Vì sao Hà Tĩnh dẫn đầu phong trào giải Toán và Tiếng Anh qua mạng

Một điều khá thú vị là Hà Tĩnh trong điều kiện một tỉnh nghèo, không phải là một tỉnh phát triển mạnh về CNTT nhưng cả hai phong trào giải Toán và Tiếng Anh qua mạng Internet ở giai đoạn tự luyện đều dẫn đầu Quốc gia. Đi sâu vào tìm hiểu, điều lí giải không có gì đáng ngạc nhiên khi nhà trường và gia đình đồng sức đồng lòng tiếp bước cùng học sinh.

Những con số ấn tượng.

Theo thống kê của Ban tổ chức hai cuộc thi lí thú, bổ ích và hấp dẫn này, đến tại thời điểm 6h ngày 22/12/2011. Hà Tĩnh là địa phương dẫn đầu, thậm chí vượt xa những đơn vị kế tiếp.

Về giải Toán trên VIOLYMPIC.VN, Hà Tĩnh có 43,73% số học sinh toàn tỉnh tham gia giải; tiếp đó là các tỉnh Thái Bình (30,85%) Nghệ An ( 29,19%), Bắc Ninh ( 26,31%)…. Về tiểu học, toàn tỉnh có 79 639 lượt em học sinh tham gia còn THCS là 21 222 lượt. Tiêu biểu cho phong trào này ở bậc tiểu học của Hà Tĩnh là các huyện Can Lộc: 10.579 lượt; Tp. Hà Tĩnh: 9.197; Cẩm Xuyên: 9.973; Đức Thọ: 8.438; Thạch Hà: 8.384. Những huyện miền núi khó khăn như Vũ Quang cũng có: 3647 lượt em còn Hương Khê: 1450 lượt.

Cô Nguyễn Thị Hiền- GV trường TH Bắc Sơn hướng dẫn HS giải toán qua mạng
Cô Nguyễn Thị Hiền- GV trường TH Bắc Sơn hướng dẫn HS giải toán qua mạng

Bậc THCS cũng rất ấn tượng với số lượng lượt học sinh tham gia giải. Tốp đầu là: Thạch Hà: 2945; Can Lộc: 2396; Đức Thọ: 2265; đặc biệt huyện miền núi Hương Sơn có đến 2.437 lượt học sinh thường xuyên tham gia. Một số huyện khó khăn vẫn là Vũ Quang: 976, Hương Khê: 369 lượt.

Trong phong trào giải Toán có nhiều học sinh xuất sắc đứng TOPTEN toàn quốc. Tiêu biểu là các em Thân Văn Dũng lớp 4A trường tiểu học Đồng Lộc ( Can Lộc) cả 10 nick đều nằm ở tốp dẫn đầu; em Thân Văn Mạnh lớp 2A trường TH Đồng Lộc đã dẫn đầu danh sách từ đầu phần thi tự luyện. Dũng và Mạnh là anh em ruột. Khối 5 có em Nguyễn Vũ Quang, Trần Hoàng Kim lớp 5D trường tiểu học Nguyễn Du – TP. HT. Bậc THCS, em Nguyễn Thị Mỹ Linh lớp 7A trường THCS Phan Huy Chú ( Thạch Hà), Nguyễn Đức Mạnh (8A) trường THCS Thạch Hội ( Thạch Hà) là những học sinh tiêu biểu trong hàng triệu học sinh cả nước trên diễn đàn này.

Giải Tiếng Anh qua mạng “sinh sau đẻ muộn” nhưng cũng đã có những bứt phá rất ngoạn mục. Từ ngày có cuộc thi ý nghĩa này, học sinh TH, THCS và THPT của Hà Tĩnh cũng hăng hái tham gia không kém cuộc thi giải Toán. Dẫn đầu toàn quốc với 24,13% tổng số học sinh tham gia, tiếp đó là các tỉnh Quảng Trị (23,86%), Nghệ An (23,23%), Thừa Thiên Huế (22,58%)… Khác với giải Toán chỉ có bậc TH và THCS được thử sức thì Tiếng Anh là sân chơi của đầy đủ các bậc học phổ thông. Con số: bậc tiểu học: 31.898, THCS: 30.955, THPT: 1123 đã nói lên nhiều niềm yêu thích học Tiếng Anh của học sinh của một tỉnh nghèo. Tiêu biểu cho bậc tiểu học là TP. Hà Tĩnh: 6080; Can Lộc: 4611; Cẩm Xuyên: 3303; Lộc Hà: 3187; Hương Sơn: 2229. Khó khăn và xa xôi như Vũ Quang vẫn có 430 em; Hương Khê 252 em tham gia giải. Bậc THCS nơi đây cũng thật sôi nổi với phong trào, dẫn đầu là Tp Hà Tĩnh với 4253 lượt học sinh, Cẩm Xuyên 4237, Đức Thọ 3710 và Hương Sơn 3156 em.

Qua thống kê, chúng tôi còn băn khoăn về sự vào cuộc của các trường THPT, các trường dân lập, tư thục. Trong 50 trường THPT thì trường có nhiều lượt học sinh giải nhất là THPT Nguyễn Du ( Nghi Xuân) cũng mới 123 em giải. . Trên thực tế, số lượng học sinh đã từng và thường xuyên truy cập Internet ở gia đình hoặc quán NET lại là học sinh của bậc học này. Trong thời gian tới, ngành GD Hà Tĩnh nên và chắc chắn sẽ có sự thúc đẩy để các trường bậc học này thực hiện phong trào sôi nổi hơn.

Nhà trường và gia đình cùng đồng hành

Để có được phong trào nổi bật như vậy, qua tìm hiểu, chúng tôi ngộ ra nhiều điều và thật sự cảm động trước sự hưởng ứng nhiệt tình của học sinh mà cơ sở vững chắc để các em tham gia là các nhà trường và chính phụ huynh. Chúng tôi đã có dịp về huyện Can Lộc, một trong những địa phương thực hiện tốt phong trào này tìm hiểu và thật sự nơi đây đã có nhiều cách làm sáng tạo.

HS Tiểu học Bắc Sơn say mê giải toán qua mạng
HS Tiểu học Bắc Sơn say mê giải toán qua mạng

Thầy Lâm Văn Nam – P.HT trường tiểu học Bắc Sơn – Sơn Lộc – Can Lộc – Hà Tĩnh cho biết: “ Sơn Lộc là xã miền núi còn nhiều khó khăn, cách đây 3 năm thì hầu hết phụ huynh chưa ai có máy vi tính, học sinh chưa một em nào biết cách cầm con chuột vi tính. Sau 3 năm, đã có 15 phụ huynh đầu tư mua máy nối mạng cho con giải. Cảm động là hơn nửa trong số đó phải đi vay thêm tiền ngân hàng để mua máy. Ở trường, cũng chỉ có 4 máy vi tính vừa phục vụ công tác quản lí, văn phòng nên phải tận dụng tối đa thời gian cho học sinh giải. Đêm đêm, phụ huynh chở con đến trường để các thầy cô giáo nội trú kèm cặp hướng dẫn thêm. Sau giờ học, thay vì các em lăn lóc với các trò chơi đánh bi đánh đáo thì các em nô nức đến phòng hiệu phó, phòng hành chính giải. Với 225 học sinh mà có đến 275 lượt em thường xuyên giải Toán và 87 em giải Tiếng Anh”.

Cô Đặng Thị Loan – HT trường tiểu học Mĩ Lộc 2 – một đơn vị khó khăn nhất nhì huyện lại có cách làm khác: “ Năm trước, nhà trường chưa có mạng hữu tuyến, sóng 3G không phủ sóng, hàng đêm trong tuần, giáo viên phải lên kế hoạch để chở học sinh về nhà giải. Tiêu biểu là thầy P.HT Nguyễn Duy Tuân, thầy Nguyễn Duy Lưu, cô Nguyễn Thị Quỳnh…Thứ 7, chủ nhật, hàng chục phụ huynh cùng giáo viên chủ nhiệm chở học sinh vượt gần 15 km về thị trấn Nghèn để giải cả ngày. Nhà trường chi trả tiền mạng, xăng xe cho giáo viên còn phụ huynh chịu tiền ăn. Năm nay, trường nối được mạng, sóng Viettel cũng đã vươn tới, nhà trường mua thêm 3 máy nên chúng tôi đã khai thác triệt để tối đa công suất của các máy và quỹ thời gian cho học sinh giải. Năm học 2009 - 2010, trường đứng thứ 2 toàn huyện, đặc biệt có em Lê Đình Khiêm đạt huy chương đồng Toàn quốc. Đến tại thời điểm này, trường chúng tôi có 589 lượt em giải trong khi trường chỉ có 330 em”.

Anh Thân Văn Sơn – Xóm 4 xã Sơn Lộc phụ huynh của em Thân Thị Minh Ngọc học sinh lớp 5A trường tiểu học Bắc Sơn ( Sơn Lộc) cho biết: “ Thấy con đam mê giải, mặt khác thấy nhà trường và các thầy cô quá vất vả nên tôi bàn với vợ vay ngân hàng 8 triệu đồng mua máy tính và mua Dcom Viettel 3G cho con giải. Năm ngoái cháu Ngọc đạt giải Nhì cấp huyện môn Tiếng Anh và giải Ba cấp huyện môn Toán qua mạng. Tôi nghĩ đồng tiền bỏ ra rất hiệu quả”.

Anh Đặng Bá Hùng ( Xóm 4 – Sơn Lộc) xúc động nói: “ Tôi bị bệnh tim một năm nằm viện hơn 3 tháng, thấy hai đứa con rất đam mê học qua mạng nên phải bán 3 tạ thóc, vay thêm mua máy cho con học. Năm vừa rồi cả 2 cháu đều đạt giải Nhì học sinh giỏi huyện môn Toán qua mạng”.

Cô giáo Nguyễn Thị Hà – GV trường tiểu học Quang Lộc tâm sự: “ Nhà em có máy nối mạng, không những tạo điều kiện tối đa cho học sinh đến nhà giải ban đêm, ngày nghỉ mà còn tạo điều kiện cho học sinh một số bạn đồng nghiệp đến giải”.

Cô Nguyễn Thị Thủy – P.HT trường Đồng Lộc vui mừng kể: “ Trường chúng em thuận lợi hơn các trường khác nhờ điểm Bưu điện văn hóa xã được dự án đầu tư phòng máy tốc độ cao, mạng ổn định nên nhà trường đã khai thác tối đa cho các em giải. Năm học 2010 – 2011, trường TH Đồng Lộc đứng tốp đầu toàn huyện. Em Phan Thị Mỹ Long đạt giải Nhì cấp tỉnh”.

Chắc chắn trong sự khó khăn của các huyện khác, nhất là những vùng núi xa xôi, hẻo lánh như huyện Vũ Quang, Hương Khê để tổ chức cho các em tham gia giải cũng gặp những khó khăn tương tự. Sự vào cuộc tích cực và sự phối hợp có hiệu quả giữa nhà trường và gia đình cũng sẽ có nhiều cách làm sáng tạo như Can Lộc. Điều đó chứng tỏ rằng việc Hà Tĩnh đang dẫn đầu các vòng tự luyện của hai cuộc thi do Bộ GD – ĐT tổ chức là một điều không phải dĩ nhiên mà có.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast