Giá lúa, gạo tăng theo ngày
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong đầu tháng 8, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đã vượt mốc 600 USD/tấn, là mức giá cao nhất trong hơn 10 năm qua. Tại Hà Tĩnh, theo chia sẻ một số một số đại lý lớn chuyên kinh doanh, bán lẻ gạo, hiện nay, giá gạo theo đà tăng của thị trường trong nước và thế giới nên cũng đang “neo” ở mức cao.
Theo đó, giá gạo đã tăng trung bình từ 1.000 đồng - 3.000 đồng/kg so với cách đây 1 tháng. Trong đó, một số loại gạo địa phương như: Thiên Ưu 8, Thái Xuyên 111… có mức tăng khoảng 1.000 đồng - 1.200 đồng/kg. Các loại gạo từ miền Nam, có chất lượng cao như ST25, gạo thơm Sóc Trăng, Tám Thái, Lài Hương… giá tăng từ 2.000 đồng - 3.000 đồng/kg, dao động từ 13.500 đồng - 21.500 đồng/kg tùy loại.
Giá gạo đã tăng gạo bán lẻ tại Hà Tĩnh đã tăng trung bình từ 1.000 đồng - 3.000 đồng/kg so với cách đây 1 tháng.
Chị Nguyễn Thị Tâm - chủ đại lý gạo Tâm Cường (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Chưa bao giờ thấy giá gạo tăng “chóng mặt” đến vậy. Giá gạo liên tục lên trong 2 tuần trở lại đây, có khi thay đổi theo từng giờ. Mặc dù thị trường tăng giá thì các đại lý như chúng tôi cũng phải điều chỉnh giá tăng nhưng nếu tăng giá liên tục thì khách hàng sẽ phản ứng ngay”.
Không chỉ giá gạo tăng, giá thu mua lúa cũng “nóng” theo các thông tin từ hoạt động xuất khẩu gạo của cả nước dù đây chưa phải là thời điểm thu mua lúa tập trung, diện rộng trên địa bàn. Bà Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc HTX Thương mại, dịch vụ chế biến nông sản Hạnh Cường chia sẻ: “Đợt này, mỗi ngày, chúng tôi chỉ thu mua khoảng 5 - 7 tấn lúa từ các nơi do chưa vào vụ thu hoạch hè thu. Tuy nhiên, theo thị trường cả nước, giá lúa trên địa bàn cũng tăng nhanh trong vài tuần trở lại đây. Theo đó, giá lúa Khang Dân 18, Xuân Mai dao động ở mức 9.000 đồng - 9.500 đồng/kg; Nếp từ 8.000 đồng - 8.500 đồng/kg, tăng từ 600 đồng - 1.000 đồng/kg so với tháng trước”.
HTX Thương mại, dịch vụ chế biến nông sản Hạnh Cường (Thạch Bình, TP Hà Tĩnh) phải chấp nhận thu mua lúa với giá cao để đáp ứng đơn hàng với đối tác.
Theo các tiểu thương, nguyên nhân khiến giá lúa, gạo tăng cao do nhiều đầu mối và doanh nghiệp gom hàng xuất khẩu. Hiện nay, các thị trường Trung Quốc, Philipines, Indonesia đang đẩy mạnh nhập khẩu gạo Việt Nam vì lo ngại nguồn cung mặt hàng chủ lực này sẽ bị thiếu hụt sau khi Ấn Độ ra lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo vào ngày 20/7, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo trong 4 tháng (tháng 7 - 11) từ ngày 28/7, Nga thông báo tạm dừng xuất khẩu gạo đến cuối năm 2023 từ ngày 29/7…
Giá gạo tăng ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu dùng của người dân.
Người dân, doanh nghiệp đều lo lắng
Thị trường lúa gạo tại Hà Tĩnh nhỏ lẻ, cơ bản phục vụ nhu cầu tiêu dùng, ổn định an ninh lương thực của người dân. Tuy nhiên, những ngày qua, thông tin giá gạo trong nước liên tục tăng đã khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi lo lắng. Anh Phan Xuân Mạnh (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) nói: "Lúa, gạo là mặt hàng lương thực không thể thiếu nên việc giá tăng sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của mỗi gia đình. Chẳng biết giá còn tăng đến khi nào nên thay vì mua 1 yến như mọi khi thì lần này, tôi tranh thủ mua dự trữ 3 yến trong nhà".
Các kho dự trữ lúa, gạo của cơ sở thu mua, doanh nghiệp ở Hà Tĩnh cơ bản có quy mô nhỏ nên khá bị động trong biến động tăng giá của mặt hàng này.
Đối với chị Trần Thị Vân - chủ cơ sở sản xuất bún, phở tại xã Việt Tiến (Thạch Hà), giá gạo tăng đang trở thành nỗi lo thường trực trong thời điểm này. Chị Vân chia sẻ: “Giá nguyên liệu gạo đầu vào tăng liên tục. Vào giữa tháng, tôi chỉ nhập với giá 13.000 - 13.500 đồng/kg gạo thì nay giá nhập vào đã tăng thêm 2.000 đồng/kg, dự kiến trong đợt tới còn tăng tiếp. Dù vậy, chúng tôi chưa thể tăng được giá bún, phở ngay vì còn phải giữ khách. Song, trước dự báo giá gạo còn tăng nữa thì tôi sẽ phải cân nhắc điều chỉnh giá bán sản phẩm vì sản xuất như hiện nay thì rất khó khăn”.
Trong khi đó, các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu lúa, gạo trên địa bàn tỉnh cũng đang lo lắng khi giá lúa, gạo tăng “nóng” thời gian vừa qua, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Khánh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay, doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu gạo đi các nước ở Đông Nam Á, Châu Phi. Giá thu mua lúa tăng cao trong khi chúng tôi vẫn phải tuân thủ giá theo các hợp đồng đã ký kết trước đó, vì thế, doanh nghiệp có khả năng cao phải bù lỗ để có đủ hàng xuất đi. Còn các hợp đồng mới thì chúng tôi phải cân nhắc thị trường trong nước và thế giới, nhất là chờ đợi Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo”.
Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh hiện chủ yếu xuất khẩu gạo đi thị trường Đông Nam Á, châu Phi.
Theo ông Võ Tá Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh, theo Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan chủ động rà soát lại tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo trên địa bàn; nguồn cung - cầu sản phẩm; có phương án về nguồn hàng lúa, gạo để bảo đảm cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đảm bảo nguồn cung thóc, gạo, bình ổn thị trường. Đồng thời, theo dõi diễn tiến thị trường, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm gàng, định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với mặt hàng gạo...