Điểm chuẩn cao 'chạm nóc,' Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nói gì?

Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng điểm chuẩn cao do số lượng thí sinh đăng ký đông trong khi chỉ tiêu tuyển sinh có hạn. 

Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên lề Hội nghị Tổng kết năm học 2023-2024, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã chia sẻ với báo chí xung quanh việc điểm chuẩn của trường này cao “chạm nóc.” Năm nay, trường có hai ngành có điểm chuẩn lên đến 29,3 điểm cho ba môn thi.

Nhiều ưu đãi, ngành sư phạm ngày càng "hot"

- Thưa Phó giáo sư, ông đánh giá như thế nào về điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển theo điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông vào khối trường sư phạm nói chung và Đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng năm nay?

Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Sơn: Đến thời điểm này, hầu như tất cả các trường đại học đã công bố điểm chuẩn. Nhìn chung điểm vào khối trường sư phạm năm nay đều tăng, không chỉ với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Việc điểm chuẩn tăng có nhiều lý do. Có thể thấy chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chính sách cấp học phí và cấp bù sinh hoạt phí đã thu hút số lượng sinh viên vào ngành sư phạm ngày càng đông. Năm nay, theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm tăng vọt. Chỉ tiêu có hạn trong số đăng ký đông nên chỉ có những thí sinh tốp trên mới có đủ điểm đỗ. Tôi cho rằng đó là một dấu hiệu tích cực.

Riêng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có điểm khác nữa là số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển thẳng khá cao. Năm nay trường có khoảng 300 học sinh giỏi quốc gia đăng ký vào các ngành. Điều này làm cho việc cạnh tranh thêm gay gắt hơn.

- Một số ngành, học sinh đạt 29 mà vẫn trượt thì theo ông, là bình thường hay bất thường?

Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Sơn: Nếu nhìn nhận theo cách so sánh điểm năm này với những năm khác thì có vẻ như điểm chuẩn đó quá cao, nhưng nếu nhìn nhận theo tuyển sinh đại học, tức là tuyển những người có đủ năng lực để vào và mang tính chất lựa chọn từ trên xuống dưới, nếu như có nhiều người tốp trên và đã đủ chỉ tiêu thì những người tốp dưới đương nhiên sẽ bị mất cơ hội. Đó quy tắc của việc lựa chọn.

Giờ học của học sinh trường THPT Trần Phú (Đức Thọ, Hà Tĩnh). (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)
Giờ học của học sinh trường THPT Trần Phú (Đức Thọ, Hà Tĩnh). (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

- Tuy nhiên, phụ huynh lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, thưa ông?

Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Sơn: Đứng ở góc độ phụ huynh, băn khoăn này cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, các em được đăng ký nhiều nguyện vọng nên nếu điểm cao, không trúng tuyển ngành này các em có thể trúng tuyển ngành khác.

Tôi cho rằng đó là chuyện bình thường trong cuộc sống và chúng ta phải học cách chấp nhận mình giỏi nhưng xung quanh còn có nhiều người giỏi hơn.

Bài toán khó về xét tuyển sớm

- Theo ông, từ năm 2025 trở đi, các em có nhất thiết là phải đợi đến Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông để xét tuyển không hay nên tham gia thi riêng hoặc xét tuyển sớm?

Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Sơn: Trong bối cảnh năm tới, lời khuyên chúng tôi là thí sinh nên hết sức chú ý những điều chỉnh về mặt chính sách của các nhà trường và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong hội nghị về tổng kết giáo dục đại học vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra một số định hướng cho kỳ tuyển sinh sang năm. Ví dụ, việc xét tuyển sớm sẽ có định hướng, có sự thay đổi nhất định. Các trường đại học, trong đó có Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ có điều chỉnh những thách thức cũng như quy trình tuyển sinh trong năm tới. Vì vậy, tôi chưa có thể nói chắc được rằng năm tới sẽ có những phương thức nào.

Tuy vậy, nguyên tắc số một là chúng ta sẽ giữ ổn định, và như vậy thì việc xét tuyển theo điểm thi Tốt nghiệp trung học phổ thông là điều chắc chắn. Đến thời điểm này, các trường đại học vẫn lấy tỷ lệ tương đối lớn từ phương thức này.

Do vậy, tôi nghĩ lời khuyên cho các học sinh lớp 12 là theo dõi rất sát xu hướng tuyển sinh của các trường.

Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đức Sơn: Vấn đề xét nghiệm sớm có nhiều khía cạnh. Khía cạnh số 1 liên quan đến tự chủ của trường đại học, rõ ràng các trường đại học có tự chủ nhất định trong quá trình tuyển sinh và việc đó tôi nghĩ cần tôn trọng mức độ nhất định.

Tuy vậy, qua thực tế thời gian qua, có ý kiến và đặc biệt là ý kiến từ các trường phổ thông rằng xét duyệt sớm, ví dụ chỉ xét điểm 5 kỳ học bạ, dẫn đến việc học sinh không tập trung sâu vào việc học để hoàn thành chương trình phổ thông. Đây là vấn đề mà chúng ta đang phải tìm cách để ta xử lý.

Theo tôi, phải có cách thức xử lý hài hòa, các trường đại học vẫn có cơ hội để sử dụng các phương thức xét tuyển khác nhau để đảm bảo đầu vào cho mình nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo được việc tuyển sinh đại học không được đi ngược lại với giáo dục phổ thông.

Nguyên tắc rất căn bản là các yêu cầu đầu vào của giáo dục đại học chính là các yêu cầu hướng tới nâng cao chất lượng phổ thông. Và vì vậy, nếu đầu vào của đại học không góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông thì không được. Và đó là bài toán.

Tất nhiên, đây là bài toán hết sức khó, liên quan đến nhiều bên. Bởi vậy, tôi cho rằng các chuyên gia phải ngồi tính cách thức để tháo gỡ bài toán này./.

vietnamplus.vn

Đọc thêm

Học sinh Trí Đức rộn ràng chào xuân mới 2025

Học sinh Trí Đức rộn ràng chào xuân mới 2025

Các hoạt động chào xuân là dịp để các bạn nhỏ Trường Mầm non Trí Đức (TP Hà Tĩnh) được vui chơi, hiểu thêm về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Muôn sắc màu tại Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Muôn sắc màu tại Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025 trưng bày nhiều ấn phẩm báo chí, phản ánh sự sáng tạo và đổi mới trong công tác tuyên truyền của báo chí Hà Tĩnh và cả nước trong kỷ nguyên số.
Quản chứ không cấm dạy thêm, học thêm

Quản chứ không cấm dạy thêm, học thêm

Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư có hiệu lực từ 14/2/2025, với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Nối những niềm vui trên “cánh đồng” tri thức

Nối những niềm vui trên “cánh đồng” tri thức

Ngành GD&ĐT Hà Tĩnh khép lại năm 2024 với những niềm vui trên “cánh đồng” tri thức. Nỗ lực của thầy và trò đã đơm hoa, kết trái bằng những thành tích ấn tượng trên mỗi sân chơi kiến thức.