Hối hận vì kết hôn muộn

Năm 31 tuổi Thanh Mai giật mình nhận ra mình đã “già”, vội vã tìm bạn đời, mở lòng với cả những người trước đây không ưa nhưng vẫn không thể tìm được người phù hợp.

9 năm trước, chị chia tay mối tình đầu sau 5 năm yêu nên sợ yêu, sợ đổ vỡ chỉ chú tâm vào công việc, bỏ qua mọi cơ hội yêu đương.

“Bước sang tuổi 30, tôi thấy sức khỏe yếu đi rất nhiều”, chị Mai, hiện 37 tuổi, làm việc ở Hà Nội, thừa nhận. Mỗi năm qua đi, chị thêm sốt ruột. Là người có chuyên môn trong lĩnh vực xã hội học, chị biết khoảng 20-35 tuổi là thời điểm thích hợp nhất để sinh con.

Thanh Mai mở lòng hơn với những người theo đuổi mình trước đây. Có điều chị nhận ra những người tương xứng về tuổi tác thường “như thế nào đó” hoặc giờ chỉ còn người từng đổ vỡ.

“Càng trưởng thành mình càng dễ nhìn thấu đối phương. Thấy ai cũng có vấn đề, người không có vấn đề thì không thể làm chỗ dựa. Người thấy ổn thì lại có gia đình rồi”, người phụ nữ 37 tuổi nói.

Hối hận vì kết hôn muộn

Chị Thanh Mai từng sống những ngày trống rỗng, cô đơn vì ngoài 30 vẫn chưa tìm được đối tác phù hợp để kết hôn. Ảnh nhân vật cung cấp

Khi Đức Anh (40 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh) đang bế con trong bệnh viện thì nhận được điện thoại bạn báo tin con đậu đại học. “Bạn bè sắp được nghỉ ngơi tôi mới bắt đầu hôn nhân”, người đàn ông làm trong lĩnh vực ngân hàng nói.

Anh cưới ở tuổi 37, vợ kém anh 2 tuổi. Tránh cảnh cha mẹ già, con mọn, vợ chồng anh sinh hai con trong ba năm. Nhưng hai đứa trẻ thường xuyên ốm. Vợ sinh xong đứa thứ hai cũng xuống sức hẳn. Nhiều lúc anh phải nghỉ làm để chăm cả nhà trong khi mình cũng chẳng khỏe gì. “Đáng lẽ tôi nên nghĩ đến hôn nhân sớm hơn”, Đức Anh nói.

Những người kết hôn muộn như Đức Anh và Thanh Mai thời nay không hiếm. Điều tra dân số của Tổng cục Thống kê cho thấy độ tuổi kết hôn trung bình người Việt tăng liên tục trong những thập kỷ qua. Trung bình, nam giới Việt kết hôn ở tuổi 27,9 vào năm 2020, từ mốc 24,4 tuổi năm 1989. Cá biệt, một số thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, độ tuổi kết hôn trung bình của nam giới đã xấp xỉ 30.

Có kế hoạch kết hôn muộn, không lựa chọn được đối tác phù hợp được cho là một phần nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ người Việt độc thân gia tăng từ 6,2% năm 2004 lên 10,1% vào năm 2019.

Nguyên nhân chủ yếu của xu hướng kết hôn trễ ở người trẻ thành thị là do mức sinh hoạt phí cao cùng áp lực tại những thành phố lớn.

Anh Đức Anh sinh ra trong gia đình bốn anh chị em. Bố mất sớm, anh lao vào công việc, quên cả thanh xuân cùng mẹ lo cho các em ăn học. “Khi các em có gia đình, tôi thấy vững vàng kinh tế mới dám kết hôn. Tôi không muốn các con mình sống cảnh nghèo khổ của bố mẹ”, anh giải thích.

Tiến sĩ Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Gia đình (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho rằng kết hôn muộn đang là xu thế của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Lợi thế của người kết hôn muộn là đã chín chắn trong suy nghĩ, đầy đủ sự nghiệp, tài chính, hiểu biết và sẵn sàng cho lập gia đình, ít bị chi phối về điều kiện và môi trường sống. “Tuy nhiên, về mặt sinh học, ở giai đoạn sau 35 tuổi, con người dễ gặp trục trặc về sinh lý, tâm lý, đặc biệt là phụ nữ. Họ có thể khó sinh con hay sinh con khuyết tật”, bà nói.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm (TP Hồ Chí Minh) cho hay, theo tâm lý học phát triển, thời kỳ trưởng thành là từ 18-35 tuổi. Đặc điểm quan trọng nhất của thời kỳ này là yêu, thiết lập mối quan hệ thân mật với người khác giới và xây dựng sự nghiệp. Ngoài 30, dù sự nghiệp vững vàng mà không có tình yêu, con người dễ rơi vào trạng thái cô độc, trống rỗng và lo âu. Nhiều người không muốn phấn đấu bởi con cái là động lực kéo dài của mỗi người, là mục đích sống nối tiếp.

Thanh Mai thấm hơn ai hết cảm giác cô độc, trống rỗng trong những năm tháng một mình. Vốn là người hướng nội, thích chăm sóc gia đình, nhưng một mình ở phố, có những ngày chị tự vào bếp nấu một bữa thịnh soạn nhưng lại để đó. “Tôi thèm có người ăn cùng”, chị nói.

Là con út trong gia đình có bố ngoài 80 tuổi, luôn sốt ruột khi con gái chưa “yên bề gia thất”, chị mang cảm giác có lỗi. “Hồi còn trẻ, tôi nghĩ đến bản thân nhiều hơn, nhưng càng có tuổi lại hay đặt mình vào vị trí của bố mẹ tự thấy mình ích kỷ”, chị thừa nhận.

Không tiếc khi thanh xuân dành để trải nghiệm và ưu tiên sự nghiệp, nhưng chị Nguyễn Thị Hạnh (55 tuổi, ở Hà Nội) lại ân hận vì lấy chồng, sinh con muộn. Thành công trong sự nghiệp và lúc trẻ luôn có người theo đuổi vì xinh đẹp, Hạnh chưa từng nghĩ mình sẽ “ế” cho đến khi chị bước sang tuổi 40.

“Mẹ bảo tôi không lấy chồng thì mẹ chết không nhắm mắt”, chị kể. Thương mẹ và cũng đã ở tuổi bản năng làm mẹ, làm vợ trỗi dậy, chị hốt hoảng nhận ra quanh mình không còn ai phù hợp. Hạnh đồng ý đến với một người đàn ông từng một đời vợ, hơn 12 tuổi.

Nhưng vì cả hai cùng lớn tuổi, Hạnh ba lần mất con trong 5 năm đầu hôn nhân. Bác sĩ khuyên vợ chồng chị nên xin một đứa con nuôi. Khát con, họ vẫn đi tìm. Kỳ tích đến vào năm thứ 6 hôn nhân, họ sinh được con bằng thụ tinh ống nghiệm.

Giờ con trai đã bước sang tuổi thứ 9, bớt ốm vặt và biết giúp đỡ bố mẹ. Nhưng vợ chồng chị lại lo hơn khi con bước vào tuổi dậy thì, khoảng cách thế hệ quá lớn. Sắp nghỉ hưu, thay vì đi du lịch đây đó tận hưởng cuộc sống, vợ chồng chị lo đưa đón con mỗi ngày, đọc sách để nắm bắt tâm lý, hy vọng dạy dỗ con thành người.

Hối hận vì kết hôn muộn

Ảnh minh họa: Time.com

Anh Đức Anh ngoài lo nuôi dạy con, còn sợ cảnh mẹ già đau yếu. “Vừa con thơ vợ yếu, vừa mẹ già, tôi đôi lúc thấy mình kiệt sức”, anh nói.

Những “bánh mỳ kẹp” như anh Đức Anh chịu áp lực rất lớn, theo PGS Nguyễn Đức Lộc, viện Nghiên cứu Đời sống xã hội (Social Life). “Việc phải gồng lên làm trụ cột cho người khác trong khi bản thân cũng cần một chỗ dựa, khiến nhiều người khủng hoảng tinh thần”, ông từng nói.

Ngoài những điểm tích cực của việc kết hôn muộn, các chuyên gia xã hội học cho rằng xu hướng này lại góp phần làm tình trạng già hóa dân số thêm trầm trọng, gây áp lực lên hệ thống an sinh xã hội. Vì tuổi cao mới kết hôn, nhiều người ngại đẻ , sợ đẻ hoặc khó sinh con nên sinh ít đi. Dự báo sau năm 2035, cứ 4 người trong độ tuổi lao động phải gánh 3 người ngoài tuổi lao động.

Chuyên gia tâm lý, hôn nhân và gia đình Trần Kim Thành, tác giả sách 5 bước đơn giản để có mối quan hệ hoàn hảo , cho rằng những người đã lớn tuổi muốn kết hôn nhưng chưa tìm được đối tượng phù hợp nên hạ bớt tiêu chuẩn, hạ bớt cái tôi xuống và đặt tiêu chí có hiểu biết, có đạo đức lên hàng đầu.

“Đôi khi, chúng ta cũng cần mài giũa để mình phù hợp với đối phương, thay vì đòi hỏi họ đạt tiêu chuẩn mình đề ra”", bà nói.

Với những người như anh Đức Anh, muốn chuẩn bị tài chính, tâm lý đầy đủ mới kết hôn, bà Kim Thành cho rằng không ai đo được một cuộc hôn nhân hạnh phúc cần bao nhiêu tiền. “Nhiều người nhờ lập gia đình, sinh con lại có động lực để nâng cao thu nhập”", bà Kim Thành nói.

Ở tuổi 37, chị Thanh Mai đã tìm được một người đàn ông phù hợp ở hiện tại. Mai dự định dành ba năm tới ưu tiên sinh con, chăm sóc tổ ấm. “Người ta nói vợ chồng là duyên, nhưng duyên hay không vẫn là do mình”, chị nghiệm ra.

  • Tên nhân vật đã thay đổi.
Theo VNE

Đọc thêm

Tới thời Gen Z quản cha mẹ

Tới thời Gen Z quản cha mẹ

Những đứa con từng bị cha mẹ giám sát kỹ càng giờ đây đảo ngược vai trò. Nhiều người cảm thấy khó chịu, số khác thấy đây là cách để gắn kết gia đình.
Gen Z định nghĩa lại văn hóa rượu bia

Gen Z định nghĩa lại văn hóa rượu bia

Khi bắt đầu làm bartender 20 năm trước, Zhang Yuan thường thấy khách độ tuổi 30-40 uống rượu xã giao trong công việc, nhưng nay mọi chuyện đã thay đổi.
Bao nhiêu tuổi kết hôn là phù hợp?

Bao nhiêu tuổi kết hôn là phù hợp?

Kết hôn khi quá trẻ, cả hai người đều chưa chín chắn, trưởng thành có thể dẫn đến ly hôn, nhưng chờ đợi quá lâu cũng gây ra nhiều vấn đề.
6 yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ

6 yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ

Hệ vi khuẩn đường ruột thay đổi, ô nhiễm không khí, vi nhựa, béo phì, uống rượu và tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến có thể là yếu tố nguy cơ gây ung thư ở người trẻ.
8 lời khuyên ăn uống giúp sống thọ

8 lời khuyên ăn uống giúp sống thọ

Ăn đa dạng, phối hợp đạm động vật và thực vật, không ăn mặn, tiêu thụ rau quả hàng ngày, là những nguyên tắc được chuyên gia dinh dưỡng khuyên giúp sống thọ.
Người trẻ sợ nghe, gọi điện thoại

Người trẻ sợ nghe, gọi điện thoại

Khảo sát công ty tuyển dụng quốc tế Robert Walters (Mỹ) cho thấy 50% Gen Z và thế hệ Millennials không thoải mái nếu phải thực hiện cuộc gọi thoại trong công việc.
Vì sao ít người Nhật bị béo phì?

Vì sao ít người Nhật bị béo phì?

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành Nhật Bản thấp nhất trong số các quốc gia có thu nhập cao, ở mức 3,3%.
Bẫy tâm lý khi lệ thuộc Google

Bẫy tâm lý khi lệ thuộc Google

Chúng ta có thói quen tra cứu trên Google và thường xem kết quả đầu tiên tìm được mà không đào sâu vào độ tin cậy của thông tin.