Hun đúc tình yêu quê hương trong con trẻ

(Baohatinh.vn) - Từ thuở lọt lòng, trẻ đã lớn lên cùng lời ru ầu ơ của bà, của mẹ với những hình ảnh con cò, cánh đồng lúa, dòng sông quê hương...

Những hình ảnh giản dị, thân thương ấy cứ như dòng suối nhỏ, mát ngọt, là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm; trở thành cội nguồn sức mạnh của mọi suy nghĩ, hành động, sáng tạo trong mỗi người. Để rồi đứa trẻ khi mới bập bẹ biết nói đã hỏi bố mẹ với giọng điệu đáng yêu như trong lời thơ “Bài học đầu cho con” của nhà thơ Đỗ Trung Quân:

Quê hương là gì hở mẹ?

Mà cô giáo dạy phải yêu

Quê hương là gì hở mẹ?

Ai đi xa cũng nhớ nhiều?

Hun đúc tình yêu quê hương trong con trẻ ảnh 1
Giúp trẻ yêu quê hương từ việc tìm hiểu các di tích, thắng cảnh

Từ tình yêu gia đình...

Khó có thể định nghĩa được hai tiếng “quê hương”, thế nhưng, trong trái tim mỗi người, ai cũng tự hiểu quê hương ấy là nhà. Mái nhà rộng lớn che chở gia đình tôi, gia đình bạn và những người thân yêu quanh ta.

Thế nên, khi nói đến yêu quê hương cũng chính là ta đang nói đến tình yêu giữa những người trong gia đình; rộng hơn là tình yêu giữa con người với con người. Trẻ sinh ra đón nhận tình yêu vô bờ bến từ ông bà, cha mẹ, anh chị; lớn lên đi học, trẻ nhận được những sẻ chia từ thầy cô, bè bạn... Cũng chính bằng tình yêu ấy, trẻ sẽ lớn lên, trưởng thành và biết yêu thương. Mỗi thành viên trong gia đình, mỗi người trẻ được tiếp xúc đều trở thành chuẩn mực để trẻ noi theo.

Nói về tình yêu quê hương, đất nước, nhà văn nước Nga, I-li-a Ê-ren-bua có câu nói nổi tiếng: Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Von-ga, con sông Von-ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc.

Tình yêu quê hương, đất nước đã bắt đầu như thế! Đó là những tình cảm vốn có, qua thời gian, tình yêu đó được bồi đắp, càng trở nên mãnh liệt. Không có tình yêu đối với những người đã có công sinh thành thì không thể nào có tình yêu quê hương. Cũng từ tình yêu quê hương mà con người dù có qua bao chốn xa cũng luôn tìm được điểm chung, nơi để trở về sau bao mệt nhọc, ôm ấp sau bao vui buồn cuộc sống.

Một đứa trẻ biết tự hào về dân tộc, nguồn gốc của mình, sẽ là một đứa trẻ ít làm điều sai trái. Một đứa trẻ biết ơn những người đã khai khẩn, bảo vệ và vun đắp không gian bé đang sống, từng tấc đất bé đang đi, từng cuốn sách bé đang đọc sẽ là một đứa trẻ giàu lòng vị tha, nhân ái và sâu sắc. Những câu chuyện xoay quanh cuộc sống của gia đình với những người thân, những kỷ niệm thời thơ ấu sẽ theo các em đến suốt cuộc đời. Bởi vậy, trẻ sinh ra và lớn lên không chỉ được trau dồi kiến thức cơ bản về cuộc sống xung quanh mà quan trọng hơn cả là được giáo dục đạo đức làm người. Dạy trẻ biết yêu thương, chia sẻ là nền tảng để hình thành nhân cách trong tương lai, đó cũng là cách làm giàu tình yêu quê hương trong con trẻ.

Hun đúc tình yêu quê hương trong con trẻ ảnh 2
Những làn điệu dân ca ví, giặm là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, hun đúc tình yêu quê hương trong con trẻ.

Đến cảnh sắc thiên nhiên

Bên cạnh tình cảm gia đình, quê hương còn là những hình ảnh thân thương, dung dị:

Quê hương tôi có con sông xanh

biếc,

Nước gương trong soi tóc những

hàng tre

Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

Tỏa nắng xuống lòng sông lấp

loáng.

(Nhớ con sông quê hương – Tế Hanh)

Quê hương là chùm khế ngọt, đường đi học, con diều biếc, con đò nhỏ, cầu tre nhỏ... Quê hương còn Là vàng hoa bí, Là hồng tím giậu mồng tơi/ Là đỏ đôi bờ giâm bụt/ Màu hoa sen trắng tinh khôi (Bài học đầu cho con – Đỗ Trung Quân).

Hay như:

Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn

Cánh cò bay lả rập rờn

Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều.

(Việt Nam quê hương ta – Nguyễn Đình Thi)

Đất nước Việt Nam, dải đất cong cong hình chữ S nhưng chứa trong đó biết bao cảnh vật đặc sắc. Mỗi một vùng quê đều mang một màu sắc rất riêng với những địa danh, phong tục, lễ hội cho trẻ được khám phá, tìm hiểu. Ở đó còn có biết bao vị quê. Là vị mặn mòi của biển, là mùi thơm rơm rạ, là mát ngọt bát chè xanh... Mới đây, sự kiện tìm ra hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) lại góp thêm một minh chứng về thiên nhiên hùng vĩ, nét đẹp riêng có của đất nước. Cả thế giới trầm trồ, thán phục, không cớ gì những người con của quê hương không tự hào, yêu mến.

Để có một bầu trời thanh bình như hôm nay, đất nước đã qua bao chiến tranh, đạn lửa, gánh gồng những cơn giận dữ từ thiên nhiên. Thế nhưng, điều đó cũng không làm mất đi vẻ đẹp vốn có và càng trong gian khó, hình ảnh đất nước lại càng đẹp hơn. Miền đất quanh năm bao mùa nắng gió, thế mà, cây lúa vẫn xanh giữa trời chang chang... (Về Hà Tĩnh người ơi, nhạc sỹ Xuân Thủy). Và hãy để trẻ được lớn lên cùng luống rau, bờ ngô của mẹ, cùng gánh lúa của cha, sống chan hòa cùng thiên nhiên và thế giới xung quanh.

Đầy ắp những hình ảnh gợi nhớ, gợi thương đã thẩm thấu, làm đẹp thêm tâm hồn; đồng thời, bồi đắp tình yêu quê hương, ý thức giữ gìn, bảo vệ các giá trị văn hóa tinh thần, vật chất nơi trẻ đang sống.

Hun đúc tình yêu quê hương trong con trẻ ảnh 3
Để trẻ tự do phát huy sở trường, cá tính, bắt nhịp cuộc sống hiện đại nhưng cũng phải giữ được giá trị truyền thống cốt lõi.

“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ...”

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình, đó là một trong những lời căn dặn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho các cháu. Người cũng đúc kết 5 điều dạy các cháu thiếu niên, nhi đồng và điều đầu tiên là Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.

Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào không phải ở những gì lớn lao mà chính từ những điều giản đơn, bình dị và phù hợp với lứa tuổi các em. Thực hiện được 4 điều còn lại: Học tập tốt, lao động tốt/ Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/ Giữ gìn vệ sinh thật tốt/ Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm cũng chính là chúng ta đang yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.

Yêu Tổ quốc trước hết hãy là “Cháu ngoan Bác Hồ”, không ngừng thi đua học tập tốt, rèn luyện đạo đức để xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, đội viên gương mẫu, biết kính trên, nhường dưới, lễ phép, thật thà.

Yêu Tổ quốc là tập thói quen giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường bằng những hành động nhỏ như không vứt rác bừa bãi; tắt thiết bị điện khi không sử dụng; sử dụng nước tiết kiệm; bảo vệ, chăm sóc vườn hoa, vườn rau, cây cối...

Yêu Tổ quốc là biết chia sẻ, đồng cảm với mọi người, đặc biệt là những hoàn cảnh bất hạnh, khó khăn trong cuộc sống, sẻ chia miếng bánh cùng bạn bên cạnh, cùng nhau chơi chung đồ chơi, biết nhường nhịn em bé, không kỳ thị, coi thường người nghèo khổ, hoạn nạn, làm những công việc nhà vừa sức… Đó là những điều mà trẻ có thể làm được và nên làm.

Bên cạnh đó, phụ huynh nên khuyến khích trẻ quan tâm, yêu thương mọi người theo cách riêng mà trẻ muốn; lắng nghe những chia sẻ của con; kể những tấm gương sáng để nuôi dưỡng, phát huy lòng nhân ái của trẻ; hướng trẻ đến các hoạt động xã hội, rèn luyện kỹ năng sống. Từ đó, sẽ phát triển các mối quan hệ gắn bó, sâu sắc và có lợi cho cuộc sống của trẻ trong hành trình tương lai.

Ngày nay, nhịp sống hiện đại, lối sống thị thành len lỏi vào từng nếp nhà; việc giáo dục con cái vì thế cũng đang chịu nhiều ảnh hưởng. Thời đại thông tin đa chiều, trẻ nhanh nhạy trong tiếp cận các thông tin, thiết bị công nghệ hiện đại nhưng chưa đủ kiến thức để chọn lọc khi đón nhận, chưa đủ bản lĩnh trước cám dỗ. Vì thế, người lớn vừa phải tạo điều kiện để trẻ được phát triển tư duy, sáng tạo, bắt nhịp với cuộc sống hiện đại, năng động, sống hội nhập nhưng vừa phải giáo dục trẻ giá trị truyền thống cốt lõi.

Dù có đi đâu, làm gì, con người hãy nhớ, hãy yêu lấy quê hương cũng như cây có cội, sông có nguồn. Quê hương đã hào hiệp cho ta tất cả những gì tươi đẹp, vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm đem tình yêu đó vun đắp, làm đẹp quê hương.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast