Đừng dại mà khôn lỏi, mánh khóe với Nhà nước và người dân

Xăng dầu là "huyết mạch" của nền kinh tế, là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, không phải "lãi thì bán, lỗ thì nghỉ". Chiêu trò "khôn lỏi" và những mánh khóe "trục lợi" có thể sẽ phải trả giá đắt.

Ngày 11/2, Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Kỳ điều chỉnh gần đây nhất là vào ngày 1/2 nhưng rơi vào ngày nghỉ Tết nên được lùi sang kỳ điều chỉnh mới. Do vậy, trong kỳ điều chỉnh lần này, nhiều dự báo cho rằng giá xăng sẽ tăng mạnh, có thể sẽ tăng hơn 1.000 đồng/lít.

Trước thời điểm tăng giá, người tiêu dùng thì tranh thủ tiết kiệm bằng cách đổ đầy bình còn bên bán, các cửa hàng kinh doanh xăng cũng không phải không có mánh khóe: nơi thì treo biển hết xăng để bán, nơi thì đóng cửa với nghìn lẻ một lý do.

Dư luận bức xúc, cơ quan quản lý cũng “nóng mặt”. Đến nỗi mà Bộ Công Thương - cơ quan chủ quản đối với ngành xăng dầu - đã phải liên tục họp về tình trạng doanh nghiệp “kêu lỗ”, “than” hàng khan hiếm.

Đừng dại mà khôn lỏi, mánh khóe với Nhà nước và người dân

Một cửa hàng xăng dầu bị thanh tra đột xuất, phát hiện có xăng dầu nhưng không bán (Ảnh: Bộ Công Thương).

Trong cuộc họp ngày 9/2, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gay gắt: “Làm gì có chuyện đóng cửa hàng để đi đám cưới, đi đám giỗ. Nếu thế thì nên cho đóng luôn, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, đã quy định rồi sao không thực hiện!”.

Trừ những thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, người dân được hưởng nền giá xăng dầu ở mức rẻ như năm 2020, đầu năm 2021, chẳng bao giờ thấy cửa hàng xăng đóng cửa, chứ nhìn lại giai đoạn trước đó, việc các điểm bán bất ngờ dừng bán vì gặp sự cố hay treo biển “hết hàng” trước khi tăng giá vài ngày… gần như là “đặc sản”!

Làm phép tính nhân đơn giản của học sinh tiểu học cũng nhìn ra được lợi nhuận mà những cửa hàng này thu được khi “om” hàng qua thời điểm điều chỉnh để ăn chênh lệch giá.

Thế nhưng, cửa hàng xăng dầu được cấp phép lại chẳng phải là quán tạp hóa để thích bán thì bán, không thích thì nghỉ. Bởi như Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nói, đây là mặt hàng liên quan tới an ninh kinh tế, chính trị xã hội nên cần điều hành theo kỷ luật “thép”.

Thử hỏi 100 triệu dân xem có gia đình nào không cần dùng đến xăng dầu? Người không đi ô tô thì dùng xe gắn máy, doanh nghiệp vận tải cần xăng dầu đã đành, những đơn vị sản xuất khác cũng cần sử dụng xăng dầu để vận hành máy móc. Thế nên, khi xăng dầu tăng giá hay nguồn cung bị gián đoạn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân và đến cả sự vận hành lành mạnh của nền kinh tế.

Oái oăm ở chỗ, nhiều cửa hàng, doanh nghiệp kêu than không có hàng nhưng lãnh đạo Bộ Công Thương và những “ông lớn” như Petrolimex và PV Oil lại khẳng định không thiếu.

Theo ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, lượng xăng dầu tồn kho tại các doanh nghiệp đầu mối tính đến cuối tháng 1 còn 1,3 triệu m3; dự kiến lượng mua vào đến hết tháng 2 khoảng 1,55 triệu m3. Ông Đông tính toán, với nhu cầu mỗi tháng cả nước dùng khoảng 1,8 - 2 triệu m3 các loại thì nguồn cung như trên cơ bản đáp ứng thị trường trong tháng 2.

Còn phía Petrolimex, Phó Tổng Giám đốc Trần Ngọc Năm cũng khẳng định như đinh đóng cột: “Mỗi ngày trung bình chúng tôi bán khoảng 23.000 m3 các loại. Thế mà trong ngày 7, 8/2 vừa qua, con số bán ra mỗi ngày lên đến 32.000 m3, tức tăng 30% so với ngày thường. Cho nên đầu mối khác thế nào không biết, cửa hàng hệ thống khác thế nào không biết, chứ hệ thống của Petrolimex không có chuyện thiếu hàng, ngừng bán” (báo Thanh Niên, 10/2).

Vậy thì nguồn cung đứt gãy ở đâu, khan hàng ở đâu? Người viết cho rằng, vấn đề này phải điều tra rõ ngọn ngành, truy cho tận gốc, trốc cho tận rễ. Đây không phải “đề nghị” nữa mà là “yêu cầu” của người dân để tự bảo vệ quyền lợi tiêu dùng của họ, cũng là việc phải làm của cơ quan quản lý để đảm bảo minh bạch trên thị trường.

Nếu quả có hiện tượng găm hàng để trục lợi như Bộ trưởng Diên nói (một số nơi bán hàng nhỏ giọt, đóng cửa, trì hoãn với nhiều lý do để không mở cửa, thậm chí bán với giá cao hơn…) thì phải xử lý theo quy định luật pháp.

Bản thân người viết thông cảm với doanh nghiệp khi phải nhập hàng giá cao và thời gian điều chỉnh lùi mất một nhịp, thế nhưng không thể lấy lý do đó để bao biện cho việc phát tín hiệu “giả” về tình trạng khan hàng.

Tôi tin việc Bộ trưởng Diên tuyên bố trước cuộc họp ngày 9/2 không phải là để dọa, rằng Bộ sẽ áp dụng các biện pháp mạnh nhất theo quy định và xin ý kiến Thủ tướng cả biện pháp vượt khung để xử lý với hành vi găm hàng, những thương nhân, doanh nghiệp “lãi bán, lỗ nghỉ” sẽ bị thay thế!

Theo Dân trí

Đọc thêm

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Lãnh đạo tỉnh tiếp xúc cử tri Đức Thọ, Nghi Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Võ Hồng Hải ghi nhận các ý kiến tâm huyết của cử tri và giao các sở, ngành Hà Tĩnh và các địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.