Đà giảm của giá thép xây dựng trong nước thời gian qua vẫn tiếp diễn. Theo ghi nhận, từ đầu năm 2024 lại nay, giá thép đã nhiều lần giảm. Trong đó, tính riêng từ tháng 7/2024 lại nay, giá thép xây dựng đã 3 lần giảm liên tiếp với tổng mức giảm khoảng 400 ngàn đồng/tấn.
Tại Hà Tĩnh, ngày 19/7/2024, giá thép Tisco giảm 100 ngàn đồng/tấn (giảm từ 15,4 triệu đồng/tấn xuống còn 15,3 triệu đồng/tấn đối với dòng thép cuộn CB240; giảm từ 15,6 triệu đồng/tấn xuống còn 15,5 triệu đồng/tấn đối với thép thanh vằn D10 CB300).
Ngày 6/8/2024, giá thép tiếp tục giảm 200 ngàn đồng/tấn (giảm từ 15,3 triệu đồng/tấn xuống còn 15,1 triệu đồng/tấn đối với dòng thép cuộn CB240 và giảm từ 15,5 triệu đồng/tấn xuống còn 15,3 triệu đồng/tấn đối với thép thanh vằn D10 CB300).
Tiếp đó, ngày 13/8/2023, giá thép giảm thêm 100 ngàn đồng/tấn (giảm từ 15,1 triệu đồng/tấn xuống còn 15 triệu đồng/tấn đối với dòng thép cuộn CB240 và giảm từ 15,3 triệu đồng/tấn xuống còn 15,2 triệu đồng/tấn đối với thép thanh vằn D10 CB300). Được biết, mức giá này được giữ ổn định cho đến thời điểm này.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nguyên nhân khiến giá thép trong nước liên tục giảm là do nhu cầu tiêu thụ chậm, hàng tồn kho lớn. Bên cạnh đó, giá thép trong nước giảm còn do các doanh nghiệp thép phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu. Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thép như: quặng sắt, than cốc… đã giảm trong thời gian gần đây khiến chi phí sản xuất thép giảm và giá thép cũng theo đó giảm theo.
Tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải (Thạch Hà, Hà Tĩnh), giá các loại thép Tisco, Việt Mỹ, Việt Nhật… đang được niêm yết ở mức 15 triệu đồng/tấn đối với dòng thép cuộn CB240 và 15,2 triệu đồng/tấn đối với thép thanh vằn D10 CB300. Như vậy, so với thời điểm đầu năm, giá thép đã giảm hơn 1 triệu đồng/tấn và so với năm 2022, mức giá này giảm khoảng 5 triệu đồng/tấn.
Ông Phạm Kiều Hưng – Trưởng phòng Kinh doanh (Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải) cho biết: “Đang là mùa xây dựng nhưng nhu cầu tiêu thụ thép trên địa bàn Hà Tĩnh không cao như các năm trước đây do ảnh hưởng những khó khăn chung của nền kinh tế. Nhu cầu giảm, trong khi sức cạnh tranh trên thị trường cao buộc các doanh nghiệp phải giảm giá thép liên tục. Trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp chúng tôi phải nỗ lực triển khai các giải pháp như: tăng cường tiếp cận thị trường, tìm kiếm đối tác mới; tranh thủ cơ hội từ các dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua các tỉnh Bắc Trung Bộ và các dự án xây dựng trên địa bàn để gia tăng sức tiêu thụ sản phẩm thép. Theo đó, từ đầu năm lại nay, đơn vị đã xuất ra thị trường trên 100.000 tấn thép”.
Trước diễn biến giá thép giảm liên tiếp, người tiêu dùng trên địa bàn Hà Tĩnh đang được hưởng lợi. Gia đình anh Nguyễn Văn Hùng (phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) đang vào cao điểm xây phần thô ngôi nhà mới nên cần khối lượng thép lớn. Anh Hùng cho hay: "Chúng tôi đang xây mới ngôi nhà 2 tầng với diện tích sàn trên 150 m². May mắn là thời điểm này, giá thép xây dựng giảm liên tục nên gia đình đã tiết kiệm được một số tiền khá. So với giai đoạn đầu năm, xây nhà ở thời điểm này giúp chúng tôi tiết kiệm được gần 20 triệu đồng tiền thép”.
Theo ghi nhận, có những giai đoạn, giá thép tăng cao (trên 20 triệu đồng/tấn vào năm 2022 - PV), nhiều doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn Hà Tĩnh đã phải bù lỗ. Bởi vậy, giai đoạn này, giá thép xây dựng giảm sâu đang góp phần giảm chi phí cho lĩnh vực xây dựng. Đây được xem là động lực để thúc đẩy tiến độ thi công của các công trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn.
Ông Trần Văn Dương – Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Hoàng Dương (TP Hà Tĩnh) cho biết: "Có những giai đoạn giá thép tăng cao, đơn vị thi công phải bù lỗ chi phí. Thời điểm này, chúng tôi đang triển khai một số công trình xây dựng, việc giá thép giảm đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm số tiền khá lớn. Tận dụng cơ hội khi giá thép xây dựng còn ở mức thấp, chúng tôi đang tập trung tối đa nhân lực, máy móc, đẩy nhanh tiến độ thi công gắn với chất lượng công trình".
Các chuyên gia kinh tế nhận định, đối với giá thép trong nước, thời gian tới dự báo vẫn tiếp tục ổn định, do từ cuối quý III đã bước vào mùa mưa, hoạt động xây dựng nhiều khả năng vẫn chưa có nhiều sự bứt phá.
Hơn nữa, lĩnh vực bất động sản thời gian gần đây mặc dù đã có dấu hiệu “ấm lên” nhưng vẫn chưa thực sự cải thiện rõ rệt. Bởi vậy, mức tiêu thụ sắt thép có thể tiếp tục duy trì ổn định và giá thép xây dựng vẫn sẽ dao động trong khoảng trên dưới 15 triệu đồng/tấn. Đây được xem là mức giá khá ổn định cho hoạt động xây dựng trong giai đoạn không ít khó khăn hiện nay.