Khoảnh khắc hai sông gặp nhau nhưng dòng nước vẫn tách làm đôi

Được ví như "hai người tình" bất hạnh, hai dòng sông tuy gặp nhau nhưng dòng nước vẫn tách đôi mà không bao giờ hợp nhất.

Cảnh quay ấn tượng được thiết bị bay không người lái drone ghi hình ở khu vực tây nam Cộng hòa Adygea (Nga) cho thấy hai dòng sông gặp nhau nhưng dòng nước tách đôi thành hai vùng nước khác biệt.

Khoảnh khắc hai sông gặp nhau nhưng dòng nước vẫn tách làm đôi

Khoảnh khắc hai dòng nước gặp nhau nhưng không hòa lẫn

Đó là cảnh tượng về sự hợp lưu giữa sông Belaya và sông Zholobnaya. Được ví như “hai người tình” bất hạnh, sông Belaya (Trắng) và Zholobnaya gặp nhau nhưng không bao giờ hòa trộn.

Nước của chúng không trộn lẫn do sự khác biệt về nhiệt độ và tốc độ chảy. Ngoài ra, sắc nước cũng tương phản và khác nhau. Nước sông Zholobnaya chủ yếu là từ tuyết tan hoặc nước mưa, đi qua những vùng đất sét nhuốm màu bùn và phù sa.

Trong khi đó, nước sông Belaya (Trắng) lại có nguồn sạch hơn. Chính điều này đã làm nên sự khác biệt giữa chúng.

Khoảnh khắc hai sông gặp nhau nhưng dòng nước vẫn tách làm đôi

Sự tương phản hai màu nước sông Rhone và Arve trong cảnh quay từ trên cao

Khoảnh khắc thiên nhiên kỳ thú này còn xuất hiện ở một số con sông khác trên thế giới. Đó là điểm giao nhau giữa hai sông Arve và Rhone xinh đẹp, nằm tại thành phố Geneva - thành phố đông dân thứ 2 ở Thụy Sỹ.

Có thể thấy rõ, màu nước sông Rhone xanh ngọc, trong khi đó, sông Arve lại có màu nâu đục ngầu đặc trưng của phù sa. Sông Arve chảy qua địa phận nước Pháp khoảng 100km, đi ngang qua Thụy Sỹ vài km.

Khoảnh khắc hai sông gặp nhau nhưng dòng nước vẫn tách làm đôi

Vẻ đẹp của hai dòng sông Arve và Rhone ở thành phố Geneva, Thụy Sỹ

Nó hoạt động như một nhánh của sông Rhone. Nhưng khi cả hai hợp lưu, màu nước sông không bao giờ hòa trộn hoàn toàn vì sự khác biệt của lượng bùn trong nước.

Hiện tượng tương tự này còn xuất hiện tại hai biển. Đó là nơi biển Skagerrak và Kattegat gặp nhau, nhưng có hai màu nước khác biệt.

Khoảnh khắc hai sông gặp nhau nhưng dòng nước vẫn tách làm đôi

Hai biển gặp nhau nhưng có màu nước khác biệt do lượng muối trong mật độ nước

Cùng hội tụ ở Grenen nhưng biển Kattegat chảy vào biển Baltic, trong khi đó, Skagerrak lại chảy vào biển Bắc. Do lượng muối và mật độ nước khác biệt, đã tạo nên hai màu nước tương phản. Nếu như nước biển Skagerrak mặn hơn do gần Đại Tây Dương, thì nước biển ở Kattegat bị pha loãng do biển Baltic có nồng độ muối thấp hơn.

Địa điểm nơi hai dòng biển giao nhau dài khoảng 60km với hai màu nước khác biệt, tạo nên cảnh tượng kỳ thú, thu hút hàng triệu du khách tới chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, để ngắm nhìn trọn vẹn, du khách chỉ có thể quan sát tốt nhất từ trên cao.

Theo Huy Hoàng/dantri/Ruply/ Amazingworldreality

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast