Giá xăng ngày mai có thể tăng hơn 1.000 đồng/lít

Giá xăng trong nước ngày 11/4 dự kiến tăng tới hơn 1.000 đồng/lít. Nếu liên Bộ Công Thương - Tài chính chi quỹ bình ổn, mức tăng có thể ít hơn.

Giá xăng ngày mai có thể tăng hơn 1.000 đồng/lít

Giá xăng trong nước ngày 11/4 dự kiến tăng mạnh. Ảnh: Phạm Ngôn

Chiều 11/4, liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ. Dữ liệu từ Bộ Công Thương cập nhật số liệu đến ngày 5/4 ghi nhận bình quân giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore tăng nhẹ so với kỳ điều hành ngày 3/4. Cụ thể, bình quân giá xăng RON 92 (dùng để điều chế xăng E5 RON 92) là 102 USD/thùng, RON 95 là 104,6 USD/thùng.

Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước là 93,8 USD/thùng xăng RON 92; 98,2 USD/thùng xăng RON 95 và 94,8 USD/thùng dầu diesel.

Trao đổi với Zing, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại phía Nam cho biết sau kỳ điều hành 3/4, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore tăng vọt lên hơn 100 USD/thùng và đang có xu hướng giảm vào ngày 7/4.

Theo đó, nhiều khả năng giá xăng ngày mai tăng khoảng 800-1.100 đồng/lít, dầu diesel tăng ít hơn khoảng 500-700 đồng/lít. Tuy nhiên, mức điều chỉnh còn phụ thuộc vào quyết định sử dụng quỹ bình ổn của cơ quan điều hành.

Tương tự, chủ một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại miền Bắc cũng cho biết giá xăng dầu có thể tăng tiếp tới 1.000-1.300 đồng/lít, còn dầu diesel tăng 600-800 đồng/lít. Mức chiết khấu xăng dầu nhiều kho ngày 10/4 đang về mức 100-400 đồng/lít.

Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ tăng lần thứ 2 liên tiếp. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã có 6 lần tăng, 3 lần giảm và một lần giữ nguyên. Hiện, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Trong đó, tính đến 3/4, Petrolimex dương 2.470 tỷ đồng, PVOil âm 340 tỷ đồng, Saigon Petro dương 307 tỷ đồng, Petimex dương 397 tỷ đồng...

Liên quan đến giá dầu thế giới, mới đây, một số nước thành viên OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) cho biết sẽ cắt giảm sản lượng dầu. Động thái này có thể đẩy giá nhiên liệu toàn cầu lên cao và tạo thêm sức ép cho các ngân hàng trung ương trong việc kìm hãm lạm phát.

“Giá dầu sẽ gia tăng trong phần còn lại của năm nay bởi các đợt cắt giảm tự nguyện này. Chúng có thể thúc đẩy lạm phát toàn cầu, buộc những ngân hàng trung ương lớn trên thế giới phải giữ lập trường cứng rắn trong việc tăng lãi suất”, ông Victor Ponsford tại hãng nghiên cứu Rystad Energy bình luận.

Liên quan đến quỹ bình ổn xăng dầu, tại cuộc họp góp ý về Luật giá (sửa đổi) ngày 6/4, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng cần hạn chế mức thấp nhất vận động người dân, doanh nghiệp tham gia vào quỹ bình ổn này.

“Quỹ bình ổn giá là do Nhà nước trực tiếp quản lý và Nhà nước phải đầu tư từ ngân sách để khi có sự đột biến như giá xăng dầu thời gian qua thì Nhà nước sử dụng để can thiệp vào thị trường. Quỹ bình ổn giá là của Nhà nước mà vận động người dân tham gia thì sẽ không hay”, ông nhìn nhận.

Về vấn đề duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu, đại biểu cho rằng nên duy trì quỹ này vì quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua đã tham gia vào thị trường, hạn chế mức giá trần của xăng dầu.

Tuy nhiên, hiện nay quỹ này giao cho doanh nghiệp quản lý là không hợp lý mà giao cho Bộ Tài chính bởi quỹ bình ổn giá xăng dầu là tiền của người dân mà giao doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, sử dụng tiền vào mục đích khác sẽ “không công bằng với người dân”.

Theo Zing

Đọc thêm

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Giá vàng có thể phá vỡ kỷ lục thiết lập năm nay vào 2025

Mặc dù bức tranh lạm phát vẫn chưa rõ ràng và nhu cầu về đồ trang sức vàng có thể suy yếu ở một số khu vực, nhưng triển vọng chung về giá vàng thế giới trong năm tới là tích cực, theo các nhà phân tích của Tập đoàn Heraeus Precious Metals.
Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng tăng, dầu giảm

Giá xăng, dầu tiếp tục biến động trái chiều trong phiên điều hành theo chu kỳ của Liên Bộ Tài chính – Công Thương.