Đồng euro. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 12/5, giá trị của đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua khi 1 euro chỉ đổi được 1,0389 USD.
Biến động này diễn ra tại thời điểm “đồng bạc xanh” tăng giá nhờ được coi là kênh trú ẩn an toàn cũng như nhờ quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trước đó cùng ngày, giữa bối cảnh biên độ thu hẹp lạm phát của Mỹ thấp hơn dự kiến của thị trường trong tháng 4/2022, chỉ số đồng USD - thước đo diễn biến đồng bạc xanh so với sáu đồng tiền chủ chốt - đã tăng khoảng 0,1%, lên 104,22 (điểm), chạm mức cao nhất kể từ tháng 12/2002.
“Đồng bạc xanh” đã nhận được sự hỗ trợ trong bối cảnh một mặt thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc do nhà đầu tư lo ngại các ngân hàng trung ương đang chậm trễ trong việc kiềm chế đà tăng mạnh của giá tiêu dùng, mặt khác triển vọng tăng trưởng kinh tế đang đối diện với rủi ro từ lệnh phong tỏa xã hội nghiêm ngặt kéo dài của Trung Quốc nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 .
Đồng bảng Anh, đồng đôla Australia (AUD) và đôla New Zealand (NZD) cũng đồng loạt giảm trong ngày 12/5, khi các vấn đề liên quan tới Brexit “nóng” trở lại.
Trong khi đó, đồng yen của Nhật Bản tiếp tục nhận được hỗ trợ từ việc lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn giảm từ mức đỉnh nhiều năm (trên 3,2%) vào đầu tuần này.
Đồng tiền của Nhật Bản đã tăng thêm khoảng 0,2% trong ngày 12/5, lên 129,67 yen/USD, rời khỏi mức thấp nhất hơn hai thập kỷ là 131,35 yen/USD ghi nhận vào ngày 9/5, giữa lúc lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần là 2,862%.