Nhà nội trú giáo viên ở Vũ Quang: Khi lực bất tòng tâm!

Một mái ấm để đi về nhằm ổn định cuộc sống, công việc là điều kiện tiên quyết của mỗi con người. Thế nhưng, tổ ấm của những người “gieo chữ” trên vùng cao Vũ Quang lại không như mong đợi. Khi bản thân người trong cuộc vẫn hàng ngày sống trong lo âu và chính quyền cũng chỉ biết ngậm ngùi, xót xa, bởi... lực bất tòng tâm!

Nhà nội trú cho giáo viên (GV) ở các trường học vùng sâu, vùng xa trên địa bàn toàn tỉnh đã và đang dấy lên nhiều lo ngại. Đặc biệt, đối với huyện miền núi Vũ Quang, vấn đề này lại càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi phần lớn các khu nhà đều trong tình trạng “quá đát”.

Dãy nhà nội trú xập xệ của giáo viên Trường THCS Liên Hương.
Dãy nhà nội trú xập xệ của giáo viên Trường THCS Liên Hương.

Mặc dù hầu hết GV “cắm bản” đều xuất thân từ nơi khác nhưng không phải ai cũng có điều kiện được ở nội trú. Chỉ những gia đình có con nhỏ mới được ưu tiên. Nhưng, chính người được hưởng ưu tiên không hẳn đã vui mừng. “Trong cơn bão số 10 vừa qua, tôi và các con phải… chui xuống gầm giường nằm mới đỡ lo” - cô Trần Thị Thu Phương, GV môn Sinh - Hóa Trường THCS Liên Hương nhớ lại.

Thầy Bùi Thúc Huynh - đồng nghiệp của cô Phương còn “bi đát” hơn khi mùa mưa bão năm nay mới chỉ trong giai đoạn “khởi đầu” mà cả gia đình đã phải lên kế hoạch… sơ tán! Sau bão số 10, trên bức tường nhà thầy đã xuất hiện những vết nứt dài, rộng tới 2 cm. Khu nhà nội trú cho những người “gieo chữ” huyện Vũ Quang thường nằm khiêm nhường sau khuôn viên trường. Những ngôi nhà này đều có “tuổi đời” không dưới 20 năm! Những đồ vật, dây dợ chằng néo khắp nơi chưa kịp tháo dỡ sau cơn bão như chiếc “biển báo” một công trình đã xuống cấp trầm trọng.

Trường THCS Bồng Lĩnh chỉ có 9 phòng nội trú cho 9 GV trên tổng số 65 CBCNV trong trường. Trường THCS Liên Hương với 2 khu nội trú dành cho gia đình và người độc thân với 12 phòng cũng không đủ đáp ứng cho 41 cán bộ giảng dạy. Tương tự, Trường Tiểu học Đức Liên có 5 phòng nhưng các phòng này cũng đã “cao tuổi”. Các trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện hiện có 65 gia đình GV đang sinh sống trong những căn phòng ẩm thấp và dột nát. Đặc biệt là đa số các khu nội trú đều không có nhà vệ sinh.

Vì không có phòng nghỉ ở trường thì việc các thầy cô hàng ngày vượt quãng đường 20 - 30 km đi dạy là “chuyện thường ngày ở huyện”. Điều đáng nói, mục tiêu đặt ra cho Trường THCS Bồng Lĩnh là đến năm học 2014 – 2015 phải đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, “cấp bách nhất là đưa khu nội trú ra khỏi khuôn viên. Nhưng do thiếu kinh phí nên không thể thực hiện dù xã Đức Lĩnh đã đồng ý cấp đất để xây” - thầy Trần Quang Thiều, Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Bồng Lĩnh ngậm ngùi cho biết.

Không dừng lại ở đó, ngay cả các phòng học bán trú cho HS tại các địa bàn bị chia cắt trong mùa lũ cũng đang là nỗi lo. Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đức Liên - Phan Hải Liêm nói rằng: “Những năm trước, HS tiểu học 2 xóm: Liên Hòa, Bình Châu bên kia sông còn có đủ chỉ tiêu để mở lớp, nhưng năm nay, do ít HS nên phải nhập lớp bên này. Bởi vậy, mùa mưa đến trường hay ở nhà phụ thuộc vào mực nước sông Ngàn Sâu cao hay thấp”.

Niềm hy vọng được thắp lên khi ngày 1/2/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/QĐ - TTg về đầu tư kinh phí kiên cố hóa trường lớp và xây nhà công vụ cho GV ở các xã vùng sâu, vùng xa. Nhưng rồi, cho đến nay mọi việc vẫn “án binh bất động” khi không tìm ra nguồn kinh phí để thực hiện.

Để xây dựng trường học đòi hỏi phải đầu tư hàng tỷ đồng và theo lời thầy Nguyễn Thái Hòa - Trưởng phòng Giáo dục huyện Vũ Quang: “Số tiền đóng góp hàng năm của phụ huynh chỉ hơn 40 triệu đồng”. Những năm qua, nhiều “mạnh thường quân” như Công ty Cơ khí Vũng Tàu hỗ trợ xây nhà 2 tầng với 8 phòng học cho Trường Tiểu học Đức Giang với số tiền hơn 3 tỷ đồng; Ngân hàng ACB đầu tư cho Trường Mầm non Đức Lĩnh nhà 2 tầng với 6 phòng học…. Tuy nhiên, nguồn hỗ trợ này vẫn như “muối bỏ bể” so với thực trạng hiện nay ở Vũ Quang.

“Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai”. Biết vậy, nhưng nguồn kinh phí hạn hẹp của các địa phương chỉ đủ góp thêm vào việc mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy và nâng cấp, sửa chữa phòng học. Với điều kiện sống và sinh hoạt như vậy, liệu các GV có thể hoàn toàn chú tâm trong việc nâng cao trình độ để phục vụ cho công tác “trồng người”?

Căn phòng mơ ước của những người “gieo chữ” trên vùng cao đến bao giờ mới trở thành hiện thực, khi hiện tại mọi thứ vẫn đang… lực bất tòng tâm?!

Ông Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở GD- ĐT: Đến nay, nhu cầu nhà ở của GV, đặc biệt ở những huyện miền núi hết sức nan giải. Sau 4 năm thực hiện Quyết định số 20/QĐ-TTg về đầu tư kinh phí kiên cố hóa trường lớp học và xây nhà công vụ cho GV ở các xã vùng sâu, vùng xa, toàn tỉnh chỉ xây mới được 223 phòng nội trú cho cán bộ giảng dạy. Đây là một con số ít ỏi, chỉ chiếm 13% nhu cầu về nhà ở nội trú cho các thầy, cô giáo.

Ngoài việc tiếp tục kiến nghị các cấp cho thực hiện nguồn trái phiếu chính phủ, Công đoàn ngành cũng vận động nhiều nhà tài trợ và các địa phương vào cuộc. Nhưng đến nay, do nguồn ngân sách địa phương eo hẹp nên hiệu quả đạt được chẳng đáng là bao…

Ông Bùi Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang: Nguồn kinh phí thực hiện theo Quyết định số 20 chủ yếu là kiên cố hóa trường học, còn vấn đề nhà nội trú cho GV không thể thực hiện do thiếu hụt nguồn ngân sách. Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 11 về “ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội” được ban hành, các hạng mục đầu tư đã bị cắt giảm hoặc đình hoãn. Không riêng nhà nội trú mà thậm chí một số hạng mục khác để xây trường cũng không thể triển khai. Hiện tại, 3/6 trường THCS trong toàn huyện đã đạt chuẩn quốc gia, mục tiêu năm nay phấn đấu thêm 2 trường nữa nhưng rất khó thực hiện. Hầu hết các khu nội trú cho GV trên địa bàn được xây dựng cách đây gần 20 năm, lại không được sửa chữa nên xuống cấp là điều dễ hiểu…

Thầy Kiều Đình Đào - GV Trường THCS Bồng Lĩnh: Ngày nào cũng vậy, tôi rời khỏi nhà từ sáng sớm, lúc trở về thì trời đã tối mịt. Sau thời gian vất vả với những bài dạy, tôi lại phải “đánh vật” với quãng đường 50 cây số từ nhà đến trường và ngược lại. Mùa nắng còn đỡ, ngại nhất là vào mùa mưa, đi lại trắc trở, nếu xảy ra sự cố ngoài ý muốn, điều băn khoăn nhất của tôi là đến muộn hoặc không đến được sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của học sinh. Vài năm nữa, không biết tôi còn đủ sức mà đi hay không?

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast