Gian nan xóa lối đi tự mở ngang qua đường sắt

(Baohatinh.vn) - Nguồn kinh phí hạn hẹp khiến mục tiêu đến năm 2025 xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở ngang qua đường sắt ở Hà Tĩnh khó khả thi.

giao-thong-duong-sat.jpg
Lối đi tự mở ngang qua đường sắt ở thôn Liên Châu, xã Đức Liên, huyện Vũ Quang.

Dù mỗi ngày có hàng trăm lượt người và phương tiện qua lại nhưng nút giao giữa Km356+250 tuyến đường sắt Bắc – Nam với đường liên huyện Đức Thọ – Vũ Quang ở thôn Liên Châu, xã Đức Liên, huyện Vũ Quang lại là lối đi tự mở ngang qua đường sắt.

Không nằm trong quy hoạch nên nhiều năm qua, tại nút giao cắt này chỉ được lắp đặt một số biển cảnh báo đơn giản mà không có hệ thống đèn báo hiệu từ xa, gác chắn. Khu vực tiếp giáp giữa đường sắt và đường bộ ở nút giao này có độ chênh lớn, cua gấp, gồ ghề với lớp đá dăm được rải tạm.

2 hướng di chuyển của tuyến đường sắt Bắc – Nam đoạn gần nút giao cũng là khúc cua với cây cối rậm rạp nên dù tàu hỏa có kéo còi cảnh báo, người dân qua lại điểm giao cắt cũng không dễ quan sát. Những yếu tố nêu trên khiến lối đi tự mở ngang qua đường sắt ở thôn Liên Châu, xã Đức Liên luôn tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.

giao-thong-duong-sat-3.jpg
Khu vực tiếp giáp giữa đường sắt và đường bộ ở nút giao Km356+250 có độ chênh lớn, cua gấp, gồ ghề với lớp đá dăm được rải tạm.

Ngoài Km356+250, trên địa bàn xã Đức Liên, huyện Vũ Quang còn có 3 lối đi tự mở ngang qua đường sắt. Đặc điểm chung của những lối đi tự mở ngang qua đường sắt này là địa hình dốc, gồ ghề, tầm nhìn hạn chế và chỉ có một vài biển báo thô sơ, không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

“Tại các lối đi tự mở ngang qua đường sắt đã xảy ra khá nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT). Địa phương cũng nhiều lần có kiến nghị với ngành đường sắt và các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý như lắp đặt gác chắn, đèn báo hiệu hoặc xây dựng hầm chui nhưng tới nay vẫn chưa có tiến triển nên mối nguy tai nạn vẫn luôn hiện hữu”, Chủ tịch UBND xã Đức Liên Nguyễn Văn Hùng cho hay.

giao-thong-duong-sat-1.jpg
Các lối đi tự mở ngang qua đường sắt gây nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.

Tuyến đường sắt Bắc – Nam đi qua 3 huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ của Hà Tĩnh với tổng chiều dài 70,28km. Theo thống kê, hiện nay, trên toàn tỉnh có 115 điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, trong đó chỉ có 28 điểm hợp pháp (12 điểm có gác chắn, 16 điểm cảnh báo tự động), còn 87 điểm là lối đi tự mở (đường ngang dân sinh), không được cấp phép. Cụ thể, Hương Khê 56 điểm, Vũ Quang 19 điểm và Đức Thọ 12 điểm.

Với việc có hàng chục chuyến tàu qua lại mỗi ngày trong khi các lối đi tự mở ngang qua đường sắt ở vị trí khuất tầm nhìn, hệ thống an toàn giao thông không đảm bảo nên người dân chỉ cần thiếu quan sát hoặc chủ quan là rất dễ dẫn tới tai nạn giao thông.

Thời gian qua, trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đã xảy ra khá nhiều vụ va quệt, TNGT đường sắt, gây thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng tới quá trình lưu thông của nhiều đoàn tàu.

tai-nan-duong-sat.jpg
Vụ TNGT giữa tàu hỏa và xe tải chở keo ở xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê.

Trong 5 năm qua (2019 – 2023), toàn tỉnh xảy ra 16 vụ TNGT đường sắt làm 6 người tử vong, 2 người bị thương. Tính riêng trong quý I/2024, toàn tỉnh có 1 người tử vong, 1 người bị thương liên quan tới TNGT đường sắt.

Trước tình hình này, Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, triển khai nhiều biện pháp để thu hẹp, giảm, xóa bỏ các lối đi tự mở cắt ngang đường sắt nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT).

“Năm 2019, toàn tỉnh có 102 lối đi tự mở ngang qua đường sắt nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, lực lượng chức năng, tới nay đã xóa bỏ được 15 vị trí và cũng không để phát sinh thêm lối đi tự mở gây mất ATGT đường sắt”, Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Việt Thắng thông tin.

giao-thong-duong-sat-0.jpg
Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh kiểm tra công tác đảm bảo trật tự ATGT đường sắt.

Dù có nhiều nỗ lực nhưng theo ông Nguyễn Việt Thắng, việc xóa bỏ lối đi tự mở ngang qua đường sắt trên địa bàn tỉnh chưa được như kỳ vọng, nhất là việc người dân thường phản ứng khi ngành chức năng, chính quyền địa phương có động thái xóa bỏ các tuyến đường ngang dân sinh.

Điều này xuất phát từ việc phần lớn các lối đi tự mở giao cắt với đường sắt được hình thành từ rất lâu, trong đó có nhiều tuyến đường độc đạo để đi lại, ra đồng sản xuất nông nghiệp nên khi xóa bỏ, gây bất tiện trong sản xuất của người dân.

Cùng đó, việc xóa bỏ lối đi tự mở ngang qua đường sắt cần xây dựng hệ thống đường gom, đường ngang, hầm chui phù hợp, trong khi nguồn kinh phí cho việc này rất lớn.

giao-thong-duong-sat-2.jpg
Việc xóa bỏ lối đi tự mở ngang qua đường sắt ở Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn.

Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Việt Thắng thông tin: Năm 2020, Sở GTVT đã phối hợp đơn vị tư vấn khảo sát, lập đề án và tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản về việc đề xuất dự án đầu tư thực hiện thu hẹp, giảm, xoá bỏ lối đi tự mở qua đường sắt đoạn qua địa bàn với tổng kinh phí dự kiến là hơn 170,74 tỷ đồng (ngân sách tỉnh là 72,1 tỷ đồng, ngân sách Trung ương là 98,64 tỷ đồng).

Thế nhưng, nguồn kinh phí của tỉnh còn hạn chế, trong khi nguồn kinh phí Trung ương chưa được cấp. Lâu nay, chính quyền địa phương chủ yếu lồng ghép vào các dự án của địa phương và huy động nguồn xã hội hóa để thực hiện nên việc thực hiện xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn tỉnh rất khó khả thi.

Theo lộ trình được đặt ra trong Đề án đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt đã được Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2025 sẽ xóa bỏ toàn bộ lối đi dân sinh qua đường sắt.

Tuy vậy, tới nay đã bước sang quý II/2024, Hà Tĩnh dù có nhiều quyết tâm nhưng từ khó khăn trong nguồn kinh phí nên cũng chỉ mới xóa bỏ được 15 vị trí, chiếm khoảng 15% tổng số lối đi tự mở ngang qua đường sắt trên địa bàn. Vậy nên, thực sự rất khó để đảm bảo mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra.

Chủ đề An toàn giao thông

Chủ đề Tai nạn giao thông

Chủ đề Tai nạn Giao thông Hà Tĩnh

Đọc thêm

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

Thời gian gần đây, một số nhóm thanh thiếu niên tụ tập đi xe máy mang theo hung khí, lạng lách, đánh võng, rú ga trên một số tuyến đường ở Hà Tĩnh đã gióng lên hồi chuông báo động.
Hứa… không giữ lời hứa!

Hứa… không giữ lời hứa!

Lừa góp vốn đầu tư làm ăn rồi chiếm đoạt của một bị hại ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) số tiền 1,6 tỷ đồng, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Hứa (trú tỉnh Bình Dương) vẫn quanh co chối tội.
Podcast: Điểm tin an ninh trật tự nổi bật trong tuần (từ 9/11 - 15/11)

Podcast: Điểm tin an ninh trật tự nổi bật trong tuần (từ 9/11 - 15/11)

Ô tô 9 chỗ biến dạng sau va chạm liên hoàn trên QL 1 ở Hà Tĩnh; Khởi tố đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy; Khởi tố thanh niên xâm hại cơ thể bạn gái dưới 18 tuổi; Bắt đối tượng vận chuyển ma túy, súng quân dụng qua biên giới… là những thông tin chính sẽ có trong bản tin Podcast hôm nay của Báo Hà Tĩnh.
Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Hà Tĩnh đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm trong việc tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.