Vào đại học không phải là con đường duy nhất

Nắng tháng 5 đã bắt đầu thắp lửa trong trái tim mỗi cô cậu học trò lớp 12 trước bước ngoặt lớn của cuộc đời. Một mùa thi đã đến gần, ngoài việc gấp rút chuẩn bị cho mình hành trang kiến thức vững chắc các em còn được nhà trường, các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm đến công tác tư vấn, hướng nghiệp để mỗi học sinh đều có sự lựa chọn một hướng đi đúng đắn, phù hợp với năng lực học tập và sở trường của mỗi người.

Còn nhớ những mùa thi trước, với hầu hết các em học sinh, việc thi vào một trường đại học nào đó thực sự là một vấn đề tất yếu sau kỳ thi tốt nghiệp. Và việc nộp hồ sơ thi vào vài ba trường đại học với một số học sinh có năng lực trung bình, thậm chí yếu, kém dường như chỉ để giải quyết “khâu oai”. Đó chính là lý do số lượng hồ sơ ảo gia tăng, gây tốn kém cho gia đình và xã hội, gia tăng áp lực thi cử đối với học sinh.

Việc lựa chọn các trường dạy nghề đang là xu thế chung của những học sinh có học lực trung bình

Việc lựa chọn các trường dạy nghề đang là xu thế chung của những học sinh có học lực trung bình

Với một số gia đình khá giả vấn đề đưa kinh phí để đưa con đi thi đại học đồng thời cũng là dịp để các em được mở mang tầm mắt trước những địa danh mới chỉ là thứ yếu. Nhưng đối với hầu hết các bậc phụ huynh học sinh vùng nông thôn việc đưa con đi thi đại học thực sự là một sự kiện lớn lao. Để có dăm ba triệu dắt lưng đưa con ra thành phố lớn, lo cho con bữa ăn, giấc ngủ để có sức làm bài thi nhiều bậc phụ huynh chỉ biết nhìn vào lứa lợn, đàn gà, hạt lúa, thậm chí bán cả trâu bò hay tất bật ngược xuôi vay mượn để đầu tư cho con. Thế nhưng, đáp lại sự kỳ vọng, hy sinh của mẹ cha, nhiều quý tử chỉ xem chuyện đi thi là một chuyến du lịch để đổi gió và vào phòng thi chỉ để ngủ.

Để hạn chế tình trạng này, thời gian qua, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng nghiệp trước mùa thi qua nhiều kênh tư vấn cho học sinh và các bậc phụ huynh đã được Sở GD-ĐT, các nhà trường và các trường chuyên nghiệp đặc biệt quan tâm. Mưa dầm thấm lâu, những nỗ lực ấy đã thực sự tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong suy nghĩ của các em học sinh và cả những người làm cha, làm mẹ. Giảng đường đại học đã không là con đường duy nhất để các em lập thân, lập nghiệp. Việc lựa chọn cho mình một trường cao đẳng hay trung cấp nghề phù hợp với năng lực, sở trường của mình đã thực sự trở thành mối quan tâm của hầu hết học sinh có học lực trung bình. Hiệu quả của công tác phân luồng được nâng lên rõ rệt.

Theo số liệu báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, so với năm 2010, số học sinh đăng ký dự thi đại học, cao đẳng năm 2011 giảm hơn 5.000 lượt. Số học sinh đăng ký xét tuyển TCCN tăng 634 em, dự kiến mùa thi này số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng sẽ tiếp tục có chiều hướng giảm hơn so với trước.

Em Nguyễn Văn Việt - Trường THPT Lý Tự Trọng cho biết: “Năng lực học tập của em có hạn nên sau khi thi tốt nghiệp em sẽ đăng ký xét tuyển vào học ở trường cao đẳng nghề Việt Đức. Bởi theo lời giới thiệu của các anh chị đi trước, sau khi tốt nghiệp ở đây thông qua trung tâm tư vấn giới thiệu việc làm của nhà trường hầu hết các HS-SV đều được giới thiệu đi làm việc tại các tập đoàn kinh tế, các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Như thế em sẽ sớm có cuộc sống tự lập từ thu nhập của chính bản thân đồng thời cũng giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ”.

Tương tự, em Lê Thị Mai ở trường THPT Mai Thúc Loan cũng đã định hướng cho mình bước đường tương lai bằng con đường nam tiến. Em chia sẻ: “ Học lực hạn chế, gia đình lại khó khăn nên em sẽ không thi vào trường nào cả. Sau khi tốt nghiệp em sẽ vào Thành phố Hồ Chí Minh để học nghề may rồi xin việc làm ở xưởng may gia công của tư nhân hoặc vào khu công nghiệp. Em cũng đã nhờ người quen cùng xóm tham khảo và biết rằng thu nhập từ nghề may ở trong ấy cũng tương đối cao, có thể đảm bảo được cuộc sống cho mình”.

Cùng với sự chuyển biến trong nhận thức của học sinh, các bậc cha mẹ ở những vùng nông thôn cũng đã bắt đầu có sự định hướng cho con em trong bước đường lập thân lập nghiệp. Chị Lê Thị Thảo - Một phụ huynh học sinh ở Lộc Hà cho biết: “Học lực của cháu nhà tôi cũng khá nhưng tôi cũng đã định hướng cho cháu thi vào một trường cao đẳng kinh tế ở miền nam. Lúc đầu nó cũng không hài lòng lắm bởi ước mơ của cháu là được vào giảng đường của một trường đại học ở Hà Nội. Thế nhưng ngoài việc khuyên nhủ con phải lựa chọn trường phù hợp với năng lực học tập, vói hoàn cảnh kinh tế gia đình, tôi còn nhờ sự tư vấn của những người bà con đang sinh sống tại miền nam để tác động đến suy nghĩ của cháu. Bởi thực tế việc chu cấp cho con học đại học, tạo dựng việc làm sau khi ra trường cho con với gia đình nông nghiệp như chúng tôi là điều vượt quá khả năng. Hơn nữa tôi nghĩ rằng, đầu ra cho một kế toán tại vùng đất có nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp tư nhân, nhà nước chắc không phải là vấn đề khó”.

Việc đăng ký hồ sơ thi tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Tĩnh đã và đang đi đến giai đoạn hoàn tất. Sự chuyển biến trong suy nghĩ, nhận thức về vấn đề hướng nghiệp của học sinh và các bậc phụ huynh trước một mùa thi mới đã thực sự tạo nên những dấu hiệu khả quan trong việc góp phần giảm áp lực tâm lý, giảm số lượng hồ sơ ảo, chi phí... cho người dân trên địa bàn tỉnh nghèo. Đó còn là tín hiệu vui trong việc khắc phục tình trạng "thừa thầy thiếu thợ", góp phần đáp ứng nguồn nhân lực chất luợng cao cho các khu kinh tế lớn của Hà Tĩnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast