Để mỗi giờ văn là những khoảnh khắc thăng hoa cảm xúc

Ngoài mục tiêu giúp học sinh (HS) nói đúng và viết đúng tiếng mẹ đẻ, biết làm một bài văn, viết một văn bản, văn học còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc góp phần hình thành nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm cũng như ý chí và nghị lực để con người luôn hướng tới chân - thiện - mỹ.

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao khi video clip phản ánh giờ học văn của một lò luyện thi đại học ở Dịch Vọng (Hà Nội) được tung lên mạng. Người quan tâm đến công tác giáo dục cũng không khỏi lo ngại trước tâm lý thờ ơ với việc học văn của không ít HS và các cách dạy văn của một số thầy, cô giáo.

Nhớ lại thời còn ngồi trên ghế nhà trường, giờ văn đối với chúng tôi là cả một sự háo hức, đợi chờ. Ngoài những bài văn, bài thơ được học trong sách giáo khoa, chúng tôi còn chuyền tay nhau những bài thơ hay được chép bằng sổ tay, những tác phẩm văn học mà khó khăn lắm mới tìm thuê được ở hiệu sách cũ với giá rẻ.

Sinh hoạt CLB cũng là phương pháp để nuôi dưỡng niềm say mê đọc, viết cho học sinh.
Sinh hoạt CLB cũng là phương pháp để nuôi dưỡng niềm say mê đọc, viết cho học sinh.

Bên cạnh đó, những giờ học thuộc lòng vào mỗi sáng sớm của lớp anh chị đi trước cũng đã trở thành những khoảnh khắc không thể nào quên. Để rồi những áng thơ, những bản trường ca bất hủ qua giọng đọc trầm bổng ấy không biết tự bao giờ đã in đậm trong trí nhớ của tôi, bồi đắp thêm cho tôi niềm say mê văn học.

Với thế hệ HS hôm nay, sự phát triển của đời sống vật chất, sự bùng nổ của công nghệ thông tin là những điều kiện thuận lợi để các em có thêm nhiều cơ hội bồi đắp tâm hồn mình bằng kiến thức văn học qua thư viện điện tử, qua hệ thống nhà sách và những giờ học văn trong nhà trường. Thế nhưng, điều đáng buồn là với một số em, việc học văn chỉ mang tính chiếu lệ, đối phó. Bởi thực tế, từ sự định hướng của bản thân và gia đình trong bước đường tương lai khi quyết định thi vào khối A hay B, hầu hết các em đều dành thời gian đầu tư vào các môn trong khối mình đã lựa chọn. Với một số em khác, niềm say mê đọc, thời gian rảnh rỗi dành cho đọc sách đã nhường chỗ cho những say mê mới qua các trò chơi, việc tìm bạn, kết bạn trên mạng Internet...

Thực tế cho thấy, các môn học đều quan trọng, bởi kiến thức sâu rộng sẽ giúp cho người lao động làm việc có chất lượng và hiệu quả. Tuy nhiên, Văn và Toán là 2 môn học có tầm ảnh hưởng đến hầu hết các môn học khác.

Bạn tôi - một giáo viên (GV) dạy Vật lý phàn nàn: Cách trình bày bài làm của HS bây giờ rất hạn chế, nhiều bài làm đúng nhưng cũng không thể cho điểm cao bởi lỗi trình bày. Và cũng qua thực tế công việc, không ít lần tôi và các đồng nghiệp đã bắt gặp một số bản báo cáo, văn bản viết sai câu, mắc lỗi chính tả, diễn đạt lủng củng, thiếu logic...

Việc học văn không chỉ để trang bị kiến thức về tiếng Việt mà ý nghĩa nhân văn của khái niệm “văn học là nhân học” còn bao gồm cả sự ảnh hưởng của môn học này đến sự hình thành văn hóa, đạo đức xã hội và truyền thống lịch sử. Xã hội ngày càng phát triển và hiện đại hơn nhưng sự xuống cấp về văn hóa ứng xử và sự xuất hiện của tư tưởng, lối sống hưởng thụ, vô cảm của một bộ phận giới trẻ hiện nay phải chăng cũng có nguồn gốc từ xem nhẹ việc học văn?

Thầy Đậu Quang Hồng – Chuyên viên Văn (Sở GD&ĐT) chia sẻ: “Văn học không chỉ làm thế giới nội tâm phong phú, làm suy nghĩ thêm sâu sắc mà còn giúp con người nhận thức được cái hay, cái đẹp, chuẩn mực trong cuộc sống. Văn học, khoa học nhân văn là sự kết tinh những tinh hoa văn hóa nhân loại, lưu truyền những giá trị tốt đẹp của con người qua các thời đại, giúp con người có bản lĩnh, có suy nghĩ, ứng xử, lối sống đúng đắn, lành mạnh. Cũng vì thế, việc tạo sức hấp dẫn, niềm say mê cho HS trong những giờ học văn càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”.

Thực tế, thời gian gần đây, việc đẩy mạnh công tác chỉ đạo thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy trong nhà trường, nói không với đọc, chép trong dạy học ở tỉnh ta đã đạt được những kết quả bước đầu. Cùng với những đổi thay trong kiểm tra, đánh giá, sự đổi mới cũng được thể hiện rõ nét trong những dạng đề thi ở các cuộc thi buộc HS phải tư duy, sáng tạo. Tuy nhiên, để có được những giờ giảng hấp dẫn, lôi cuốn, điều quan trọng, GV bộ môn phải là người tâm huyết, có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, phải tạo được bầu không khí văn chương trong giờ học.

Cùng với việc tránh tình trạng truyền thụ một chiều, giáo viên cũng cần đặc biệt quan tâm việc sử dụng ngôn ngữ cảm xúc để đánh thức tri giác cảm nhận của HS qua từng bài giảng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast