Ghi trước ngày hội lớn

(Baohatinh.vn) - “22 tháng 5 ngày bầu cử Quốc hội/ 22 tháng 5 ngày bầu cử Hội đồng nhân dân/ 22 tháng 5 ngày thực hiện quyền dân chủ/ 22 tháng 5 ngày cả nước hân hoan đi bầu”. Lời bài hát “Cùng nhau ta đi bầu” của Lữ Minh Ngọc vang lên khi mới tờ mờ sáng ở nhà văn hóa thôn đã tiếp cho tôi nhiều động lực trong chuyến đi khắp các miền trong tỉnh.

Tới nơi đâu, chúng tôi cũng nhìn thấy những sắc thắm màu cờ, những panô, bảng hiệu hướng về bầu cử. Và tôi thấy trong đó, nhịp sống hối hả, phấn khởi trên mỗi gương mặt người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y kiểm tra và trao đổi với cử tri Vũ Quang

Tất cả đã sẵn sàng…

Theo hành trình đã định, chúng tôi tìm về thôn Liên Xuân, xã Hộ Độ (Lộc Hà). Mùa này, mùa muối bắt đầu được chưng cất. Hai bên cầu Hộ Độ, hàng loạt cờ vui phấp phới trong lồng lộng gió, như thể lòng hiếu khách của con người vùng nhọc nhằn, khó khăn. Đầu thôn, hàng trăm bác nông dân và đoàn viên đang cùng nhau chặt tỉa từng cành cây, quét tước mặt đường, xắn từng lối cỏ.

Bác Phan Văn Ngọc nở nụ cười trên khuôn mặt sạm đi vì nắng, vui vẻ nói: “Bầu cử là ngày hội của toàn dân, đó cũng là dịp mỗi thôn khơi dậy niềm tự hào nên người dân chúng tôi rất phấn khởi. Từ hôm 18 đến nay, chi hội nông dân và đoàn thanh niên đã phối hợp dọn vệ sinh, phát quang toàn bộ đường làng, ngõ xóm. Không khí ở đây vui lắm!”.

 Theo lời dẫn, chúng tôi hướng về nhà văn hóa thôn, lòng rạo rực hòa cùng niềm vui người dân nơi đây. Lối vào thôn rực cờ vui, tiếng loa phóng thanh như thôi thúc mọi người nhanh hơn trong mọi thao tác. 76 tuổi nhưng bác Phạm Văn Khang vẫn được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ bầu cử. Không giấu nổi niềm hân hoan, bác giới thiệu với chúng tôi từ cái mái che mới dựng để cử tri ngồi uống nước, để xe với chi phí gần 20 triệu đồng, đến cổng nhà văn hóa vừa hoàn thành cùng nhiều chi tiết trang trí khác.

Bác Phạm Văn Khang cùng thành viên tổ bầu cử thôn Liên Xuân (Hộ Độ) trang trí các hòm phiếu đặt tại nhà văn hóa thôn.

“Điểm bầu cử số 6 này gồm thôn Liên Xuân và Trung Châu với tổng số cử tri gần 1.000. Bà con thường chạy chợ sớm hôm nên ngày 22, chúng tôi sẽ khai mạc khoảng 5h30’ để bà con bỏ phiếu trước khi đi làm. 15 anh em trong tổ bầu cử chúng tôi đã thống nhất mời 2 cử tri tiêu biểu lên bỏ phiếu trước là cụ Nguyễn Xuân Lam 80 tuổi, từng là Huyện ủy viên và cụ Lê Văn Thông cũng trên 80 tuổi là người công giáo tiêu biểu. Chúng tôi cũng đã phân công lịch trực, kể cả chế độ ăn khuya trong đêm 21”.

Sự chuẩn bị chi tiết ở thôn Liên Xuân gợi cho tôi nhớ đến làng “đảo”, ngôi làng có tên Hồng Lam, thuộc xã Xuân Giang (Nghi Xuân) quanh năm rì rầm tiếng sóng. Trước đó ít ngày, tôi đã về đây để tìm hiểu nguyện vọng của cử tri cũng như công tác chuẩn bị.

Cán bộ văn hóa xã Cẩm Dương (Cẩm Xuyên) thay lại những lá cờ bị mưa gió làm hỏng.

Bà Đinh Thị Ngân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã cho biết: “342 cử tri rất phấn khởi vì nhà văn hóa thôn vừa được tu sửa với gần 200 triệu đồng. Người dân trên “đảo” sẽ trực tiếp bỏ phiếu tại thôn. Xã cũng đã cấp cho thôn hơn 1,5 triệu đồng để phục vụ trang trí và một khoản tiền khác phục vụ tổ bầu cử”. Bà Ngân cho biết thêm, toàn xã có 7 tổ bầu cử, hiện nay, mọi thứ đã sẵn sàng, những lá cờ bị mưa gió trước đó làm hỏng đã được thay mới.

Muôn người háo hức

Theo cung đường nối hai bên bờ sông Sót, chúng tôi về Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên) để nắm bắt không khí của những làng quê ven biển. Biển của những ngày qua đầy sóng gió nhưng người dân vẫn một lòng thủy chung hướng về Đảng, về chính quyền để xây dựng niềm tin, nhất là sau khi nhận được hỗ trợ của tỉnh. Những con thuyền ở thôn Bắc Hòa, Mỹ Hòa đã miệt mài rẽ sóng.

Theo con đường hun hút, chúng tôi về thôn Mỹ Hòa, nơi có gần 500 cử tri, trong đó, có 130 người không theo đạo.Bác Nguyễn Văn Tâm dường như chẳng nghỉ ngày nào kể từ ngày nhận nhiệm vụ thành viên tổ bầu cử. Đứng bên dàn rạp vừa dựng lên ở sân nhà văn hóa, trong tiếng gió lồng lộng thổi những lá cờ và âm vang sóng biển, bác bảo: “Ở thôn tôi có linh mục Phạm Đức Hữu - người có tinh thần xây dựng mối quan hệ lương – giáo nên tình hình rất ổn định. Đặc biệt, trong thôn có chị Lê Thị Nga là người theo đạo, sinh năm 1991, là ứng cử viên HĐND huyện nên dân làng rất phấn khởi. Bác tin là cử tri sẽ ủng hộ 100%”.

Điểm bầu cử thôn La Xá (Thạch Lâm - Thạch Hà)

Niềm phấn khởi, tin tưởng của cử tri ở miền xuôi cũng giống miền ngược. Nơi vùng giáp ranh với nước bạn, thuộc xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn), anh Lê Trọng Tưởng (SN 1976) quanh năm làm nghề buôn bán bên nước Lào. Anh bảo: “Mọi thông tin liên quan đến bầu cử, tôi và bà con đều nắm bắt được vì xã và thôn tuyên truyền rất đầy đủ. Để thực hiện quyền công dân, tôi đã về trước 2 ngày để chuẩn bị đi bỏ phiếu. Hiện nay, tôi và vợ đã nhận được thẻ cử tri, dự định ngày đó sẽ chở vợ đến thôn Hà Trai cùng bỏ phiếu”.

Giống anh Tưởng, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa Sót (Thạch Kim) Hoàng Phi Hùng mặc dù được điều động phụ trách các xã Thạch Văn, Thạch Trị nhưng anh đã chủ động kế hoạch để ngày 22/5 trở về đồn bỏ phiếu. Anh nói: “Bỏ phiếu là quyền nhưng cũng là trách nhiệm của cử tri trong việc xây dựng chính quyền nên dầu bám sát kế hoạch chuyên môn nhưng phải chủ động để thực hiện quyền bầu cử”.

Ông Bùi Quang Hoàn - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử và trao đổi với cử tri xã Kỳ Lâm

Ở huyện mới Kỳ Anh, sáng 20/5, khi chúng tôi có mặt, các trụ sở cơ quan từ huyện đến xã hầu như vắng bóng người. Tất cả đang dồn xuống cơ sở, kiểm tra, đôn đốc các tổ bầu cử hoàn tất những công việc cuối cùng. Gặp Chủ tịch UBND huyện Bùi Quang Hoàn tại tổ bầu cử số 5 (xóm Châu Long - xã Kỳ Châu), ông cho biết: "Đến thời điểm này, 143 khu vực bỏ phiếu đã sẵn sàng đón hơn 72 nghìn cử tri toàn huyện đến thực hiện nghĩa vụ công dân. Với sự chuẩn bị chu đáo, kịp thời, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, nhân dân trong toàn huyện đều phấn khởi chờ đón ngày hội lớn của cả nước".

Cũng tại tổ bầu cử có hơn 90% cử tri là đồng bào Thiên chúa giáo này, chúng tôi được gặp nhiều giáo dân đến góp sức cùng các thành viên tổ bầu cử. Bà Nguyễn Thị Mạnh ở giáo xứ Châu Long chia sẻ: "Nhà tôi có 3 cử tri và mỗi người đều độc lập đến đây nghiên cứu, tìm hiểu và có quyết định riêng của mình. Trước ngày bầu cử, tôi đến đây đọc lại tiểu sử các ứng cử viên lần nữa."

Người dân nhiều địa phương tích cực chỉnh trang đường làng chuẩn bị cho ngày bầu cử.

Ngược lên vùng Thượng, chúng tôi chứng kiến không khí náo nức, tinh thần phấn chấn của đông đảo bà con. Tại các xã Kỳ Hợp, Kỳ Lâm, bà con nơi ra quân dọn vệ sinh môi trường, chỗ đang tất bất dựng cổng, treo cờ. Ông Phan Đình Thọ (thôn Minh Châu - Kỳ Hợp) cho biết: "Bầu cử là trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân. Bà con chúng tôi cũng đã nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về hồ sơ của các ứng cử viên và tin là sẽ lựa chọn người xứng đáng".

Không khí rạo rực khắp phố phường, thôn xóm trên địa bàn toàn tỉnh đang hòa vào lòng người để muôn cử tri cùng trẩy hội vào ngày 22/5. Niềm phấn khởi sẽ xây dựng nên lòng tin tưởng để mỗi cử tri có trách nhiệm với lá phiếu của mình, lựa chọn đúng những đại biểu của dân, do dân, vì dân.

Chủ đề ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HĐND CÁC CẤP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói