Trụ sở Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Quyết định nên trên của Fed phù hợp với kỳ vọng của thị trường, là đợt tăng lãi suất với biên độ nhỏ nhất kể từ tháng 6/2022, đồng thời kết thúc 4 đợt tăng lãi suất liên tiếp với biên độ 75 điểm cơ bản.
Với việc dao động trong khoảng 4,25 - 4,5%, lãi suất cơ bản ở Mỹ đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 12/2007, đây là thời điểm ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và ở lần này, Fed cũng tăng lãi suất trong bối cảnh nhiều dự báo cho thấy năm 2023 sẽ phải đối mặt với rủi ro suy thoái kinh tế.
Tín hiệu phát đi từ cuộc họp cho thấy giới chức Fed dự kiến sẽ duy trì mức lãi suất cao hơn trong cuộc họp tới và không hạ lãi suất cho đến năm 2024. Theo biểu đồ dot plot của Uỷ ban Thị trường mở (FMOC), “mức lãi suất tối đa” (terminal rate) dự kiến là 5,1%, tức là sau đó các quan chức mới kết thúc đợt tăng lãi suất. Theo đó, lãi suất cơ bản của Mỹ trong năm tới có thể dao động trong khoảng 5% - 5,25%
Ngoài ra, các quan chức còn đồng thuận về việc thực hiện các đợt hạ lãi suất 1% vào năm 2024, đưa phạm vi xuống 4,1% vào cuối năm đó. Tiếp theo đó là những đợt giảm khác vào năm 2025, đưa lãi suất xuống 3,1% và cuối cùng chạm mục tiêu dài hạn là 2,5%.
Chiến lược tăng lãi suất mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới trong năm nay làm gia tăng lo ngại nền kinh tế toàn cầu có thể bị đẩy vào suy thoái và đè nặng lên các tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu. Cả ba chỉ số chính ở Phố Wall đều đang trên đà chứng kiến mức giảm hàng năm đầu tiên kể từ năm 2018 và mức giảm theo điểm phần trăm hàng năm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.