Xem học sinh là “đối tác” trong các hoạt động giáo dục

(Baohatinh.vn) - Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền (SN 1981) - Phụ trách khoa Điều dưỡng - Phục hồi chức năng - Chăm sóc sắc đẹp, Trường Cao đẳng Y Hà Tĩnh luôn biết cách thu hút học sinh bằng phương pháp dạy nghề sáng tạo.

Xem học sinh là “đối tác” trong các hoạt động giáo dục

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền

Tốt nghiệp Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, năm 2003, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền về công tác tại Trường Cao đẳng Y Hà Tĩnh (lúc đó là Trường Trung cấp Y Hà Tĩnh). Cô Huyền thường bày tỏ: “Chúng ta đừng quan niệm rằng học sinh, sinh viên chỉ là một người học mà phải xem các em là một “đối tác” trong các hoạt động giáo dục”.

Từ đó, để truyền đạt kiến thức đến học sinh một cách hiệu quả nhất, cô đã dày công tự tìm tòi phương pháp giảng dạy phù hợp; luôn coi học sinh là trung tâm, mục tiêu là sau mỗi bài giảng, học sinh sẽ nắm được cơ bản những kiến thức cô muốn truyền tải và áp dụng vào công việc sau này.

Với chuyên ngành đặc thù này, ngoài kiến thức chuyên môn, còn đòi hỏi rất nhiều kỹ năng khác để trở thành một điều dưỡng chuyên nghiệp. Vậy nên, với cô Huyền, những gì học ở trường là kiến thức chuẩn, khâu tiếp xúc chăm sóc bệnh nhân rất quan trọng. Y học luôn thay đổi nên giáo viên giảng dạy bộ môn này cũng phải thường xuyên cập nhật các phương pháp chăm sóc bệnh nhân mới để truyền đạt kịp thời cho học sinh.

Xem học sinh là “đối tác” trong các hoạt động giáo dục

Phương pháp dạy “cầm tay chỉ việc” của cô Huyền giúp học sinh tiếp thu bài nhanh và hiệu quả hơn.

“Với thời đại công nghệ 4.0 hiện nay thì bài giảng cần phải đáp ứng gần gũi với thực tiễn; xây dựng giáo án điện tử phải đẹp mắt, logic; có mô hình thực tế để thực hành và ứng dụng kết hợp với phương pháp giảng dạy dễ hiểu mới thu hút được học sinh”, cô Huyền chia sẻ.

Em Lê Thị Hiền, sinh viên năm thứ 3 ngành điều dưỡng, Trường Cao đẳng Y Hà Tĩnh cho biết: “Ngoài hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng chăm sóc bệnh nhân một cách tốt nhất, cô Huyền còn dạy cho chúng em tấm lòng biết thông cảm, chia sẻ nỗi đau của người bệnh nên giờ học của cô rất thú vị”.

Cũng chính từ quan niệm ấy mà trong công việc, cô luôn nghiêm khắc với chính mình, là người tỉ mỉ, cẩn thận trong từng việc làm, từng chi tiết. Luôn có ý thức thường xuyên trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, đồng nghiệp, cô Huyền đã tích cực tham gia các cuộc thi, hội giảng và lần nào tham gia cũng đạt giải.

Xem học sinh là “đối tác” trong các hoạt động giáo dục

Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền: “Chúng ta đừng quan niệm rằng học sinh, sinh viên chỉ là một người học mà phải xem các em là một “đối tác” trong các hoạt động giáo dục”.

Không những thế, từ kinh nghiệm 18 năm công tác trong nghề, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền thường xuyên tham gia nghiên cứu khoa học. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của cô được đánh giá cao và đưa vào giảng dạy trong trường mang lại hiệu quả cao như: “Đánh giá chất lượng cuộc sống của người bệnh trước và sau mổ tăng sinh tiền liệt tuyến” và “Đánh giá chất lượng giấc ngủ của người bệnh sau mổ hệ tiết niệu tại Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh”…

Xem học sinh là “đối tác” trong các hoạt động giáo dục

Cô Huyền tham gia trình giảng bài giảng “Kỹ thuật tiêm bắp sâu” tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021 qua hình thức trực tuyến.

Cô Huyền chia sẻ: “Qua những lần tham gia hội giảng, tôi cập nhật thêm nhiều kinh nghiệm mới về phương pháp giảng dạy. Điển hình là phương pháp giảng bài tích hợp mới được đưa vào áp dụng gần đây, chúng tôi cần học hỏi nhiều hơn để áp dụng cho thật tốt.

Sau mỗi lần thi, phần thi, ban giám khảo đã góp ý cho tôi khá nhiều về mục tiêu bài giảng, cách gợi mở thêm kiến thức cho học sinh, ôn lại kiến thức cũ, đánh giá mức độ hiểu bài của học sinh" ...

Xem học sinh là “đối tác” trong các hoạt động giáo dục

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền và lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH trao giải nhất cho cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền (thứ 3 từ trái sang) tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn tỉnh năm 2021. Ảnh tư liệu

Tham gia Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021 vừa diễn ra, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền thực hiện bài giảng “Kỹ thuật tiêm bắp sâu”. Đây là lần thứ 7, cô Huyền tham gia hội giảng giáo viên giỏi và là lần đầu tiên dự thi hội giảng cấp toàn quốc do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.

Nhờ có trình độ chuyên môn và kỹ năng sư phạm vững vàng khi thể hiện, bài giảng “Kỹ thuật tiêm bắp sâu” của cô Nguyễn Thị Thanh Huyền được hội đồng chuyên môn đánh giá cao, đạt số điểm 94,7 điểm và “ẵm” giải nhì tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp năm 2021.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast