Xét tuyển đại học: Thí sinh ảo “đánh lừa” thí sinh thật!

Việc đăng ký 4 nguyện vọng khiến tỷ lệ thí sinh ảo tăng cao, gây rắc rối cho thí sinh trong quá trình kiểm tra thứ hạng trong xét tuyển đại học.

Trong năm đầu tiên triển khai kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia, với mong muốn tạo thêm nhiều cơ hội trúng tuyển đại học, cao đẳng cho các thí sinh, Cục Khảo thí, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã cho phép một thí sinh được đăng ký cùng lúc 4 ngành tại một trường trong 1 nguyện vọng.

Tuy nhiên, việc làm này đang dẫn đến không ít rắc rối cho thí sinh trong quá trình kiểm tra thứ hạng do không thể lọc được lượng thí sinh ảo.

Xét tuyển đại học: Thí sinh ảo “đánh lừa” thí sinh thật! ảnh 1
Thí sinh rút hồ sơ tại ĐH Bách khoa Hà Nội

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, việc cho thí sinh năm nay đăng ký cùng lúc 4 ngành tại một trường là sai lầm của Cục Khảo thí, bởi khi phần mềm xét tuyển chưa đủ thông minh để nhận định thứ tự ưu tiên, tỷ lệ thí sinh ảo tăng cao là điều khó tránh khỏi.

Ông Đỗ Văn Dũng nói: “Cứ nghĩ làm vậy sẽ thuận lợi cho các thí sinh, không ngờ lại tạo ra danh sách ảo. Quy trình xét tuyển của Bộ Giáo dục – Đào tạo mặc dù cho 4 nguyện vọng ưu tiên 1, 2, 3, 4 nhưng khi chạy chương trình thì máy đánh giá các ưu tiên đều như nhau. Việc này dẫn đến hệ quả rất lớn. Đó là các em thích học ngành này sẽ bị bắt học ngành kia”.

Việc không được học đúng ngành nghề mình yêu thích là nỗi lo lớn nhất của các thí sinh trong giai đoạn nước rút của đợt xét tuyển nguyện vọng 1. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng rút, nộp hồ sơ ồ ạt tại nhiều trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh mấy ngày gần đây.

Thi được 23,5 điểm, thí sinh Trần Thị Bích Huyền đăng ký đủ 4 ngành tại Trường Đại học Sài Gòn, trong đó Sư phạm Anh là ưu tiên 1. Thế nhưng, sau một thời gian theo dõi thấy mình không nằm trong tốp thí sinh an toàn của ngành này, Huyền quyết định rút hồ sơ để nộp vào trường khác mặc dù khả năng trúng tuyển 3 ngành còn lại khá cao.

Trần Thị Bích Huyền chia sẻ: “Việc có thể rút hồ sơ và một lần đăng ký nguyện vọng có thể đăng ký 4 ngành cũng có lợi, nhưng làm như vậy lỡ có bạn ở trường cao hơn khi thấy tình hình không ổn lại chuyển qua trường này, thì những người yêu thích những ngành của trường này lại bị đẩy ra ngành khác. Cuối cùng sẽ không có ai được học đúng ngành mà mình yêu thích”.

Nhận thấy những rắc rối có thể gặp phải trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1 của kỳ thi “2 chung”, thí sinh Phan Thị Minh Thư ở huyện Bình Chánh (TP HCM) quyết định chỉ đăng ký duy nhất một ngành là Ngôn ngữ Anh của Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.

Thư cho biết, nếu nằm ngoài số chỉ tiêu trường cần, em chấp nhận chuyển sang trường đại học có điểm xét tuyển dự kiến thấp hơn, chứ không muốn phải vào một ngành không phù hợp.

Thí sinh Phan Thị Minh Thư nói: “Ngoài vấn đề thí sinh ảo và có thể học không đúng ngành ra, em thấy căng thẳng hơn. Lúc trước mỗi bạn chỉ cần tập trung vào một ngành, thì lúc theo dõi các bạn cũng chỉ cần theo dõi điểm chuẩn của một ngành ở một trường. Còn bây giờ, ai cũng phải tính toán hết 4 ngành xem cơ hội mình đậu vào trường đã chọn nhiều hay ít để quyết định rút, nộp hồ sơ”.

Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, nếu năm nay, Bộ Giáo dục – Đào tạo vẫn hạn chế mỗi thí sinh chỉ được phép chọn một ngành cho mỗi đợt xét tuyển thì sẽ không gây ra tình trạng rối loạn như hiện nay.

Với tình hình này, sẽ có nhiều thí sinh phải học trái ngành hoặc “mất trắng” nguyện vọng 1 do không xác định được vị trí của mình./.

Theo Mỹ Dung/VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast