Với tâm lý cả năm ăn tết một lần nên hầu như nhà nào cũng muốn chuẩn bị tươm tất, đủ đầy. Nhưng cũng chính vì tâm lý đó mà nhiều gia đình đã có những ngày đón tết quá tất bật. Dọn dẹp, trang trí nhà cửa, sửa soạn bàn thờ, mua sắm thực phẩm… Những công việc không tên nhưng lại chồng chất và khiến chị em phải “đầu bù tóc rối”.
Tết đến, hầu như gia đình nào cũng dọn dẹp, tổng vệ sinh nhà cửa
Chị Trương Ngọc Mai (nhân viên văn phòng - TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Chẳng việc gì ra việc gì mà cứ sau 20 âm là đã tất bật cả ngày, cả đêm. Ngày đi làm, đêm về tranh thủ đi mua sắm, dọn dẹp đến tận khuya mà nhìn đâu cũng thấy chưa ưng mắt”.
Nhân viên văn phòng như chị Ngọc Mai còn có chút thời gian để chuẩn bị tết từ sớm, còn nhân viên ngân hàng như chị Phan Thị Ngân thì năm nào cũng đến chiều 29 tết may ra mới hết việc.
“Vừa nghỉ làm thì lao đầu vào tổng vệ sinh nhà cửa, chạy vội ra chợ mua sắm đồ đạc, rồi quà tết biếu nội ngoại. Tất tả làm mâm cúng tất niên còn chưa lại sức thì đã sửa soạn cúng giao thừa. Mệt bơ phờ!” - chị Ngân lắc đầu ngán ngẩm.
Chị em tất bật mua sắm
Chuyện của chị Ngọc Mai, chị Ngân có lẽ là nỗi niềm chung của các bà nội trợ khi tết đến xuân về. Cũng vì quá tất bật mà những ngày xuân, với chị em dường như không còn nhiều niềm hân hoan, rộn ràng.
Vì quá cầu toàn, với nhiều người tết trở thành một “gánh nặng” thay vì là dịp nghỉ ngơi và tận hưởng. Những năm gần đây, nhiều người đã mạnh dạn thay đổi cách đón tết để ngày tết nhẹ nhàng hơn với các thành viên trong gia đình.
Thay vì tất bật dọn dẹp nhà cửa những ngày sát tết, vợ chồng chị Trần Thị Dương (thị trấn Cẩm Xuyên) đã lên kế hoạch từ trước tết vài tuần. Mỗi ngày dọn dẹp một ít, các thành viên trong gia đình cùng chia việc cho nhau. Việc mua sắm cũng được lên danh sách chi tiết với phương châm đầy đủ nhưng hợp lý, tiết kiệm.
Nhiều người lựa chọn cách đón tết nhẹ nhàng khi xuống phố ngắm hoa, chụp ảnh (Ảnh: Long Trần Hữu).
Là người khá đơn giản nên chồng chị Dương cũng không đặt gánh nặng cỗ bàn ngày tết lên vai vợ vì cho rằng, cúng ông bà tổ tiên không cứ mâm cao cỗ đầy mới là chu đáo. Cái chính vẫn là ở lòng thành của cháu con.
Nhiều gia đình vẫn có lệ tổ chức ăn tất niên linh đình, thậm chí tổ chức nhiều cuộc cho nhiều thành phần khách mời khác nhau. Nhưng với việc áp dụng Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, năm nay, chắc hẳn những cuộc nhậu cũng sẽ ít đi phần nào.
“Nhậu vừa mệt người lại mất thời gian. Thay vì “chén chú chén anh”, tôi sẽ đưa vợ con đi xem chợ hoa, ngắm phố phường. Đêm giao thừa, bố con cùng giúp mẹ làm cỗ cúng rồi cả nhà đi xem bắn pháo hoa đón năm mới” - anh Phạm Thanh Tuấn (TP Hà Tĩnh) chia sẻ.
Giao thừa là giây phút đoàn viên bên người thân yêu cùng đón một năm mới an lành (Ảnh tư liệu)
Với nhiều gia đình xa quê, họ cũng đã bắt đầu thay đổi tư duy để đón một năm mới nhẹ nhàng, đầm ấm hơn. Anh Lê Văn Quốc (quê Lộc Hà) lấy vợ người Hà Nội và làm việc, sinh sống tại Hà Nội, 27 tết năm nào anh cũng dắt díu vợ con về Hà Tĩnh. Đường sá xa xôi, xe cộ đông đúc, lại mang theo con nhỏ khiến mỗi lần về quê ngày giáp tết là một cực hình với vợ chồng anh.
Anh Quốc đã quyết định sẽ ăn tết “luân phiên” - năm nay về quê nội thì năm sau ăn tết quê ngoại. Năm nào không về quê ăn tết thì vợ chồng anh chị sắp xếp thời gian trước tết đưa con về chơi với ông bà ít hôm.
Tết đủ đầy hay không, suy cho cùng là do quan niệm về cách đón tết của mỗi người. Thay vì “gồng mình” đón tết, tết sẽ nhẹ nhàng ấm áp hơn khi chúng ta coi đó là dịp để những người thân yêu được ở bên nhau chào đón một năm mới an lành.