Đầu tư cho giáo dục là sự đầu tư khôn ngoan nhất

Được thành lập cách đây 64 năm, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của LHQ (UNESCO) có trụ sở tại thủ đô Paris là một trong những tổ chức quốc tế có ảnh hưởng lớn nhất thế giới trong lĩnh vực văn hóa, khoa học và giáo dục. Trong lịch sử của UNESCO, vị lãnh đạo được nhiều người nhắc đến với những công lao to lớn vào việc xây dựng danh tiếng của UNESCO trở nên uy tín như hiện

nay chính là Tổng Giám đốc đương nhiệm Koichiro Matsuura người Nhật Bản. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm liên tục đứng đầu tổ chức quốc tế này, các phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Pháp đã có dịp gặp gỡ, trò chuyện với Tổng Giám đốc Koichiro Matsuura, người được mệnh danh là “kiến trúc sư” của những cuộc cải cách quan trọng của UNESCO, điều khiến cho tổ chức này trở nên ngày càng quan trọng và có ảnh hưởng trên thế giới.

Để bố trí cho cuộc phỏng vấn với Tổng Giám đốc UNESCO Koichiro Matsuura không hề đơn giản. Vì ông luôn có các chuyến công du, đi họp và làm việc ở các nước thành viên. Với 193 nước thành viên, chỉ riêng việc công du đến tất cả các nước đã là điều khó khăn. Lịch làm việc của ông được các thư ký và trợ lý sắp đặt kín từ trước đó nửa năm. Vì vậy, phải nhờ đến sự giúp đỡ nhiệt tình và hiệu quả của Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO và các thành viên Ban thư ký UNESCO, chúng tôi mới có dịp gặp và phỏng vấn ông. Cuộc hẹn được ấn định vào tháng 9-2009, đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm ông đứng đầu tổ chức quốc tế về văn hóa, giáo dục và khoa học uy tín nhất thế giới. Đúng hẹn, chúng tôi tới trụ sở UNESCO ở địa chỉ số 7-9 quảng trường Fontenoy, quận 7 ở thủ đô Paris. Nếu tính đường chim bay, từ trụ sở UNESCO chỉ cách tháp Eiffel nổi tiếng chưa đầy hai cây số. Sau chừng mười phút chờ, chúng tôi được người trợ lý mời vào phòng Tổng Giám đốc. Ông Koichiro Matsuura cởi mở chào chúng tôi và bắt tay ngay vào việc.

PV: Ông sẽ kết thúc nhiệm kỳ trên cương vị là Tổng Giám đốc UNESCO vào giữa tháng 11 tới, vậy ông tâm đắc nhất những điều gì trong suốt 10 năm là người đứng đầu của tổ chức quốc tế quan trọng này?

Ông Koichiro Matsuura: Trước hết, nhìn lại thời gian hai nhiệm kỳ của mình, phải nói là tôi rất hài lòng. Nhưng để có được những thành công đó, điều đầu tiên phải kể đến sự hợp tác, giúp đỡ tận tình và hiệu quả của các công sự của tôi, mà không có sự giúp đỡ của họ thì tôi không thể thành công được. UNESCO phụ trách 5 lĩnh vực chính của Liên hợp quốc là văn hóa, giáo dục, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và truyền thông. UNESCO nói chung và bản thân tôi đã thu được những kết quả rất cụ thể trong lĩnh vực văn hóa. Hiện nay, UNESCO có sáu công ước quốc tế bao quát tất cả các khía cạnh của sự đa dạng văn hóa. Trên phạm vi tổng quát, UNESCO chú trọng tới việc bảo tồn sự đa dạng của các giá trị văn hóa, nhất là các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong nhiệm kỳ của mình, tôi đã tham gia tích cực vào việc dự thảo và thông qua các công ước về bảo vệ văn hóa vật thể và phi vật thể, công ước về bảo vệ các di sản văn hóa dưới nước. Đây là những lĩnh vực hoàn toàn mới. Có thể nói rằng, với hệ thống các công ước quốc tế về bảo tồn và phát triển văn hóa như hiện nay, chúng tôi có thể đóng góp vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, di sản của nhân loại, cả về các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể một cách cụ thể và hữu hiệu nhất. Chính vì đó, tôi cảm thấy rất tự hào về những đóng góp của mình cho kho tàng di sản của nhân loại.

Các phóng viên báo Nhân Dân chụp ảnhcùng ông Koichiro Matsuura.

PV:Chúng tôi được biết là ông đã từng đến thăm Việt Nam nhiều lần, đất nước có lịch sử lâu đời, vậy ấn tượng của ông trong những chuyến thăm đó là gì? Ông có nhận xét gì về những di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận?

Ông Koichiro Matsuura: Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên năm 1993 với tư cách là Thứ trưởng ngoại giao. Khi đó, quan hệ kinh tế song phương giữa hai nước còn chưa phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Lần ấy, tôi có chuyến thăm và tìm hiểu tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam khá sâu sắc. Tôi được đến thăm tận biên giới phía bắc của Việt Nam giáp Trung Quốc. Thông qua chuyến thăm Việt Nam và các cuộc thảo luận với người đồng cấp của tôi là Thứ trưởng ngoại giao Vũ Khoan, tôi đã thuyết phục được chính phủ Nhật Bản nối lại viện trợ phát triển chính thức cho Việt Nam để giúp xây dựng hạ tầng cơ sở, đường sá, cầu cống tạo tiền đề cho phát triển kinh tế.

Trong chuyến trở lại Việt Nam năm 2000 với tư cách là Tổng Giám đốc UNESCO, tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự phát triển nhanh chóng của đất nước các bạn. Tháng 7-2005, tôi cũng có dịp sang thăm Việt Nam. Trong ba lần thăm Việt Nam, tôi đã được thăm Hà Nội, thành phố Hồ chí Minh. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa có dịp đến thăm vịnh Hạ Long, một di sản thiên nhiên ngoại hạng của thế giới mà chỉ được xem qua một bộ phim của Việt Nam nhưng tôi không nhớ tên và sau đó là ngắm từ trên máy bay.

Thông qua ba lần thăm Việt Nam, tôi có dịp được trải nghiệm sự thay đổi và phát triển đáng mừng của Việt Nam. Tôi cũng có vinh dự có mặt trong các buổi lễ công bố các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam như Nhã nhạc cung đình Huế và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Hiện nay, Việt Nam đang đệ trình lên UNESCO hồ sơ của khu di tích hoàng thành Thăng Long. Các kết quả khai quật khu di tích hoàng thành Thăng Long cho thấy đây là một khu di tích có giá trị lịch sử, văn hóa rất cao kết tinh quá trình lịch sử lâu dài. Các bạn Việt Nam đang chuẩn bị hướng tới lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Kỷ niệm một thành phố có nghìn năm tuổi là điều rất ấn tượng và đặc biệt.

PV:Là công dân của một quốc gia châu Á, vậy ông đánh giá như thế nào về vai trò và sự đóng góp của các nước châu Á đối với các công việc của UNESCO? Đâu là sự đóng góp của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam nói riêng và các nước châu Á nói chung đối với kho tàng văn hóa của nhân loại?

Ông Koichiro Matsuura: Trở lại vấn đề tôi vừa nói, giống như ở đất nước Nhật Bản quê hương tôi hay ở Việt Nam hoặc các quốc gia châu Á khác, chúng ta hiểu rất rõ giá trị của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đặc biệt, các giá trị văn hóa phi vật thể luôn có vai trò và vị trí quan trọng đối với đời sống của người dân ở các quốc gia châu Á. Trước khi nhậm chức Tổng Giám đốc UNESCO, tôi làm Chủ tịch Hội đồng di sản thế giới của UNESCO trong một năm. Tôi nhận thấy rằng, việc tôn vinh các giá trị văn hóa còn thiên lệch, chỉ chú trọng vào các giá trị văn hóa vật thể mà chưa để ý bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể. Chính vì thế, tôi tập trung xây dựng công ước mới về bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại để có thể gìn giữ các di sản trước khi bị ảnh hưởng bởi thời gian và cuộc sống hiện đại. (UNESCO đã thông qua công ước này vào tháng 10-2003- PV). Ở châu Âu, đặc biệt là ở các nước Tây Âu, nhiều nước tiếp tục tập trung bảo tồn và gìn giữ các di sản văn hóa vật thể như các công trình kiến trúc, lâu đài. Điều đó cũng rất quan trọng, nhưng chúng ta cũng phải tiếp tục bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa phi vật thể.

Về vấn đề di sản văn hóa thiên nhiên thế giới, hiện nay chúng ta đang có sự chênh lệch giữa các di sản thế giới. Trong số hơn 890 di sản thế giới, chỉ có hơn 20% là di sản thiên nhiên. Cần phải tăng cường thêm các di sản thiên nhiên thế giới trong danh sách bảo vệ đặc biệt. Đơn cử như ở Italy hoặc Tây Ban Nha, hai nước này có hơn 40 di sản văn hóa thế giới nhưng chỉ có một di sản thiên nhiên thế giới. Các nước khác ở châu Âu hoặc trên thế giới cũng vậy. Các di sản thiên nhiên thế giới cũng có giá trị vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của con người. Do đó công tác đề cử và bảo tồn các di sản thiên nhiên thế giới cần được tiến hành với sự quan tâm hơn nữa của tất cả người dân, chính phủ các nước thành viên để có thể đưa thêm nhiều tài sản thiên nhiên quý báu trên toàn thế giới vào danh sách bảo vệ cần thiết.

PV: Chúng ta đang sống những năm đầu tiên của thế kỷ 21, vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì để bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trước ảnh hưởng của nhịp sống hiện đại, nhất là trong kỷ nguyên thông tin như hiện nay? Công tác giữ gìn để các di sản văn hóa phi vật thể tồn tại và phát triển hài hòa với cuộc sống hiện đại sẽ tiến hành với trọng tâm như thế nào?

Ông Koichiro Matsuura: Tôi nghĩ rằng vấn đề các bạn đặt ra rất thú vị và quan trọng. Rõ ràng rằng quá trình toàn cầu hóa đang xảy ra với tốc độ ngày càng nhanh chóng. Do đó, sự liên hệ và trao đổi giữa các cá nhân và các nền văn hóa trên thế giới ngày càng trở nên dễ dàng và thuận tiện, nhanh hơn so với trước đây rất nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh quá trình hiện đại hóa để hòa nhập và thích nghi với xu thế chung toàn cầu hóa, chúng ta vẫn phải gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia, bao gồm cả ngôn ngữ. Toàn cầu hóa có những điểm thuận lợi đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế, hợp tác quốc tế nhưng cũng có những thách thức trong công tác giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống. Việc bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia cũng sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn trước ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu rộng của toàn cầu hóa. Ví dụ dễ nhận thấy nhất là số lượng các ngôn ngữ địa phương bị “biến mất” do ngày càng ít người sử dụng tăng dần. Bên cạnh đó, những giá trị văn hóa truyền thống như các điệu múa, bài hát cổ ít được giới trẻ quan tâm và bị thất truyền. Những giá trị văn hóa đó mất đi và sẽ không bao giờ có thể lấy lại được.

(Ông Koichiro Matsuura quay sang nói nhỏ với người trợ lý ngồi bên. Bà nhanh nhẹn mang đến hai cuốn sách. Ông Koichiro Matsuura đưa chúng tôi. Đó là hai cuốn sách tập hợp những bài phát biểu của ông có tựa đề: Một năm chuyển đổi và Những thách thức của phát triển bền vững. Ông nói tiếp). Chúng tôi đã xuất bản một tập bản đồ giới thiệu địa bàn của những ngôn ngữ đang có nguy cơ biến mất trong quá trình tiến hóa và phát triển. Tập thứ hai cũng vừa mới xuất bản. Trên thế giới hiện có hơn 7.000 ngôn ngữ, nhiều ngôn ngữ trong số đó đang bên bờ vực của sự biến mất. Do vậy, cần có những biện pháp tích cực và quyết liệt mới có thể gìn giữ và bảo tồn được những giá trị văn hóa này trước khi nhân loại vĩnh viễn đánh mất.

PV: Một trong những lĩnh vực được UNESCO tập trung triển khai tích cực ở Việt Nam và trên thế giới thời gian qua là khoa học và giáo dục, vậy với kinh nghiệm bản thân và những am hiểu của ông về Việt Nam, ông có những lời khuyên gì để phát triển khoa học và giáo dục ở Việt Nam, những công cụ được coi là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước?

Ông Koichiro Matsuura: Cách đây 15 năm, Việt Nam còn là một đất nước nghèo với thu nhập thấp. Thời gian qua, Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong những nước đang phát triển có tốc độ tăng trưởng cao và đạt được nhiều thành tích quan trọng trong phát triển xã hội. Tôi cho rằng, sở dĩ Việt Nam có được kết quả ngoạn mục như vậy là nhờ chính phủ các bạn đã thực hiện chương trình phổ cập giáo dục tới toàn dân và có chính sách ưu tiên ở vùng sâu, vùng xa.

Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy giáo dục và khoa học luôn là nền tảng và là yếu tố quan trọng để phát triển đất nước. Rất nhiều nghiên cứu và phân tích của UNESCO cũng chỉ ra rằng đầu tư vào lĩnh vực giáo dục sẽ mang lại kết quả lớn xét về trung hạn và dài hạn. Đầu tư vào giáo dục, đặc biệt là đầu tư cho lớp trẻ được tiếp cận với nền giáo dục khoa học và hiện đại là sự đầu tư khôn ngoan nhất.

Còn lời khuyên của tôi đối với Việt Nam ư? Đó là tôi khuyến khích các bạn hãy tiếp tục đầu tư cho giáo dục và lớp trẻ nhiều hơn nữa. Tất nhiên, Việt Nam còn có rất nhiều lĩnh vực cần phải sử dụng tiền từ ngân sách vì các bạn đang trên con đường phát triển. Nhưng, để đất nước phát triển mạnh mẽ và bền vững, thì giáo dục là biện pháp và công cụ hữu hiệu nhất. Tôi tin rằng với dân số trẻ, một nền giáo dục tốt, tương lai của đất nước các bạn sẽ vô cùng xán lạn.

PV:Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn thú vị này.

Ông Koichiro Matsuura sinh ngày 29-9-1937 tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ông biết ba ngoại ngữ là tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha.

Ông được bầu làm Tổng Giám đốc UNESCO ngày 15-11-1999 với nhiệm kỳ 6 năm. Ngày 15-11-2005, ông được bầu lại làm Tổng Giám đốc UNESCO với nhiệm kỳ 4 năm.

Nguồn: Báo Nhân dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast