Giá gạo xuất khẩu Việt cao nhất thế giới sau lệnh áp thuế của Ấn Độ

Không chỉ gạo 5% tấm mà hầu hết loại gạo của Việt Nam đều vượt Thái Lan 15-65 USD một tấn hôm 28/8.

Ấn Độ cấm xuất khẩu tất cả loại gạo tẻ thường từ 20/7 đã làm thị trường gạo thế giới tăng nhanh. Mới đây, 25/8, quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới này lại tiếp tục áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ.

Nói với VnExpress, bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập Công ty SSResource Media Pte.Ltd (Singapore), đơn vị chuyên cung cấp thông tin và phân tích thị trường lúa gạo thế giới cho biết, Myanmar tháng tới có thể hạn chế xuất khẩu tất cả loại gạo. Những động thái này đang làm giảm lượng gạo xuất khẩu từ Ấn Độ, Myanmar, đẩy giá xuất khẩu vào đợt tăng mới.

Giá gạo xuất khẩu Việt cao nhất thế giới sau lệnh áp thuế của Ấn Độ

Sạp bán gạo tại chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Linh Đan

Kết phiên ngày 28/8, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam tiếp tục tăng cao lên 643 USD một tấn, cao hơn gạo Thái Lan 13 USD một tấn. Đây cũng là mức cao nhất 15 năm qua.

Trong lúc các loại gạo Việt đồng loạt tăng trong 5 phiên gần nhất, hàng Thái lại quay đầu giảm. Trong khi đó, gạo 25% tấm của Thái Lan phiên 28/8 rớt xuống 563 USD một tấn, thấp hơn gạo Việt 65 USD. Tương tự, gạo 100% tấm Thái Lan rớt xuống 459 USD một tấn.

Theo các doanh nghiệp, sở dĩ giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng vọt vì nhu cầu thật từ thị trường thế giới lớn. Trong khi đó, giá lúa gạo nội địa liên tục tăng những ngày qua khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải chào giá cao mới có thể chốt được hợp đồng xuất khẩu mà không bị thua lỗ.

“Giá xuất khẩu tăng, các doanh nghiệp trong nước mới dám ký mới đơn hàng”, Giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở An Giang nói.

Hiện, giá thu mua lúa tại thị trường nội địa đắt đỏ. Giá các loại lúa đều tăng lên gần 8.000 đồng một kg. Với mức giá này, nếu quy ra gạo xuất khẩu, tương đương giá 670-680 USD một tấn.

Trước đó, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho rằng Philippines, Indonesia hay các quốc gia nhập khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam đều đang phải mua với mức giá cao. Có thời điểm các doanh nghiệp Việt đề nghị mức giá 680-700 USD một tấn nhưng họ vẫn chưa chấp nhận chốt đơn. Điều này cho thấy, thị trường thế giới khan hàng nhưng giá gạo xuất khẩu Việt Nam khó đạt 800 USD một tấn.

Khảo sát thị trường lúa gạo trong nước cho thấy, giá lúa gạo tiếp tục duy trì mức cao. Cụ thể, gạo IR 504 ở mức 7.750-7.900 đồng một kg, giống OM 5451 từ 7.750-8.000 đồng một kg, lúa OM 18 ở mức 7.800-8.200 đồng một kg. Giá gạo tại các cửa hàng bán lẻ cũng tăng thêm 500 đồng mỗi kg lên 17.500 đồng với gạo dẻo thông thường và lên 22.000-25.000 đồng với gạo dẻo có thương hiệu.

Cục trưởng Cục trồng trọt Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Như Cường cho biết, gần kết thúc vụ Hè Thu nhưng vụ Thu Đông cũng sẽ cho thu hoạch sớm nên năm nay sản lượng lúc gạo sản xuất chắc chắn đạt mục tiêu đề ra 43 triệu tấn. Thế giới đang thiếu nguồn cung nhưng hàng trong nước luôn đảm bảo đầy đủ để giá nội địa không tăng phi mã như 2008 - thời điểm giá lúa gạo thế giới lên cao.

Theo Thi Hà/VNE

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.