Cựu giáo chức một đời tận tụy vì sự nghiệp “trồng người”
Cựu giáo chức một đời tận tụy vì sự nghiệp “trồng người”
Cựu giáo chức một đời tận tụy vì sự nghiệp “trồng người”

Gặp thầy Nguyễn Khắc Lanh trong cái nắng gắt của những ngày tháng 7, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi, dù đã ở tuổi 93 nhưng thầy vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn, giọng nói lưu loát, mắt không đeo kính vẫn đọc sách, viết chữ. Gắn bó với sự nghiệp “trồng người” trong gần 40 năm, đi qua bao thăng trầm của cuộc sống, thầy vẫn dung dị, hiền hòa, có đôi chút nghiêm khắc như cách thầy giáo dục bao thế hệ học trò của mình.

Cựu giáo chức một đời tận tụy vì sự nghiệp “trồng người”

Thầy Nguyễn Khắc Lanh khiến bao người nể phục bởi tinh thần vì sự nghiệp “trồng người”.

Nhớ về quãng thời gian gắn bó với ngành giáo dục, thầy Lanh cho biết: Thầy là con cháu của gia tộc họ Nguyễn Khắc - dòng họ khoa bảng nổi tiếng ở mảnh đất Hương Sơn, nhờ thế, thầy được kế thừa tinh thần hiếu học của dòng họ ngay từ khi còn nhỏ.

Cựu giáo chức một đời tận tụy vì sự nghiệp “trồng người”

Dù đã ở tuổi 93 nhưng thầy Nguyễn Khắc Lanh vẫn say mê bên từng cuốn sách.

Thế nhưng, con đường đến với nghề giáo của thầy cũng có chút đặc biệt. Thầy kể: Từ tháng 1/1950, thầy theo học tại Trường Thiếu sinh quân Liên khu 4 (đóng tại Thanh Hóa). Với tư chất thông minh nên khi đang học lớp 7 (chuyên khoa toán), thầy được nhà trường bố trí dạy toán lớp 5 cho học sinh của trường. Và cái duyên đến với sự nghiệp “trồng người” của thầy cũng bắt đầu từ đây

Cựu giáo chức một đời tận tụy vì sự nghiệp “trồng người”

Đến tháng 9/1951, khi Trường Thiếu sinh quân Liên khu 4 giải tán, thầy Lanh được điều động về giảng dạy môn Toán tại Trường Dân lập cấp 2 Hồ Tùng Mậu (xã Sơn Bình, Hương Sơn), kiêm Thư ký Phân đoàn Giáo dục huyện Hương Sơn, rồi làm hiệu trưởng từ năm 1957 đến tháng 5/1960.

Cựu giáo chức một đời tận tụy vì sự nghiệp “trồng người”

Trong thời gian theo đuổi sự nghiệp giáo dục, thầy Lanh đã giảng dạy qua nhiều cấp, giữ nhiều chức vụ trong ngành giáo dục.

Tháng 9/1960, thầy về dạy tại Trường cấp 2 Thạch Việt (Thạch Hà). Tháng 11 năm đó, thầy được Ty Giáo dục bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Cấp 2 Cao Thắng ở huyện Đức Thọ (nay thuộc huyện Vũ Quang). Đến năm 1961, để nâng cao trình độ, thầy được cử đi học tại Đại học Sư phạm Hà Nội.

Sau 3 năm học, tháng 9/1963, thầy trở về công tác tại Ty Giáo dục Hà Tĩnh, giữ chức vụ Thư ký Công đoàn ngành và là Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Tháng 9/1976, thầy Lanh ra Hà Nội nhận nhiệm vụ ủy viên thường trực kiêm Trưởng ban Thi đua của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Phó trưởng Ban Thi đua của ngành giáo dục.

Cựu giáo chức một đời tận tụy vì sự nghiệp “trồng người”

Những cuốn sách được thầy Lanh cất giữ cẩn thận.

Dù vậy, trên con đường sự nghiệp của bản thân, thầy vẫn gặp không ít khó khăn mà cho đến bây giờ, thầy vẫn nhớ như in. Kể về thời gian đó, thầy tâm sự: Thời kỳ bao cấp, hoàn cảnh gia đình khó khăn, chỉ mình thầy có chế độ tem phiếu nên việc nuôi con trai học lớp 5 ở Hà Nội đã khó, chưa nói đến việc lo cho mẹ già, vợ trẻ, con thơ nơi quê nhà. Sau những đắn đo, năm 1981, thầy quyết định trở về nhận nhiệm vụ tại Trường THPT Lê Hữu Trác ở xã Sơn Châu để được gần với gia đình và tiếp tục sự nghiệp “gieo chữ”.

Cựu giáo chức một đời tận tụy vì sự nghiệp “trồng người”

Thầy Nguyễn Khắc Lanh là con cháu của gia tộc họ Nguyễn Khắc - dòng họ khoa bảng nổi tiếng ở Hương Sơn.

Thầy Lanh nhớ lại: “Tháng 10/1981, tôi trở về Trường THPT Lê Hữu Trác công tác, đến tháng 1/1982, được sự đồng ý của các cấp, tôi và một số thầy cô đã thành lập được phân hiệu 2 của trường tại xã Sơn Hòa. Bởi thời gian đó, việc đi lại còn khó khăn, các em học sinh ở bên kia sông Ngàn Phố mỗi ngày đều phải đốt đuốc rồi đi đò qua sông để tìm cái chữ rất vất vả, nguy hiểm.

Đến năm 1989, phân hiệu 2 được tách độc lập thành Trường THPT Lê Hữu Trác 2 và năm 2016, trường được đổi tên thành Trường THPT Lý Chính Thắng. Nhìn lại hành trình đó, tôi luôn tự hào và hạnh phúc".

Cựu giáo chức một đời tận tụy vì sự nghiệp “trồng người”

Thầy Lanh cùng ông Nguyễn Khắc Sơn ôn lại những phần thưởng cao quý mà thầy nhận được trong suốt quá trình gắn bó với sự nghiệp giáo dục.

Nhớ về người thầy của mình, thầy Đoàn Minh Điền - Hiệu trưởng Trường THPT Thành Sen (TP Hà Tĩnh) tâm sự: “Tôi là học sinh khóa 1985 - 1988 của Trường THPT Lê Hữu Trác do thầy Lanh làm hiệu trưởng. Trong tâm khảm của tôi, thầy là một người mẫu mực, luôn gần gũi, thấu hiểu học trò.

Tôi luôn nhớ đến cách truyền thụ kiến thức đơn giản, nhẹ nhàng mà dễ hiểu của thầy. Nhìn vào tấm gương sáng của thầy mà tôi đã yêu thích nghề giáo và cố gắng phấn đấu để bây giờ đã gắn bó với sự nghiệp cao cả này”.

Cựu giáo chức một đời tận tụy vì sự nghiệp “trồng người”

Thầy Lanh đã được nhận nhiều huân, huy chương, bằng khen, giấy khen của các cấp, đoàn thể.

Trong gần 10 năm trên cương vị hiệu trưởng Trường THPT Lê Hữu Trác, bằng trí tuệ, tài năng và kinh nghiệm của bản thân, thầy Lanh đã đưa trường vươn lên tốp đầu về chất lượng giáo dục của tỉnh nhà. Nhiều học trò của thầy khi trưởng thành đã đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong cơ quan nhà nước hay trở thành những doanh nhân thành đạt, những nhà giáo giỏi, những y, bác sỹ tài năng, đức độ…

Cựu giáo chức một đời tận tụy vì sự nghiệp “trồng người”

Không chỉ dành tâm huyết cho việc viết sách, thầy còn đứng ra đảm nhận vai trò thủ thư ở thư viện nhỏ của dòng họ.

Từ những đóng góp của thầy Lanh, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng; 4 lần được nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và nhiều bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh... Dẫu vậy, với thầy Lanh, phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời chính là được cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Cựu giáo chức một đời tận tụy vì sự nghiệp “trồng người”

Sau khi nghỉ hưu vào năm 1990, thầy Lanh vẫn tiếp tục niềm đam mê viết sách của mình. Thầy dành nhiều tâm huyết cho những cuốn sách bởi theo thầy, sách chính là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, và những kiến thức ở trang sách sẽ giúp thầy lưu giữ lại những kiến thức quý báu.

Cựu giáo chức một đời tận tụy vì sự nghiệp “trồng người”

Những cuốn sách thầy Lanh tham gia viết sau khi nghỉ hưu.

Thầy Lanh cho biết, thầy đã tham gia viết và biên soạn một số sách như: Cuốn “Lịch sử phong trào Công nhân và Công đoàn tỉnh Hà Tĩnh” - Tập 1 (từ khi ra đời đến 1975); “Lịch sử Đảng bộ huyện Hương Sơn” - Tập 2 (từ 1945 - 1975); cuốn “Địa chí Hương Sơn”, “Lịch sử Đảng bộ xã Sơn Hòa”…

Không chỉ dành tâm huyết cho việc viết sách, thầy còn đứng ra đảm nhận vai trò thủ thư ở thư viện nhỏ của dòng họ. Trong không gian yên ắng, có tiếng quạt quay đều và những khuôn mặt chăm chú của các em học sinh, người cao tuổi trong, ngoài xã đến đọc sách, báo là hình ảnh mà thầy mong đợi nhất mỗi tuần.

Cựu giáo chức một đời tận tụy vì sự nghiệp “trồng người”

Trong thư viện của dòng họ Nguyễn Khắc, có hơn 2.000 đầu sách, bao gồm các sách về lịch sử, khoa học và cả sách tham khảo, truyện tranh cho thiếu nhi.

Theo lời thầy kể, đây là thư viện của dòng họ Nguyễn Khắc, nằm trong khuôn viên nhà tưởng niệm cụ Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm tại thôn Trung Mỹ (xã An Hòa Thịnh). Từ tháng 2/2012, thầy đã đảm nhận vai trò thủ thư.

Đều đặn mỗi tuần, thầy trực thư viện vào 2 ngày cuối tuần, từ 7h30 đến 16h30. Vào các ngày trong tuần, hễ ai có nhu cầu đọc, thầy Lanh đều sẵn sàng mở cửa thư viện để phục vụ bạn đọc.

Cựu giáo chức một đời tận tụy vì sự nghiệp “trồng người”

Thầy Lanh luôn mong muốn thế hệ trẻ nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách để mở mang kiến thức, nâng cao hiểu biết.

Cựu giáo chức một đời tận tụy vì sự nghiệp “trồng người”

Thầy Lanh tâm sự: “Nhiều lúc đang ăn cơm hoặc nhà có khách hay đi ăn cỗ mà có người tìm mượn sách, tôi đều cố gắng sắp xếp để đến mở thư viện, bởi mỗi khi có người muốn mượn sách, đọc sách tôi đều rất vui. Tôi vẫn thường nói với con cháu rằng, sẽ cố gắng đến khi nào nhắm mắt xuôi tay thì thôi.

Hiện, thư viện có hơn 2.000 đầu sách, bao gồm các sách về lịch sử, khoa học và cả sách tham khảo, truyện tranh cho thiếu nhi. Nguồn sách được con cháu trong dòng họ đóng góp và cả những học trò của tôi quyên tặng”.

Cựu giáo chức một đời tận tụy vì sự nghiệp “trồng người”

Các em nhỏ thỏa niềm đam mê đọc sách, truyện tranh khi đến với thư viện.

Nói về niềm vui khi làm thủ thư ở tuổi xưa nay hiếm, thầy Lanh chậm rãi nói: “Từng là giáo viên, tôi hiểu rõ ý nghĩa của việc đọc sách với sự phát triển của giáo dục. Vì thế, khi thấy nhiều em học sinh và cả những người cao tuổi đến mượn sách hoặc ngồi đọc sách tại thư viện, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Với tôi, những đứa trẻ chính là những “mầm xanh”, cần được nuôi dưỡng bằng những trang sách bổ ích để rộng mở tương lai sau này”.

Cựu giáo chức một đời tận tụy vì sự nghiệp “trồng người”

Với em Hồ Thị Ngân và các bạn thì việc cuối tuần đến thư viện đọc sách đã trở thành quen thuộc.

Ông Lê Quý Dị (thôn Đông Mỹ, xã An Hòa Thịnh), một độc giả quen thuộc của thư viện suốt 10 năm nay chia sẻ: “Từ khi có thư viện, tôi thường xuyên đến đọc sách, báo và được thầy Lanh tư vấn nhiều loại. Đọc sách, tôi nắm thêm nhiều thông tin bổ ích để khuyên răn, dạy bảo con cháu. Đôi lúc tôi còn cùng thầy đánh cờ hay trò chuyện. Những kiến thức uyên thâm của thầy khiến tôi phải nể phục”.

Cựu giáo chức một đời tận tụy vì sự nghiệp “trồng người”

Thầy Lanh luôn ghi đầy đủ danh sách những người đến mượn, trả sách ở thư viện để tiện theo dõi.

Còn với các em học sinh, khi đến với thư viện do thầy Lanh làm thủ thư, các em như được thỏa niềm đam mê với sách bởi những nội dung phong phú, mới lạ mà sách đem lại.

Em Hồ Thị Ngân (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học An Hòa Thịnh) tâm sự: “Ở quê, em và nhiều bạn khác không có điều kiện để mua sách, báo, truyện tranh… nhưng khi đến thư viện em được đọc nhiều loại sách phù hợp với lứa tuổi học sinh. Cụ Lanh cũng thường xuyên kể cho chúng em nghe những câu chuyện về lịch sử rất hấp dẫn, từ đó giúp chúng em yêu Tổ quốc, quê hương mình và yêu cả những trang sách”.

Cựu giáo chức một đời tận tụy vì sự nghiệp “trồng người”

Ngoài các loại sách, báo có trong thư viện, Báo Hà Tĩnh là “món ăn tinh thần” hằng ngày không thể thiếu của cụ Lành.

Cựu giáo chức một đời tận tụy vì sự nghiệp “trồng người”

Ở tuổi 93, khi vẫn miệt mài gắn bó với thư viện nhỏ thì món quà lớn nhất với cụ giáo Lanh là những đứa trẻ lễ phép, ngoan ngoãn khi nghe cụ dặn dò giữ gìn sách cẩn thận hay đó là những cụ cao niên vẫn đam mê đọc sách.

Và trân trọng hơn cả, đó là hình ảnh một cụ thủ thư 93 tuổi nhưng thông thái, hiền từ với râu tóc bạc phơ như một “ông tiên”. Dù đã ở tuổi ngoài cửu tuần nhưng cụ vẫn giúp bao thế hệ trẻ em ở miền quê An Hòa Thịnh mở ra nhiều chân trời mới từ những trang sách. Để rồi, khi các em nhỏ rời xa quê hương thì hình ảnh về một cụ thủ thư tâm huyết, một nơi chốn quê yên bình, trong trẻo sẽ in đậm trong trái tim.

Cựu giáo chức một đời tận tụy vì sự nghiệp “trồng người”

Với thầy Lanh, những đứa trẻ chính là những “mầm xanh”, trụ cột của đất nước sau này.

Chủ tịch UBND xã An Hòa Thịnh Nguyễn Hữu Đông cho hay: “Thầy Lanh là một bậc cao niên có uy tín ở địa phương bởi những đóng góp của thầy cho giáo dục và tấm lòng đối với người dân nơi đây. Dù tuổi đã cao nhưng thầy vẫn tận tụy với thư viện nhỏ, giúp bao thế hệ học trò trưởng thành, tránh xa những tệ nạn xã hội. Chúng tôi, những lớp trẻ luôn noi gương thầy để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh”.

Trình Bày: Thành Nam

Chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast