Nâng cao chất lượng cho bậc học đầu đời

Đến thời điểm hiện tại, 256/262 xã, phường, thị trấn ở tất cả 12 huyện, thành, thị trên địa bàn đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi. 100% lớp mẫu giáo 5 tuổi có giáo viên, cơ sở vật chất (CSVC) đạt chuẩn và được trang bị đủ đồ dùng, đồ chơi theo quy định. Nếu được Bộ GD&ĐT tiến hành kiểm tra công nhận trong thời gian gần đây thì Hà Tĩnh sẽ là tỉnh thứ 7 trên toàn quốc và là tỉnh đầu tiên ở khu vực Trung bộ đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.

Phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi

Đến thời điểm này, 256/262 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.
Đến thời điểm này, 256/262 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.

Hiện nay, toàn tỉnh có 267 trường MN, trong đó có 210 trường công lập, 55 trường bán công (sẽ chuyển đổi sang loại hình công lập vào đầu năm 2014 theo lộ trình của tỉnh) và 2 trường tư thục, tỷ lệ đạt chuẩn 48,7%. Là tỉnh nghèo, việc thực hiện đề án phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi (giai đoạn 2010-2015) còn có nhiều khó khăn nên việc huy động nguồn cho bậc học vốn nhờ vào xã hội hóa nay lại càng thêm vất vả. Tuy nhiên, tinh thần hiếu học cùng với thành tích là một trong những tỉnh luôn nằm tốp đầu chất lượng giáo dục nên việc thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi đã được sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương.

Trên tinh thần ấy, cùng với việc dành quỹ đất tại khu trung tâm các xã để xây dựng trường MN, việc huy động nội lực để xây dựng và củng cố CSVC trường lớp cũng đã trở thành một trong những phong trào sôi nổi của các cấp chính quyền.

Trường MN Nam Hồng (TX Hồng Lĩnh) phối hợp cùng chính quyền địa phương, hội phụ huynh phát động phong trào huy động nguồn lực từ các nhà hảo tâm ủng hộ 40-50 trẻ em nghèo được ăn bán trú mỗi năm (trên 25 triệu đồng/năm). UBND thị xã Hồng Lĩnh vận động mỗi CBCCVC trên địa bàn ủng hộ tối thiểu 2 ngày lương để góp phần xây dựng Trường MN Thuận Lộc đạt chuẩn quốc gia. Xã Gia Hanh, Thanh Lộc (Can Lộc) vận động nhân dân đóng góp 200.000 đồng/nhân khẩu để xây dựng trường MN về điểm tập trung...

Chủ tịch UBND xã Xuân Giang (Nghi Xuân) Lê Hồng Lưu chia sẻ: “Mặc dù ngân sách xã còn hạn hẹp lại thiếu vắng các dự án đầu tư, nhưng thời gian qua, chúng tôi luôn trăn trở với sự học của con em, đặc biệt là bậc học MN, vì thế, trong năm học này, xã đã trích ngân sách đầu tư hơn 3 tỷ đồng để củng cố CSVC cho nhà trường”.

Sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương đã góp phần tạo nên diện mạo, vóc dáng cho bậc học MN trên địa bàn toàn tỉnh. CSVC khang trang, số phòng học đạt chuẩn theo điều lệ trường MN chiếm tỷ lệ 90,7%, trong đó số phòng học kiên cố 1.349 phòng, bán kiên cố 907 phòng, phòng học xây mới 353, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp và an toàn, thân thiện cho trẻ hoạt động.

Niềm vui càng được nhân lên khi chính sách đãi ngộ cho giáo viên MN cũng đã được thực hiện thông qua quyết định của tỉnh về việc chuyển đổi các trường MN bán công sang công lập trên địa bàn Hà Tĩnh và sự ra đời của các quy định: chính sách đối với giáo viên MN hợp đồng, nhân viên y tế, kế toán đang hợp đồng lao động tại các trường MN bán công, dân lập, công lập; quy định tạm thời chế độ, chính sách đối với giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại các trường MN...

Cô Lê Thị Thanh - giáo viên trường MN Mai Phụ (Lộc Hà) chia sẻ: “Sau khi có quyết định của tỉnh, đời sống của giáo viên MN chúng tôi đã khá hơn trước rất nhiều. Lương tôi đã được tăng thêm hơn 1 triệu đồng/tháng. Sự quan tâm, động viên là động lực giúp chúng tôi yên tâm công tác và giải quyết bớt một phần khó khăn trong cuộc sống thường ngày”.

Sự quan tâm của tỉnh và các cấp chính quyền địa phương là nguồn động viên để giáo viên MN thêm cố gắng trong việc nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GDMN mới, cụ thể là nâng cao hiệu quả chăm sóc, giáo dục trẻ, tăng tỷ lệ huy động trẻ đến lớp, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Đó cũng chính là giải pháp cốt lõi thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.

Bà Trần Thị Hải Lý – Trưởng phòng GDMN, Sở GD&ĐT cho biết: “Đối với ngành Giáo dục, ngoài việc tăng cường công tác chỉ đạo, chúng tôi còn chủ động đổi mới công tác thanh, kiểm tra để đánh giá thực chất công tác chỉ đạo và chất lượng đội ngũ giáo viên, chất lượng chương trình giáo dục trong các cơ sở GDMN. Bên cạnh các lớp bồi dưỡng kỹ năng chế biến và VSATTP cho cô nuôi dưỡng trong các trường MN, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, chương trình GDMN mới, nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên MN, Sở còn tổ chức học tập, trao đổi với các tỉnh bạn, giữa các huyện, thị trong tỉnh về kinh nghiệm thực hiện chương trình GDMN mới, phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi. Đồng thời, tổ chức khảo sát chất lượng giáo viên nhằm phân loại cụ thể từng đối tượng để xây dựng nội dung bồi dưỡng phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy”.

Việc tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên, đầu tư xây dựng, mua sắm CSVC và các điều kiện khác, đảm bảo VSATTP, thực hiện tốt công tác bán trú, nâng cao chất lượng bữa ăn... đã góp phần giảm tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống 6,8%; thể thấp còi 7,4%, đồng thời nâng cao tỷ lệ trẻ được phục hồi dinh dưỡng hàng năm.

Sau 3 năm thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, với sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, nỗ lực vượt bậc của toàn ngành Giáo dục và sự quyết tâm, hưởng ứng tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương và các bậc phụ huynh, tỉnh ta đã hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Hơn 3.000 tỷ đồng được huy động để đầu tư CSVC, mua sắm trang thiết bị dạy học, đồ chơi, chi trả lương cho giáo viên MN ngoài biên chế, chi trả chế độ ăn trưa cho 8.879 học sinh lớp 5 tuổi thuộc các đối tượng chính sách, hỗ trợ chi phí học tập và miễn, giảm học phí cho trẻ dưới 5 tuổi... đã góp phần đáng kể trong việc làm thay đổi diện mạo và nâng cao chất lượng của bậc học.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast