Dạy con trẻ tình yêu lao động

Một đứa trẻ sinh ra quá được nuông chiều, không phải làm bất cứ việc gì lớn lên dễ thành lười biếng, coi thường giá trị lao động. Bởi vậy, bố mẹ hãy là tấm gương chuẩn mực và là người truyền tình yêu lao động cho con trẻ. Các con sẽ học được giá trị của lao động, về cả mặt vật chất lẫn tinh thần từ những công việc đơn giản hàng ngày.

Còn nhớ, lớp cấp 3 của tôi ngày xưa có bạn Hương học rất giỏi. Là con nhà khá giả nên Hương được bố mẹ chiều chuộng. Bởi vậy, dù đã hơn 16 tuổi nhưng Hương không biết làm việc nhà, bố Hương thậm chí còn bảo: “Con gái tôi ngần này tuổi nhưng vẫn không biết nấu cơm hay làm bất cứ việc gì”… Trường hợp như Hương không phải là hiếm trong xã hội hiện đại. Cha mẹ thường hay cưng chiều con, khiến con hình thành tâm lý dựa dẫm, để rồi khi lớn lên thành người thụ động, lười biếng.

Dạy trẻ biết yêu lao động ngay từ những việc nhỏ.
Dạy trẻ biết yêu lao động ngay từ những việc nhỏ.

Các chuyên gia tâm lý về trẻ em khuyên rằng, cha mẹ nên chia sẻ những kinh nghiệm công việc của mình với con và cả những lợi ích cá nhân mà việc hoàn thành tốt một công việc đem lại. Đặc biệt, cha mẹ sẽ là tấm gương sáng cho con nếu nói với con về những thành công của mình trong công việc. Anh Hoàng Anh Sang (tổ dân phố 7, thị trấn Thạch Hà) chia sẻ: “Tôi thường kể với con về công việc của mình và cháu rất thích thú”. Với bé Phong (con trai anh Sang), bố luôn là thần tượng, là tấm gương sáng trong mọi việc. Những câu chuyện của bố về công việc cho bé thấy bố đã làm việc chăm chỉ thế nào, được người khác công nhận ra sao. Bé dần dần hiểu được công việc là nguồn vui của bố, đặc biệt cháu nhận thức được công việc khi được hoàn thành tốt sẽ mang lại những phần thưởng xứng đáng về cả vật chất lẫn tinh thần.

Không chỉ truyền tình yêu lao động cho con trẻ, cha mẹ nên rèn luyện cho con những kỹ năng, ý thức lao động ngay từ khi còn nhỏ. Với cô giáo Nguyễn Thị Hạnh (xóm 1, xã Cẩm Quang, Cẩm Xuyên), dù con gái đang còn nhỏ, cô vẫn tập dần cho cháu làm việc. Cô Hạnh nói: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, chỉ cần phù hợp với sức lực của cháu và cháu thích thú thì tôi đều để cháu tự làm. Ngay từ khi 1 tuổi, cháu đã có thể biểu hiện ý thức tự lập của mình. Tôi tạo điều kiện để cháu phát huy tố chất này như: dạy bé tự cầm cốc để uống nước, tự cầm thìa đưa thức ăn vào miệng... Khi lớn hơn một chút, tôi giao cho bé những nhiệm vụ nhỏ và dễ thực hiện như: lấy tăm cho người lớn, giúp mẹ cất đồ chơi vào thùng sau khi chơi xong…”.

Trong việc rèn luyện kỹ năng lao động cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý đến tâm lý của con mình. Thường thì các bé rất thích được khen và sẽ không vui nếu bị chê. Do vậy, bạn nên nhẹ nhàng, khoan dung với bé. Bạn không nên ép buộc, ra mệnh lệnh hoặc chê trách bé, mà hãy khen ngợi, động viên khi bé tự làm được một điều gì đó cho dù là rất nhỏ. Điều này sẽ khích lệ, khiến bé luôn tự tin vào bản thân mình. Nên tạo cho trẻ niềm thích thú, say mê khi lao động. Trẻ sẽ cảm thấy hào hứng khi công việc có phần đóng góp cao của bản thân và có trách nhiệm hơn với phần việc đó. Đây sẽ là động lực và nguồn gốc của sự phát triển thông minh và nhanh nhạy ở trẻ đang tuổi lớn. Lao động còn góp phần hình thành nhân cách con người ở trẻ, tạo nên những phẩm chất tốt đẹp như: tính kiên trì, biết quý trọng thành quả lao động, biết thông cảm với những người lao động.

Theo chị Phan Thị Mai Hương - Phó trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (Sở LĐ-TB&XH, thì: “Cách dạy con lao động tốt nhất là cho con thấy mình cũng rất quý trọng lao động và giá trị lao động. Các bậc phụ huynh không thể rèn con biết dọn dẹp ngăn nắp nếu bản thân chưa xong việc này đã sang làm việc khác, khi đồ đạc, dụng cụ còn bày bừa ngổn ngang. Cha mẹ chính là tấm gương lao động để trẻ học tập và noi theo”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast