Đồng bào Công giáo Hà Tĩnh hăng say xây dựng nông thôn mới

(Baohatinh.vn) - Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, “Kính Chúa, yêu nước”, bà con giáo dân ở Hà Tĩnh vào cuộc với quyết tâm cao, trách nhiệm lớn, có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng NTM.

DSC_8372.JPG
Bà con giáo dân thôn Ban Long (xã Quang Lộc, Can Lộc) xây mương thoát thải, mở đường giao thông.

Những ngày qua, không khí lao động xây dựng NTM ở thôn Ban Long, xã Quang Lộc (huyện Can Lộc) luôn nhộn nhịp. Mọi người, mọi nhà ở xóm đạo toàn tòng (270 hộ/1.200 nhân khẩu) này đang gấp rút dỡ cổng, phá tường, chặt cây, vận chuyển vật liệu... để mở đường, làm mương thoát nước, chỉnh trang cảnh quan xóm làng.

Ông Phạm Hòa (82 tuổi) cho hay: “Thế hệ chúng tôi đã già nhưng cần phải lo cho tương lai con cháu bằng cách xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, to đẹp. Riêng gia đình tôi đã hiến 300m tường rào, khoảng 450 m2 đất để phục vụ mở đường. Vì tuổi cao, con cái đi làm ăn xa, không tham gia lao động được nên tôi đã tự nguyện ủng hộ 23 triệu đồng để thôn có thêm kinh phí lo nước nôi cho bà con khi lao động công ích”.

DSC_8459.JPG
Thôn Ban Long thuê máy móc hỗ trợ tháo dỡ tường rào, đào mương, dọn dẹp cây cối... để đẩy nhanh tiến độ mở đường, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.

Ông Thân Văn Tuân – Trưởng thôn Ban Long thông tin: “Để mở rộng đường, tất cả các hộ trong thôn đều đã 2 lần hiến đất (năm 2015 và 2017) với tổng diện tích khoảng 7.500 m2. Đợt này, chúng tôi dự kiến vận động hiến thêm khoảng 6.000 m2 nữa để nâng cấp toàn bộ 3 km đường trong thôn rộng từ 4m lên 6m. Cùng với hiến đất, tự dỡ bỏ công trình, mỗi hộ còn tự nguyện đóng góp 3 triệu đồng để làm mương thoát nước và thảm nhựa mặt đường”.

Phó Chủ tịch UBND xã Quang Lộc Trần Trọng Thể cho biết: “Xã chúng tôi có 4/9 thôn người dân theo đạo công giáo, trong đó có thôn Ban Long. Thời gian qua, dưới sự vận động của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và sự đồng hành của các vị linh mục, chức sắc, chức việc nên bà con giáo dân đã thể hiện ý thức, trách nhiệm cao trong từng phần việc, từng tiêu chí khi tham gia xây dựng NTM. Qua đó, có nhiều đóng góp quan trọng để các xóm đạo đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu và xã hướng tới đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm nay”.

DSC_8531.JPG
Giáo dân thôn Liên Tiến (xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà) chỉnh trang bồn hoa cây cảnh, dọn dẹp vệ sinh môi trường vào mỗi buổi chiều.

Thôn Liên Tiến của xã Mai Phụ (Lộc Hà) được xem là một trong những điển hình về lương – giáo đoàn kết chung tay xây dựng NTM. Ở đây, 115 hộ giáo dân/hơn 400 khẩu (chiếm 50% dân số của thôn) luôn thể hiện được tinh thần trách nhiệm, sự kiên trì trong mọi việc để cùng chung tay xây dựng thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu năm 2021, góp phần đưa xã Mai Phụ đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tháng 7/2024).

Ông Lê Chắt – Trưởng thôn Liên Tiến thông tin: “Chúng tôi không phân biệt lương dân hay giáo dân, tất cả đều có vai trò, trách nhiệm như nhau khi xây dựng NTM. Riêng đối với giáo dân, từ năm 2018 đến nay, bà con đã quyên góp, ủng hộ được 2,8 tỷ đồng, tham gia gần 10.000 ngày công, hiến hơn 1.000 m2 đất và nhiều tài sản khác để mở rộng gần 3 km đường và xây dựng nhiều công trình phúc lợi. Nhiều năm nay, xóm làng bình yên, môi trường sạch sẽ, con cái được đầu tư ăn học chu đáo, tỷ lệ hộ nghèo dưới 3%, thu nhập bình quân đạt gần 60 triệu đồng/năm...”.

DSC_8547.JPG
Cũng như nhiều giáo dân khác, chị Lê Thị Hoa ở thôn Đông Vĩnh (xã Mai Phụ) luôn gắn xây dựng NTM với cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập gia đình.

Cùng với thôn Liên Tiến, gần 1.300 bà con giáo dân (chiếm 22% dân số) ở các thôn xóm khác của xã Mai Phụ cũng luôn đồng lòng, sẵn sàng đóng góp tài sản, công sức, trí tuệ để chung tay thực hiện phong trào chung. Đồng bào công giáo đã trở thành lực lượng rất quan trọng để xã Mai Phụ đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, xây dựng được hệ thống hạ tầng khang trang, cảnh quan môi trường sạch đẹp, người dân có mức thu nhập đạt gần 59 triệu đồng/người/năm, có hàng chục mô hình kinh tế cho thu nhập tiền tỷ...

Ông Phan Bá Ninh – cán bộ Văn phòng NTM huyện Lộc Hà cho biết: “Gần 15.000 giáo dân (chiếm gần 17% dân số) ở 3 giáo xứ trên địa bàn đã tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM” và đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật. Đáng chú ý, từ năm 2018 đến nay, bà con giáo dân trong toàn huyện Lộc Hà đã cùng chính quyền các địa phương làm mới, nâng cấp 9 km đường giao thông, xây 30 ngôi nhà có các đối tượng yếu thế, tặng 4.000 suất quà cho các hộ khó khăn, tham gia khoảng 50.000 ngày công và đóng góp khoảng 11 tỷ đồng (tiền mặt, hiến đất, hiến tài sản...) để làm các công trình phúc lợi”.

Anh 8.jpg
Quân dân đồng lòng, lương - giáo đoàn kết để cùng chung tay xây dựng mô hình “Giáo xứ văn minh - xanh - sạch - đẹp” ở thôn Tây Hà, xã Kỳ Hà.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh, sống tốt đời - đẹp đạo” do Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động gắn với 10 nội dung “Bảy tốt đời, ba đẹp đạo”, 17 vạn đồng bào giáo dân ở Hà Tĩnh đã chung tay vào cuộc xây dựng xóm làng, quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đến thời điểm này, tất cả 118 xã có đông giáo dân sinh sống trong toàn tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn NTM, gần 100 khu dân cư có đông giáo dân sinh sống đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 10 xã vùng giáo đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 21 xã vùng giáo đạt chuẩn NTM nâng cao…

Để có được kết quả đó, từ năm 2018 đến nay, đồng bào công giáo ở 237 giáo họ (thuộc 8 giáo hạt) trên địa bàn toàn tỉnh đã kiên trì vào cuộc, đóng góp mọi nguồn lực để xây dựng NTM, trong đó nổi bật nhất là có gần 3.600 hộ gia đình hiến trên 250.000 m2 đất, 190.000 cây cối, gần 300.000 ngày công và hàng chục tỷ đồng để làm mới, nâng cấp 130 km đường giao thông cùng hàng trăm công trình phúc lợi khác; xây dựng hơn 5.000 mô hình kinh tế có thu nhập trên 150 triệu đồng trở lên, trong đó có những doanh nghiệp có doanh thu từ 30 – 100 tỷ đồng/năm; con em công giáo luôn tích cực tham gia đảm bảo ANTT, tham gia nghĩa vụ quân sự và thực hiện các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ an sinh xã hội..

Video: Thôn vùng giáo Ban Long (xã Quang Lộc) ra quân phá dỡ công trình, hiến đất mở đường.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.