Ngày 30/8, Lê Thị Thảo, cựu học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Lai Châu, đến trường nhập học ngành Sư phạm Lịch sử. Đây là ước mơ Thảo ấp ủ từ lớp 11.
"Em muốn có thể truyền cảm hứng để học sinh không còn nghĩ môn này nhàm chán, yêu thích và học tốt hơn", Thảo nói.
Nữ sinh cho hay nhiều người thân của em lo lắng nghề này vất vả, lương thấp, khó xin việc. Song, Thảo không nghĩ như vậy.
"Những chính sách như hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm hay đề xuất lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương, giúp em củng cố thêm niềm tin với ngành", Thảo nói.
Lê Nguyễn Mai Phương, cựu học sinh trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa, giải nhất quốc gia môn Văn, cũng đặt nguyện vọng duy nhất vào Sư phạm. Phương kể được khuyên suy nghĩ lại bởi môi trường sư phạm kém năng động hơn nhiều ngành nghề khác như kinh tế, truyền thông.
"Nhưng em cho rằng nếu đủ đam mê, học ở môi trường nào cũng có thể bứt phá, tạo ra sự khác biệt", nữ sinh nhìn nhận.
Với Đoàn Minh Nhật, cựu học sinh trường chuyên Nguyễn Du, tỉnh Đăk Lăk, lựa chọn sư phạm đã có từ lớp 9.
Nhật kể vì giành giải nhất quốc gia môn Hóa học, hồi tháng 2, em ra Hà Nội tham gia vòng chọn đội tuyển thi quốc tế. Được ôn luyện với những giảng viên giỏi, Nhật được truyền cảm hứng, càng thêm quyết tâm theo nghề này.
Ngoài Thảo, Phương, Nhật, khoảng 100 học sinh giỏi quốc gia nhập học Đại học Sư phạm Hà Nội năm nay.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng, cho biết có hơn 300 học sinh giỏi quốc gia được xét tuyển thẳng vào trường. Ông Sơn nhìn nhận số lượng này khá lớn, nhiều ngành có độ cạnh tranh cao. Chẳng hạn, ở ngành Sư phạm Lịch sử, chỉ tiêu toàn trường khoảng 40 thì có tới 25 em có giải quốc gia đăng ký.
"Điều này một phần cho thấy hết cảnh chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm", ông Sơn nói.
Cũng theo hiệu trưởng Sư phạm Hà Nội, việc ai đó chọn vào ngành sư phạm không bị đánh giá là ít năng động nữa. Minh chứng là rất nhiều sinh viên ra trường không vào cơ quan nhà nước nhưng rất thành công...
Đại diện Đại học Sư phạm TP HCM cũng đồng tình. Năm nay, trường này có gần 110 thí sinh đạt giải thi học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật, thể dục thể thao cấp quốc gia, quốc tế được tuyển thẳng. Những ngành được quan tâm là Sư phạm Ngữ văn, Tiếng Anh, Hóa học, Lịch sử.
Ví dụ ngành Sư phạm Hóa học chỉ nhận 20 sinh viên, gồm hai suất tuyển thẳng nhưng có tới 6 thí sinh đạt giải nhì quốc gia đăng ký. Trường phải tư vấn các em chuyển sang phương thức xét tuyển khác.
PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, đánh giá đầu vào khối Sư phạm ngày càng vượt trội, là tín hiệu tích cực cho ngành giáo dục.
"Chất lượng đầu vào cao cho phép xã hội kỳ vọng vào thế hệ nhà giáo xuất sắc trong tương lai vì 'nguyên liệu tốt thì mới cho ra sản phẩm tốt'", ông nói.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số nguyện vọng đăng ký vào nhóm này năm nay tăng 85% so với năm ngoái.
Nhiều trường Sư phạm có điểm chuẩn cao kỷ lục. Tại Đại học Sư phạm Hà Nội, ngành Sư phạm Lịch sử và Ngữ văn lấy 29,3 điểm cho tổ hợp ba môn thi tốt nghiệp, cao nhất cả nước. Ở Đại học Giáo dục, Sư phạm Hà Nội 2 (Vĩnh Phúc), Sư phạm Thái Nguyên, Sư phạm Huế, đầu vào ngành đào tạo giáo viên cũng lên đến trên 28 điểm.
Các nhà giáo nhận định chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm đã phát huy tác dụng, trong bối cảnh học phí ở các lĩnh vực khác tăng mạnh. Một lý do nữa là tiền lương và đời sống giáo viên dần được cải thiện qua các đợt tăng lương cơ bản. Nhiều nơi như TP HCM có chính sách hỗ trợ thêm.