Dư nợ tín dụng của Hà Tĩnh tăng gần 5%

(Baohatinh.vn) - Dư nợ tín dụng tăng 4,99% so với đầu năm cho thấy hiệu quả từ giải pháp hỗ trợ khách hàng của các "nhà băng" cũng như sự phục hồi của nền kinh tế trong bối cảnh suy thoái toàn cầu.

Nửa đầu năm 2024, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp tục đối mặt khó khăn do ảnh hưởng hậu COVID-19. Việc đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu do ảnh hưởng của những khó khăn của kinh tế thế giới và cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đối diện thách thức như: chi phí sản xuất tăng trong khi giá thành không tăng, hàng tồn kho lớn... nên không ít doanh nghiệp phải giảm quy mô, cắt giảm lao động…

Đến 16/7/2024, dư nợ của Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II đạt 15.336 tỷ đồng, tăng 11,03% so với đầu năm.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành ngân hàng đã triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng và điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động, kịp thời, hiệu quả cũng như đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay.

Ngay từ đầu năm, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II đã quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm tăng trưởng dư nợ, cán bộ tín dụng bám sát địa bàn để kịp thời đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Với tinh thần “sáng thẩm định, chiều giải ngân”, chi nhánh ưu tiên giải quyết hồ sơ cho khách hàng ở xa; đồng thời áp dụng phần mềm tin học trong thiết lập hồ sơ vay vốn, từng bước triển khai thu lãi qua tổ không dùng tiền mặt để giảm thiểu thời gian vay vốn, thuận tiện cho khách hàng nộp lãi.

Ông Nguyễn Thanh Quang – Trưởng phòng Kế hoạch và quản lý rủi ro (Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II) cho biết: “Chi nhánh triển khai kịp thời, hiệu quả chính sách tín dụng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Cùng đó, bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai các cơ chế, chính sách tín dụng đến người dân một cách nhanh chóng.

Đặc biệt, 6 tháng đầu năm, chi nhánh đã triển khai 2 đợt giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện hữu với 4.890 khách hàng được hưởng lợi. Chi nhánh đã áp dụng kịp thời các chương trình ưu đãi lãi suất cho vay mới của Agribank để hỗ trợ khách hàng trong thời điểm kinh tế còn khó khăn, thu hút khách hàng mở rộng, đầu tư sản xuất - kinh doanh. 6 tháng đầu năm, chi nhánh đã giải ngân các chương trình ưu đãi lãi suất cho 1.622 khách hàng với dư nợ giải ngân là 1.493 tỷ đồng”.

Tính đến 16/7/2024, dư nợ của Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II đạt 15.336 tỷ đồng, tăng 1.523 tỷ đồng (tương đương mức tăng 11,03%) so với đầu năm và tăng hơn gấp 2 lần so với mức tăng 6 tháng đầu năm 2023 (6 tháng đầu năm 2023 tăng 633 tỷ đồng - PV).

Nửa đầu năm 2024, lãi suất cho vay tại BIDV Hà Tĩnh cơ bản giữ ở mức thấp và ổn định trên thị trường.

BIDV Hà Tĩnh cũng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng khá so với đầu năm. Nửa đầu năm 2024, lãi suất cho vay tại BIDV cơ bản giữ ở mức thấp và ổn định trên thị trường, tạo động lực cho khách hàng vay vốn đầu tư sản xuất – kinh doanh, phục vụ tiêu dùng. Hiện lãi suất cho vay sản xuất – kinh doanh tại BIDV chỉ từ 0,38% tháng, lãi suất cho vay tiêu dùng chỉ từ 0,55%/tháng.

Ông Trần Trọng Đức - Trưởng phòng Khách hàng cá nhân II BIDV Hà Tĩnh phân tích: “Cũng như cả nước, tín dụng những tháng đầu năm tại Hà Tĩnh có xu hướng chững lại là có tính chất quy luật, thông thường vào tháng tết cổ truyền thì tín dụng không tăng. Từ quý II trở đi, nhu cầu vay vốn đầu tư của các doanh nghiệp gia tăng nhằm đảm bảo kế hoạch sản xuất – kinh doanh năm 2024.

Đối với phân khúc tín dụng tiêu dùng cũng ghi nhận dấu hiệu tích cực khi nhu cầu vay vốn đầu tư cho con em đi xuất khẩu lao động, vay vốn tiêu dùng... tăng. Ngoài ra, thị trường bất động sản có xu hướng “ấm lên” nên người dân đã bắt đầu “xuống tiền” đầu tư mua đất, nhất là đất quy hoạch khu vực thành phố, thị trấn, thị tứ... tạo điều kiện cho tín dụng phát triển”.

Đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp, VietinBank Hà Tĩnh triển khai gói tín dụng cho vay trung và dài hạn quy mô lên đến 130.000 tỷ đồng (toàn hệ thống) với lãi suất cho vay chỉ từ 5,6%/năm trong năm đầu tiên. Ngoài ra, VietinBank cũng đang triển khai gói tín dụng “STEP UP” đáp ứng nhu cầu vay vốn ngắn hạn của doanh nghiệp với quy mô lên đến 300.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay chỉ từ 5%/năm cho khoản vay ngắn hạn bằng VNĐ.

Với các giải pháp quyết liệt, VietinBank Hà Tĩnh đã đạt mức tăng trưởng khá trong dư nợ tín dụng. Tính đến 30/6/2024, dư nợ của “nhà băng” này đạt gần 12.800 tỷ đồng, tăng 12,43% so với cuối năm 2023.

Khách hàng đến giao dịch tại OCB Hà Tĩnh.

Bên cạnh các “ông lớn”, khối ngân hàng thương mại cổ phần cũng nỗ lực trong phát triển dư nợ. Các "nhà băng" có sự tăng trưởng dư nợ khá tại Hà Tĩnh như: OCB, ACB, Oceanbank, MSB, Bắc Á Bank…

Ông Trần Xuân Dũng – Giám đốc OCB Hà Tĩnh cho biết: “Từ cuối quý II lại nay, khách hàng vay vốn tăng mạnh do nhu cầu đẩy mạnh sản xuất – kinh doanh. OCB áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng như: niêm yết công khai quy trình vay vốn, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng hạn mức tín dụng với khách hàng đủ điều kiện. Đặc biệt, những khách hàng “tin cậy” về tín dụng, có lịch sử giao dịch 2 năm tại các ngân hàng Nhà nước khi chuyển qua vay vốn tại OCB sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi (chỉ 0,5%/tháng đối với hộ sản xuất kinh doanh) và lãi suất này cố định trong cả khế ước.

Với khách hàng mới (vay vốn đầu tư sản xuất – kinh doanh), OCB áp dụng lãi suất chỉ từ 0,6%/tháng; khách hàng vay đầu tư mua nhà ở, đất ở lãi suất chỉ từ 0,7%/tháng… Với sự chủ động, linh hoạt trong điều hành lãi suất, 6 tháng đầu năm 2024, tín dụng của OCB Hà Tĩnh đã đạt 150% so với kế hoạch”.

Cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, triển khai các dự án, tạo điều kiện cho các ngân hàng tăng trưởng tín dụng.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước tỉnh thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng tại Hà Tĩnh hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Cùng đó, thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

Tính đến 15/7/2024, dư nợ của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đạt 100.849 tỷ đồng, tăng 4,99% với thời điểm cuối năm 2023. So với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 đặt ra (tăng trưởng từ 14% trở lên so với cuối năm 2023) thì con số này chưa được như kỳ vọng. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh nhiều khó khăn của nền kinh tế cho thấy các biện pháp hỗ trợ thúc đẩy tín dụng của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói