Thế giới chao đảo khi FED nâng lãi suất kỷ lục

FED tiếp tục phải mạnh tay thắt chặt chính sách để sửa sai. Điều này có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái, làm chao đảo các thị trường tài chính và cản trở đà phục hồi toàn cầu.

Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đồng loạt đi lên sau cuộc họp chính sách tháng 7 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 436 điểm, tương đương 1,37%, lên 32.197 điểm. Chỉ số S&P 500 ghi nhận mức tăng 2,62% lên hơn 4.000 điểm.

Trong khi đó, chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ tăng tới hơn 4%, tức 469,8 điểm lên 12.032 điểm.

Diễn biến này cũng từng được ghi nhận sau cuộc họp chính sách tháng 6 của FED, khi ngân hàng trung ương Mỹ lần đầu nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm kể từ năm 1994. Nhưng đà tăng không kéo dài lâu. Trong phiên giao dịch ngày hôm sau, các chỉ số chứng khoán chính đồng loạt lao dốc, đánh dấu quý tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Thế giới chao đảo khi FED nâng lãi suất kỷ lục

FED tiếp tục nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7. Ảnh: Reuters

Quyết tâm kìm lạm phát

Theo giới quan sát, các thị trường rủi ro đi lên vì việc FED nâng lãi suất đã được phản ánh trong giá. Nhưng trên thực tế, lãi suất ở mức cao và bóng ma suy thoái vẫn đè nặng lên thị trường.

“FED đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm vì trọng tâm chính của họ vẫn là hạ nhiệt lạm phát. Cơ quan này sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong tương lai”, ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) bình luận với Zing .

Sau cuộc bỏ phiếu với sự đồng thuận lên tới 100%, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - đã tăng lãi suất cho vay cơ bản lên mức 2,25-2,5%. Đây là lần tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm thứ 2 liên tiếp và lần tăng lãi suất thứ 4 trong năm nay. Hồi đầu năm, lãi suất cơ bản tại Mỹ xấp xỉ 0.

Rủi ro lạm phát vẫn đang tăng cao vì nguy cơ thiếu hụt nguồn cung năng lượng, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và những đợt bùng phát dịch Covid-19 mới

Ông Edward Moya - nhà phân tích thị trường

Ông Moya tại Oanda cho biết không rõ FED sẽ nâng lãi suất đến khi nào. “Trước đó, FED kiên quyết rằng lạm phát chỉ là nhất thời và giờ buộc phải gấp rút sửa sai. Hiện tại, Chủ tịch FED Jerome Powell có thể tránh đưa ra bất cứ gợi ý nào về thời điểm ngân hàng trung ương Mỹ dừng tăng lãi suất”, ông nói thêm.

Chủ tịch FED cũng không loại trừ khả năng nâng lãi suất 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tiếp theo. “Lạm phát đang ở mức quá cao”, ông Powell nói với phóng viên. Ông cho biết FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho tới khi chắc chắn rằng lạm phát đang giảm trở lại mục tiêu 2%.

“FED có thể tiếp tục nâng lãi suất cho đến khi lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát vẫn đang tăng cao vì nguy cơ thiếu hụt nguồn cung năng lượng, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và những đợt bùng phát dịch Covid-19 mới”, ông Moya bình luận.

“Điều này khiến triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu”, ông nhận định.

Theo số liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 13/7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Con số này cũng vượt xa dự báo trước đó của giới quan sát.

Giá nhiên liệu tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp lớn vào lạm phát của Mỹ trong tháng 6. Phát biểu hôm 13/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng lạm phát trong tháng 6 ở mức “cao không thể chấp nhận nổi”.

Những hệ lụy

FED nâng lãi suất đồng nghĩa với việc người Mỹ sẽ không được hưởng mức lãi suất thấp kỷ lục khi vay mua nhà hay ôtô. Các thị trường tài chính cũng chao đảo vì khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư thay đổi. Giới quan sát cho rằng điều này có thể tác động xấu tới tiêu dùng và đầu tư.

Theo chuyên gia Moya tại Oanda, việc FED nâng lãi suất mạnh tay có thể làm gia tăng rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ. “Rất khó để đạt được mục tiêu lạm phát một cách an toàn”, ông nhận định.

Bà Kristina Hooper - chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco - vẫn hy vọng rằng Mỹ có thể tránh được một cuộc suy thoái và “hạ cánh an toàn”. Nhưng bà thừa nhận rằng kinh tế Mỹ đang có xu hướng giảm tốc đáng kể. “Phải thừa nhận rằng rất khó hạ nhiệt lạm phát vừa đủ để không gây ra suy thoái”, vị chuyên gia nhận định.

Việc FED phản ứng quyết liệt hơn cũng sẽ tạo ra những tác động gợn sóng trên toàn cầu. “Ở một khía cạnh nào đó, FED là ngân hàng trung ương của thế giới và có thể gây ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu”, bà Kristina Hooper - chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Invesco - nhận định.

Việc FED mạnh tay nâng lãi suất khiến sức mạnh của đồng USD đi lên. Ảnh: Reuters

Còn nhà kinh tế Kenneth Rogoff cho rằng cuộc suy thoái của Mỹ, nhất là nếu được gây ra bởi tăng lãi suất, sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu thế giới lao dốc và tàn phá thị trường tài chính.

Ngoài ra, việc FED mạnh tay nâng lãi suất là động lực chính cho đà tăng của đồng USD. Theo giới quan sát, đà tăng của đồng bạc xanh có thể cản trở sự phục hồi kinh tế trên toàn cầu và giáng đòn vào các quốc gia có khoản vay bằng đồng USD, nhất là những nước nghèo.

“Đà tăng của đồng bạc xanh sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho các thị trường mới nổi”, ông Moya bình luận. “Khi USD tăng giá, đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu cũng bị cản trở”, ông nói thêm.

Theo Zing

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.