Đổi mới và nâng cao hiệu quả việc giảng dạy Lịch sử địa phương ở trường phổ thông

Lịch sử địa phương (LSĐP) là một bộ phận hợp thành lịch sử dân tộc, làm phong phú, sáng tỏ thêm cho lịch sử dân tộc. Việc giảng dạy LSĐP không chỉ giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn kiến thức lịch sử dân tộc mà quan trọng hơn là góp phần trực tiếp hình thành, bồi dưỡng cho học sinh (HS) tình yêu quê hương - cội nguồn của lòng yêu nước.

Từ nhiều năm nay, thực hiện chương trình giảng dạy của Bộ Giáo dục - Đào tạo, hầu hết các địa phương đã biên soạn Tài liệu Lịch sử địa phương nhằm phục vụ cho việc giảng dạy bộ môn trong trường phổ thông. Nguồn tài liệu lịch sử địa phương, với những loại hình đa dạng, phong phú, sinh động, là cơ sở cho học sinh hiểu được những biểu tượng lịch sử và các khái niệm, các sự kiện, hiện tượng được đúc kết ở các bài. Góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế vô sản cho thế hệ trẻ. Mọi sự kiện xảy ra trên quê hương, trên đất nước chúng ta trực tiếp hay gián tiếp quan hệ với sự phát triển chung của lịch sử dân tộc khác, hình thành quy luật phát triển chung của thế giới. Điều này sẽ giáo dục học sinh tính nhân văn và ý thức nghĩa vụ quốc tế đúng đắn. Góp phần rèn luyện những kĩ năng, thói quen, đặc biệt là phương pháp thực tiễn. Từ đó, góp phần hình thành ở học sinh phương pháp nghiên cứu khoa học, biết vận đụng kiến thức vào cuộc sống.

Hiện nay, ở hầu hết các trường phổ thông việc giảng dạy LSĐP được tiến hành chủ yếu trong các tiết chính khóa trên lớp theo phân phối chương trình đã quy định. Trước đó, giáo viên (GV) cho HS về nhà tự tìm tư liệu (GV giới thiệu sách tham khảo, trang website,... cho HS tìm kiếm thông tin). Sau đó, khi đến tiết học, HS sẽ trình bày nội dung đã sưu tầm, chọn lọc. GV hướng dẫn, chỉnh sửa, bổ sung, kết luận về nội dung LSĐP được học. Đặc biệt, GV sẽ sử dụng tối đa phương pháp kể chuyện, miêu tả nhân vật lịch sử, tường thuật các trận đánh, các sự kiện lịch sử nổi bật của địa phương để tạo biểu tượng lịch sử và thông qua đó bồi dưỡng lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước và hứng thú học tập lịch sử của HS. Nhiều sự kiện, nhân vật lịch sử mà các em được học đã gần gũi, thân quen, gắn bó qua các hoạt động xã hội khác (tham gia các cuộc thi, tham gia lễ hội, kỷ niệm ngày truyền thống). Từ đó, các em đã nắm bắt và hiểu bài khá nhanh. Điều đặc biệt, các em đã biết thêm những nhân vật, sự kiện lịch sử tiêu biếu ở ngay tại địa phương, làng xóm của mình tưởng như rất bình thường nhưng đã trở thành niềm tự hào của cả tỉnh, cả dân tộc, vang vọng khắp năm châu bốn bể. Đây chính là điêu kiện rất thuận lợi để đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cách mạng địa phương.

Tuy nhiên, việc dạy học này chưa được thực hiện đều ở đại bộ phận giáo viên của các trường. Nhiều tiết dạy vẫn chưa tổ chức được cho học sinh sưu tầm tư liệu và chuẩn bị bài chu đáo, chưa tạo được sự hứng thú cho học sinh tham gia học hỏi và tìm hiểu kĩ bài học. Điều này dẫn đến nhiều học sinh không biết gì về truyền thống lịch sử cha ông hay nhầm lẫn rất nhiều các khái niệm với nhau. Để nâng cao hiệu quả việc giảng dạy lịch sử địa phương ở trường phổ thông cần làm thưc hiện tốt một số vấn đề sau.

Một là, cần thay đổi nhận thức về việc giảng dạy LSĐP trong chương trình giáo dục phổ thông. Tình yêu quê hương chính là cơ sở của lòng yêu nước. Hơn nữa, tình cảm gắn bó với quê hương là một động lực quan trọng thúc đẩy thế hệ trẻ tự nguyện phấn đấu xây dựng quê hương nói riêng và đất nước nói chung ngày càng giàu đẹp. Dạy học tốt nội dung LSĐP chính là một việc làm có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục thế hệ trẻ về tình cảm và trách nhiệm đối với quê hương đất nước. Hai là, cần có sự thống nhất trong chương trình giảng dạy LSĐP ở bậc trung học. Đi đôi với chương trình là tài liệu giảng dạy thống nhất trong phạm vi tỉnh. Tránh tình trạng giảng dạy trùng lặp, chồng chéo hoặc mâu thuẫn nhau giữa trung học cơ sở và trung học phổ thông. Ba là, có thể đưa nội dung LSĐP vào nội dung kiểm tra một tiết hoặc kiểm tra học kì nhằm tạo thêm động lực dạy và học cho giáo viên và học sinh, đồng thời giúp giáo viên đánh giá chính xác mức độ tiếp thu, tinh thần, thái độ của học sinh để điều chỉnh nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast