Bồi đắp kiến thức, tâm hồn cho học sinh

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, việc dạy học qua di sản đã được ngành Giáo dục Hà Tĩnh triển khai và nhanh chóng trở thành phong trào sâu rộng. Hoạt động này còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp học sinh (HS) hiểu biết về giá trị của các di sản, bồi đắp lòng tự hào, tình yêu quê hương, đất nước.

boi dap kien thuc tam hon cho hoc sinh

Học sinh Trường Tiểu học Kim Lộc (Can Lộc) hào hứng với những giờ học qua di sản.

Đổi mới phương pháp dạy học

Việc giáo dục thông qua di sản văn hóa vật thể hay phi vật thể… đều góp phần nâng cao tính trực quan, giúp người học mở rộng khả năng tiếp cận với đối tượng, hiện tượng liên quan đến bài học tồn tại trong di sản. Bên cạnh đó, di sản văn hóa cũng là phương tiện quan trọng giúp HS rèn một số kỹ năng, tạo động cơ học tập đúng đắn để các em trở nên tích cực và phấn đấu tiếp nhận kiến thức mới cũng như có thái độ và hành vi thân thiện, bảo vệ di sản tốt hơn.

Thầy Nguyễn Ngọc Lạc - Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD&ĐT cho biết: “Việc giáo dục qua di sản văn hóa gắn liền mục tiêu giáo dục toàn diện HS về đức, trí, thể, mỹ. Điều đó cũng phù hợp với việc đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS. Thực hiện tinh thần chỉ đạo của sở, thời gian qua, các trường đã triển khai một cách bài bản trong việc xây dựng chuyên đề, lựa chọn giáo viên tổ chức các tiết dạy thể nghiệm; xây dựng những chủ đề dạy học gắn với từng di tích lịch sử trên địa bàn”...

Thầy Nguyễn Quốc Hương - giáo viên môn Lịch sử Trường THPT Hà Huy Tập cho biết: “Tiết tự chọn trong mỗi học kỳ của chúng tôi là việc tổ chức cho HS học tập qua di sản. Riêng năm nay, hoạt động này được tổ chức theo từng khối. Qua tài liệu lịch sử, qua hướng dẫn của giáo viên và đặc biệt là những trải nghiệm từ những chuyến đi về các địa chỉ đỏ như Khu mộ Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Khu lưu niệm Nguyễn Du, Ngã ba Đồng Lộc, quê Bác... HS đã có được những hiểu biết toàn diện về bài học, bộ môn.

Việc lấy HS và hoạt động học làm trung tâm cũng phát huy hiệu quả dưới nhiều hình thức tổ chức khác nhau. Từ đó, HS có điều kiện để học tập độc lập, hoạt động theo nhóm, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mình. Em Thảo Nguyên - Trường THCS Minh Tiến (Thạch Hà) cho biết: “Chuyến đi thực tế ở Khu di tích Nguyễn Du và việc tổ chức CLB của nhà trường bằng hình thức sân khấu hóa giúp chúng em có thể hiểu biết toàn diện hơn, nhập tâm hơn những kiến thức về thân thế, sự nghiệp của Nguyễn Du và Truyện Kiều”.

Bồi đắp tình yêu quê hương

Di sản văn hóa là một trong những phương tiện dạy học đa dạng, sống động nhất. Ẩn chứa trong di sản là những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác nên nó có khả năng tác động mạnh tới tình cảm, đạo đức và việc hình thành nhân cách của HS.

Chứng kiến một buổi ngoại khóa của Trường Tiểu học Kim Lộc (Can Lộc) tại Khu di tích lịch sử đền Yên Tràng - xã Kim Lộc, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự hào hứng say mê của HS. Cô Phạm Huế - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Qua phần dâng hương và nghe câu chuyện về lịch sử hình thành, phát triển của ngôi đền, chúng tôi đã cung cấp cho các em thêm những kiến thức về lịch sử và truyền thống hào hùng của thế hệ cha ông, từ đó, các em có ý thức trong học tập và rèn luyện, gìn giữ và bảo tồn các giá trị di tích lịch sử bằng những hành động nhỏ của mình”.

Tại Trường THCS Đặng Dung (Can Lộc), buổi học qua di sản diễn ra trong không khí hào hứng, sôi nổi. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, HS được tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của 2 vị danh nhân văn hóa Đặng Tất và Đặng Dung. Kiến thức từ thực tiễn và không gian di sản đã trở thành chất xúc tác giúp HS hăng say thảo luận và phát biểu, trả lời câu hỏi. Em Khánh Linh cho biết: “Từ chuyến đi thực tế, em cảm thấy rất tự hào bởi mình là HS của ngôi trường mang tên danh nhân văn hóa, tể tướng Đặng Dung - người có tinh thần yêu nước quật cường và bài thơ “Cảm hoài” bất hủ. Càng thêm tự hào về quê hương mình đã sinh ra những vị anh hùng kiệt xuất - “văn võ song toàn”, một lòng trung nghĩa như Đặng Tất, Đặng Dung, em sẽ noi gương lớp người đi trước, phấn đấu học tập tốt để sau này trở thành người có ích cho xã hội”.

Những buổi học thực tế qua di sản đã mang lại cho HS những kiến thức phong phú, sống động, vừa trang bị những kiến thức phổ thông theo quy định của chương trình, vừa bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của HS đối với di sản văn hóa.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast