Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi

(Baohatinh.vn) - UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nếu để xảy ra dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi phát sinh diện rộng, gây thiệt hại lớn trên địa bàn quản lý.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh vừa ký văn bản về việc tập trung triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Theo số liệu tổng hợp từ cơ quan chuyên môn, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện 730 ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tại 45 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 48.620 con lợn, nhất là các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Nam, Long An... gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Tại Hà Tĩnh, dịch bệnh phát sinh tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, được kiểm soát, xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng. Mặc dù vậy, trước diễn biến phức tạp của DTLCP trên cả nước, dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan ra diện rộng.

chan-nuoi-4231023-348.jpg
Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh tập trung thực hiện các phương án phòng, chống DTLCP.

Để phòng chống, kiểm soát dịch bệnh DTLCP kịp thời, hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh giao chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành liên quan tập trung chỉ đạo, chủ động tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT và Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 14/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi, Văn bản số 3646/UBND-NL5 ngày 27/6/2024 của UBND tỉnh về việc tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Cụ thể, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh chết theo quy định, đảm bảo hồ sơ, thủ tục; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, phường, thị trấn giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn lợn; tham mưu, triển khai sử dụng vắc xin DTLCP để tiêm phòng cho đàn lợn theo hướng dẫn, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh; khuyến khích, hướng dẫn xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Thực hiện công bố dịch bệnh đảm bảo nguyên tắc, điều kiện, nội dung, thẩm quyền theo quy định của Luật Thú y; đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch bệnh nhất là tại những nơi đang có dịch hoặc có nguy cơ xuất hiện dịch bệnh.

Kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn; ngăn chặn nhập lậu, buôn bán vận chuyển giết mổ trái phép động vật, sản phẩm động vật; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Chủ động bố trí kinh phí và các nguồn lực đảm bảo để tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Rà soát, bố trí đủ cán bộ chuyên môn thú y đáp ứng thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ của công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu kiện toàn củng cố hệ thống thú y các cấp.

Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu dịch bệnh theo quy định gửi về Sở NN&PTNT (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh) để tổng hợp, tham mưu báo cáo Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh.

Giám đốc Sở NN&PTNT chỉ đạo cơ quan chuyên môn chủ động cập nhật thông tin, diễn biến dịch bệnh tại các địa phương; theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh để kịp thời tham mưu, chỉ đạo và hướng dẫn công tác phòng, chống dịch bệnh. Tiếp tục liên hệ các đơn vị sản xuất, cung ứng vắc xin DTLCP, phối hợp các huyện, thành phố, thị xã để triển khai, hướng dẫn công tác tiêm vắc xin phòng bệnh DTLCP kịp thời, hiệu quả theo quy định, hướng dẫn.

Chủ trì rà soát, phối hợp với Sở Nội vụ, các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã đề xuất kiện toàn cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh, cấp huyện để đảm bảo lực lượng phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của Trung ương, của tỉnh.

Theo dõi, tổng hợp tình hình, công tác phòng chống dịch bệnh DTLCP tại các địa phương, kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo.

Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với lực lượng thú y, công an, thanh tra giao thông tăng cường kiểm soát, phát hiện, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn bệnh, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch trên thị trường nhằm ngăn chặn bệnh DTLCP và các dịch bệnh động vật khác.

Sở TT&TT đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình dịch, các yếu tố nguy cơ, các biện pháp phòng chống dịch bệnh DTLCP để người dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên ngành.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan tham mưu phương án kinh phí để triển khai thực hiện theo phân cấp quản lý ngân sách, phù hợp với nhiệm vụ chi, điều kiện thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách.

Sở Nội vụ phối hợp với Sở NN&PTNT, các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong việc kiện toàn cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh, cấp huyện để đảm bảo lực lượng phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Bộ NN&PTNT.

Các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ chủ động chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành phối hợp để triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm phòng, chống dịch bệnh DTLCP đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

Đọc thêm