Đổi mới phương pháp dạy lịch sử để thu hút học sinh

(Baohatinh.vn) - Theo quyết định mới của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, ngoài 2 môn Toán, Ngữ Văn bắt buộc, thí sinh có quyền tự chọn 2 trong số các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa, Lý, Hóa và Sinh...

Mặc dù chưa hết hạn đăng ký môn thi tốt nghiệp THPT 2014 (từ ngày 17/3 đến 17/4) nhưng theo kết quả khảo sát của nhiều trường THPT, số học sinh chọn thi môn Lịch sử không nhiều, nếu không muốn nói cực kỳ ít. Thậm chí có những trường không có lấy một học sinh nào đăng ký. Ở Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh thì phần nhiều những em chọn đăng ký môn thi này nằm trong lớp chuyên Văn, tức là đã có 3 năm để được học chuyên theo 3 môn Văn - Sử - Địa.

Tại sao môn học lịch sử lại chỉ được số ít học sinh lựa chọn? Ảnh chỉ có tính minh họa
Tại sao môn học lịch sử lại chỉ được số ít học sinh lựa chọn? Ảnh chỉ có tính minh họa

Số liệu khảo sát từ các trường THPT dù chưa phải là cuối cùng nhưng cũng khiến không ít người giật mình băn khoăn và tự hỏi tại sao môn học Lịch sử lại chỉ được số ít học sinh lựa chọn. Nhiều người vội vàng cho rằng, cuộc khảo sát đã đưa ra những con số “biết nói” và rằng, học sinh đang “quay lưng” với môn Sử. Một số ý kiến khác lại quả quyết tỷ lệ chọn môn Sử thấp là điều đáng buồn nhưng không đáng ngạc nhiên. Bởi một thực trạng đã rõ ràng: nhiều học sinh sợ học Sử và ngại thi Sử.

Phần đông thí sinh không lựa chọn môn sử cũng nói lên những bất cập trong vấn đề giảng dạy môn học này trong nhà trường. Nhiều chuyên gia cho rằng, chương trình và sách giáo khoa môn Lịch sử ở cấp học phổ thông còn mang nặng tính hàn lâm, khó hiểu và quá tải. Một điều không thể phủ nhận là học Sử thì cần phải nhớ. Nhưng người có trí nhớ tốt đến đâu cũng khó nhớ được từng tiểu tiết trong trận chiến đấu, trong khi đó có đến hàng trăm trận đánh cần phải nhớ. Một chương trình học nặng nề, trong khi thời gianđể giảng dạy không nhiều, cách giảng dạy cũng kém hấp dẫn, đó là lý do vì sao học sinh ngày càng ít mặn mà với môn học này.

Trước thực trạng này, Bộ GD-ĐT cần xây dựng, ban hành chương trình, sách giáo khoa theo hướng tích hợp và phân hóa. Khơi gợi hứng thú cho học sinh là một trong những điều phải quan tâm đầu tiên. Thay vì học những trang sách dày đặc chữ thì hãy để học sinh có cơ hội ghi nhớ qua âm thanh, hình ảnh, qua từng câu chuyện có ý nghĩa hơn. Những vấn đề mới đã được các phương tiện truyền thông đại chúng nói đến nhiều như chiến tranh biên giới Tây Nam, Hoàng Sa, Trường Sa... cần được đưa vào chương trình giảng dạy để thu hút sự quan tâm của học sinh.

Khi còn là học sinh lớp 12, tôi nhớ trong một giờ học Lịch sử, thay vì ngồi học những buổi học như cũ, tức là chỉ có nghe - nói - đọc - chép, lớp chúng tôi được xem một bộ phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam những năm kháng chiến chống Mỹ. Chúng tôi ngồi im xem những thước phim đen trắng của một thời đấu tranh đầy máu và nước mắt. Bài kiểm tra ngay sau khi xem phim làm tất cả đều hào hứng bởi chỉ thông tin cốt lõi và những hình ảnh vừa chiếu dễ nhớ nhiều hơn so với những con chữ trên trang sách.

Vậy nên, đổi mới cách giảng dạy môn Lịch sử, truyền lòng đam mê về quá khứ cho những thế hệ tương lai với môn học này là vô cùng cần thiết.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast