịch

Hội nghị Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững diễn ra sáng 15/11 tại Hà Nội, kết nối tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 15/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững”.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Thay đổi tư duy, cách tiếp cận mang tính toàn cầu, toàn dân trong phát triển du lịch

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thông tin khái quát tình hình chính trị, kinh tế thế giới và trong nước; những thuận lợi, khó khăn, thách thức đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung, ngành du lịch nói riêng.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu đã đề ra thì ngành du lịch Việt Nam cần thực sự đổi mới về tư duy, cách làm bằng những biện pháp hiệu quả, sát thực với tình hình mới. Các cấp, ngành cần nhận diện rõ thời cơ thách thức, chia sẻ kinh nghiệm thành công, bài học quý trong khai thác và phát triển du lịch; đồng thời, cần thẳng thắn đề xuất các giải pháp khả thi, tận dụng thời cơ, điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nhanh và bền vững.

Thay đổi tư duy, cách tiếp cận mang tính toàn cầu, toàn dân trong phát triển du lịch

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.

Báo cáo của Bộ VH-TT&DL tại hội nghị cho thấy, với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ cùng những chính sách linh hoạt, phù hợp, hoạt động du lịch đã dần khôi phục trở lại, đặc biệt là du lịch nội địa. Việc phục hồi, phát triển du lịch đạt được một số kết quả tích cực.

Năm 2022, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng (tăng 2,75 lần so với cùng kỳ). Khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt (vượt chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm). Số lượng doanh nghiệp lữ hành đăng ký mới và quay trở lại lĩnh vực du lịch tăng nhanh. Lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam tăng trưởng khoảng 50 - 75% (mức tăng cao thứ 4 thế giới). Việt Nam là 1 trong 3 nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch cao nhất theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2021.

Tính đến hết tháng 10/2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 9,97 triệu lượt, vượt kế hoạch năm 2023; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng. Du lịch Việt Nam được nhận nhiều giải thưởng của khu vực và thế giới.

Thay đổi tư duy, cách tiếp cận mang tính toàn cầu, toàn dân trong phát triển du lịch

Điểm cầu Hà Tĩnh.

Du lịch được đánh giá là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được các địa phương, ban, ngành quan tâm thực hiện trên quy mô trong và ngoài nước với nhiều hoạt động phong phú, hiệu quả, góp phần phát triển thương hiệu quốc gia và địa phương.

Công tác chuyển đổi số trong du lịch được chú trọng với việc tập trung phát triển các nền tảng số du lịch ở tầm quốc gia, làm cơ sở hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc...

Bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: tỷ lệ phục hồi lượng khách du lịch quốc tế còn thấp so với năm 2019 và so với năng lực cung ứng của ngành; còn thiếu chính sách thị thực có tính linh hoạt, cạnh tranh trong bối cảnh mới sau dịch COVID-19; sản phẩm du lịch chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, còn mang tính sao chép giữa các địa phương; nguồn nhân lực du lịch thiếu, đặc biệt là lao động có chuyên môn và kinh nghiệm...

Tại hội nghị, đại biểu đến từ các địa phương, bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch đã thẳng thắn nhìn nhận, phân tích nguyên nhân của những hạn chế mà ngành du lịch Việt Nam đang gặp phải; chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý trong quá trình khai thác, phát triển du lịch tại các địa phương.

Đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất các giải pháp để góp phần phát triển du lịch nhanh và bền vững như: nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam thông qua kết nối hàng không thuận lợi tại các thị trường trọng điểm; cần tăng cường liên kết vùng, xúc tiến, quảng bá du lịch; đa dạng các sản phẩm du lịch gắn với tiềm năng, lợi thế của vùng, của từng địa phương; đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch bền vững; nâng cao nhận thức, văn hóa làm du lịch cho cán bộ, người dân, doanh nghiệp; tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương, ban ngành trong khai thác, phát triển du lịch...

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, ngành cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận mang tính toàn cầu, toàn dân trong phát triển du lịch; các địa phương, ban ngành phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa để cùng khai thác, phát triển du lịch hiệu quả; các tập đoàn, doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần tiên phong trong đầu tư cơ sở hạ tầng; nâng cao nhận thức đầy đủ, toàn diện về vai trò của ngành du lịch đối với sự phát triển đất nước, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, làm động lực thúc đẩy các ngành khác phát triển.

Thay đổi tư duy, cách tiếp cận mang tính toàn cầu, toàn dân trong phát triển du lịch

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát triển du lịch theo chiều sâu, gắn với phát huy tiền năng, lợi thế của từng vùng miền, chú trọng bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, thúc đẩy thị trường nhân lực du lịch; khuyến khích tính sáng tạo của người dân, thường xuyên đổi mới giá trị du lịch, xây dựng những sản phẩm mang tính thương hiệu...

Thủ tướng nhấn mạnh, phải thực hiện được phương châm xây dựng “sản phẩm đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp, thủ tục đơn giản, giá cả cạnh tranh, môi trường sạch sẽ, điểm đến an toàn, thuận lợi, văn minh” thì du lịch Việt Nam mới có thể phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.

Hà Tĩnh là tỉnh nằm ở khu vực Bắc Trung bộ với nhiều tiềm năng về du lịch. Để hồi phục và phát triển ngành du lịch, Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp, áp dụng chính sách mới thích ứng an toàn, linh hoạt; khẩn trương huy động nguồn lực, chuẩn bị chu đáo các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, các sản phẩm... tại các điểm đến nhằm kích cầu và phục hồi du lịch.

Năm 2022, các chỉ tiêu du lịch của Hà Tĩnh tăng vượt trội so với kế hoạch đề ra. Hà Tĩnh đón 1,6 triệu lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng (vượt 200% chỉ tiêu đặt ra trong cả năm). Năm 2023, Hà Tĩnh tiếp tục đà phục hồi và phát triển du lịch. 10 tháng năm 2023, tổng lượt khách tham quan đã đạt 3 triệu lượt khách (tăng 20% so với kế hoạch cả năm). Đó là những tín hiệu vui, tạo đà để hoàn thành mục tiêu xây dựng, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2025, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Chủ đề Du lịch Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast