Gen Z và áp lực mang tên “đồng trang lứa”

(Baohatinh.vn) - Song hành cùng mưu cầu về chất lượng cuộc sống và mong muốn chứng tỏ bản thân đã khiến áp lực "đồng trang lứa" như một căn bệnh phổ biến của người trẻ. Đây cũng là điều không khó gặp ở một số bạn trẻ Gen Z Hà Tĩnh.

Áp lực "đồng trang lứa" (Peer Pressure) là sự tác động, ảnh hưởng từ những người cùng lứa tuổi hoặc cùng một nhóm xã hội được cho là thành công hơn, hạnh phúc hơn đối với một cá nhân. Điều này có thể gây ra các cảm xúc như: tự ti, bất an và lo lắng với người bị áp lực. Nó có thể xuất phát từ bên trong cá nhân hoặc do các yếu tố xung quanh tác động vào.

Nguyễn Tuấn Đạt là sinh viên năm 2 của ngành Tài chính ngân hàng (Trường Đại Học Vinh).

Là sinh viên năm 2 của ngành tài chính ngân hàng (Trường Đại Học Vinh), Nguyễn Tuấn Đạt (SN 2004, ở TP Hà Tĩnh) đang dần cảm thấy áp lực từ ngành học bởi yêu cầu đầu ra của ngành này rất cao.

“Ngành tài chính ngân hàng ở Trường Đại học Vinh nói riêng và các trường đại học khác nói chung có số lượng sinh viên đông. Tuy nhiên, nguồn việc làm từ ngành học này còn khá ít, các vị trí đều đòi hỏi có trình độ cao. Do đó, nếu không có học lực xuất sắc hoặc giỏi trong ngành này thì ra trường rất khó xin việc đúng chuyên môn”, Tuấn Đạt chia sẻ.

Đạt cũng cho biết thêm, do đầu ra ngành học có tỷ lệ "chọi" cao nên các bạn cùng khoá đều cố gắng đạt điểm số thật tốt để có một tấm bằng tốt nghiệp “đẹp”. Nhiều bạn học cùng khoá đã đạt điểm từ 3.7 – 3.9/4.0 của năm nhất. Đây cũng là áp lực đang đeo đẳng Đạt khi lực học của bản thân chỉ mới ở mức khá.

Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, chỉ 45% Gen Z cho biết sức khỏe tâm thần của họ ổn hoặc rất tốt. Tất cả các nhóm thế hệ khác đều có kết quả tốt hơn về thống kê này, bao gồm Millennials (Gen Y, sinh từ năm 1981 - 1996 là 56%), Gen Xers (Gen X, sinh từ năm 1965 - 1980 là 51%) và Boomers (thế hệ X, sinh từ năm 1946 đến 1964 là 70%). Con số trên đã cho thấy Gen Z là thế hệ trầm cảm nhất, các thành viên của nhóm này có nhiều khả năng tìm đến các liệu pháp hoặc tư vấn sức khỏe tâm thần hơn so với các thành viên của nhóm khác.

Trần Ngọc Ánh đã trang bị một tâm lý vững vàng để tin tưởng và thấu hiểu bản thân, tránh bị áp lực đồng trang lứa.

Với áp lực không kém Tuấn Đạt, bạn Trần Ngọc Ánh (SN 2001, ở Đức Thọ) đang khá mệt mỏi do chưa tìm được công việc phù hợp sau khi ra trường. Ngọc Ánh là sinh viên loại giỏi ngành truyền thông (Trường Đại học Văn hoá Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp, Ánh đã thử xin việc tại một số công ty marketing tại Hà Nội, song, công việc và mức lương không được như mong muốn nên Ánh đã xin nghỉ để tìm công việc khác phù hợp hơn.

“Trong khi mình đang loay hoay đi xin việc thì các bạn cùng tuổi đã có công việc ổn định, nhiều bạn đạt tới mức lương vài chục triệu đồng mỗi tháng khiến mình khá lo lắng. Ngoài ra, mình thường gặp tình trạng bị so sánh với “con người ta” hay những câu hỏi như: bao giờ lấy chồng, nay làm công việc gì, lương bao nhiêu… khiến không thoải mái và có chút buồn”, Ánh tâm sự.

Để tránh việc bị stress, Ngọc Ánh đã phải vạch ra định hướng cho tương lai; tự đánh giá năng lực của bản thân để tìm công việc phù hợp. Đối với Ánh, việc không tự so sánh mình với người khác hay hạn chế quan tâm đến thành tích của người khác cũng là một cách giảm áp lực "đồng trang lứa".

Công việc hiện nay của Ngọc Thương trái với ngành nghề đã được học.

Cũng trong hoàn cảnh áp lực, bạn Từ Ngọc Thương (SN 2001, ở Hương Sơn) có phần lo lắng hơn do phải làm trái nghề sau khi ra trường. Là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành báo chí (Trường Đại học Vinh), song, Ngọc Thương lại lựa chọn công việc làm nhân viên tư vấn bán quần áo cho một công ty trên địa bàn TP Vinh với thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng.

“Để tìm công việc đúng với chuyên môn ngành học hiện khá khó, nên trước mắt mình lựa chọn làm trái ngành để có thu nhập phục vụ chi tiêu cho bản thân. Việc phải làm trái ngành cũng khiến mình cảm thấy khá tiếc cho 4 năm học đại học và đôi lúc nghi ngờ về năng lực của bản thân.

Trong khi đó, trên mạng xã hội hình ảnh bạn bè đồng trang lứa khoe các thành tích đạt được như: công việc ổn định, mức lương cao, mua xe mới… xuất hiện mỗi ngày khiến mình cũng cảm thấy áp lực”, Thương bộc bạch.

Đối với Ngọc Thương, nấu những món ăn yêu thích và thưởng thức cùng bạn bè là một cách giảm bớt áp lực đồng trang lứa.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, độ tuổi bộc lộ áp lực đồng trang lứa rõ ràng nhất rơi vào từ 20 – 25 tuổi (gen Z) bởi đây là tuổi phải bắt đầu cuộc sống độc lập, chưa có nhiều kinh nghiệm sống và chịu khá nhiều ảnh hưởng từ xung quanh. Bên cạnh đó, độ tuổi này còn đang khao khát thành công trong học tập cũng như công việc. Những người mắc “căn bệnh” này thường có dấu hiệu căng thẳng, mệt mỏi trong cuộc sống; hay xuất hiện cảm giác lo lắng, bồn chồn không rõ nguyên nhân; suy nghĩ quá nhiều làm rối loạn giấc ngủ; thường so sánh mình với người khác hoặc nặng hơn là bị stress kéo dài.

Bất kể thế hệ nào cũng có áp lực đồng trang lứa, song, thế hệ Gen Z mang áp lực nặng hơn bởi sự tác động, bùng nổ của công nghệ số, truyền thông số.

Để tránh rơi vào áp lực đồng trang lứa, các bạn Gen Z cần đánh giá đúng năng lực của mình, có kế hoạch cá nhân rõ ràng, tham gia các hoạt động mang tính đồng đội, luôn chia sẻ cùng gia đình và người thân. Đây là hiện tượng bình thường của xã hội nên nó qua nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhận thức của từng cá nhân. Cuối cùng, mỗi người phải có nhận thức đầy đủ và sáng tạo, tránh tình trạng ganh đua, ganh ghét tiêu cực.

Tiến sỹ tâm lý học Nguyễn Văn Hoà - giảng viên Trường Đại học Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói