Cũng như các tỉnh miền Trung khác, hàng năm, Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lụt. Hậu quả là hàng nghìn ha lúa, khoai, rau màu bị nước lũ cuốn trôi ngay cận kề ngày thu hoạch khiến cho những người dân nơi đây thêm oằn mình trong cuộc chiến chống lại cơn thịnh nộ của đất trời.
Cùng với các nhà khoa học, nhiều năm nay, tỉnh đã nghiên cứu để đưa một số giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với chất đất của đồng ruộng Hà Tĩnh nhằm rút ngắn thời vụ, bảo toàn sản lượng và năng suất cho bà con nông dân.
Giống lúa ngắn ngày QR1 thể hiện tính ưu việt trên đồng ruộng Cẩm Xuyên |
Theo các nhà chuyên môn, cái đích của việc mở rộng các mô hình khảo nghiệm giống lúa ngắn ngày cũng là để nghiên cứu, tìm ra loại giống phù hợp với địa phương nhưng đồng thời cũng để người dân thấy và tin, từ đó khuyến khích được chuyển biến mang tính đột phá trên diện rộng. Và có thể nói, thời vụ của hè thu chậm gần một tháng do phản ứng dây chuyền từ vụ đông xuân 2011 vừa là nguyên nhân và cũng chính là điều kiện để tỉnh “tuốt” lại bộ giống sản xuất vụ hè thu.
Từ kinh nghiệm của việc bổ cứu sau rét của cụ đông xuân 2011, để có một vụ hè thu “ăn chắc”, thay vì bộ giống khá “rườm rà” trước đây, tỉnh chỉ đạo các địa phương sử dụng bộ khá “tinh” mà chủ lực là các loại giống ngắn ngày. Toàn tỉnh gieo cấy 40.206 ha lúa, với cơ cấu các giống chủ lực: PC6, TH3-3, IR 50404, VT–NA1, QR1… Đặc tính của các loại giống này chính là năng suất cao, chất lượng tốt và đặc biệt là có thời gian sinh trưởng không quá 100 ngày.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt cho biết: “Với kiểu thời tiết ngày càng phức tạp, đã đến lúc người nông dân cần nghĩ đến việc thay đổi phương án sản xuất. Bên cạnh chất lượng gạo ngon, năng suất cao thì yếu tố sử dụng giống nào cho đồng ruộng vụ hè thu là cách để né, tránh an toàn những ảnh hưởng của BĐKH. Trước mùa mưa bão năm nay, có đến gần 40% diện tích lúa hè thu đã được đưa về nhà an toàn mà chủ yếu trong đó là các giống ngắn ngày”.
Trong cuộc chạy đua với thời vụ, Đức Thọ là địa phương “về đích” sớm nhất với năng suất đạt 48,5 tạ/ha. Đáng kể là có đến 1.424 ha là trà lúa dưới 100 ngày đã được thu hoạch gọn vào trung tuần tháng 9 và đạt 70% diện tích đến ngày 23/9 (trước thời điểm mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 4).
Chúng tôi có dịp về xã Đức Quang, một trong những điểm xung yếu nhất của huyện trong mùa mưa bão, công việc thu hoạch đã gần như được hoàn tất, nhiều gia đình lúa đã được hong khô và cất giữ cẩn thận. Ông Trần Viết Hùng, thôn 1, Đức Quang (Đức Thọ) phấn khởi: “Khi biết vụ hè thu bị chậm gần một tháng, chúng tôi cứ thấp thỏm không yên. Là vùng ngoài đê, cứ nghĩ kiểu gì vụ này cũng bị trời cướp hết. Nhờ sự chỉ đạo của xã, tôi đã sử dụng giống ngắn ngày cho ruộng nhà, 3 sào lúa của gia đình tôi đã thu hoạch gọn từ nhiều ngày nay, bây giờ mưa bão có đến cũng yên tâm rồi”.
Được biết, toàn xã gieo cấy 85 ha, đến trước những ngày thời tiết xấu diễn ra, số diện tích chưa thu hoạch chỉ còn 10 ha. Có thể khẳng định, vụ hè thu 2011 là vụ thành công của lúa lai, ở khắp các huyện, giống lúa TH3-3, TH3-4, Nhị ưu 838, VT–NA1… đang chiếm được niềm tin cho bà con nông dân. Với chất lượng gạo ngon, phù hợp với thị trường và thu lãi cao, các giống lúa lai đang thể hiện ưu thế của cây lúa trong thời kỳ hội nhập.
Ở Can Lộc, để khuyến khích người dân mạnh dạn thay đổi trong sản xuất, ngoài hỗ trợ của UBND tỉnh, huyện đã trích kinh phí đến 600 triệu đồng để hỗ trợ riêng cho giống lúa trong cơ cấu. Đặc biệt, năm nay, huyện đã có nhiều chính sách ưu tiên cho lúa lai, toàn huyện có 1800 ha lúa lai, trong đó giống TH3-3 mới được bổ sung vào bộ giống hè thu 2011 là 1000 ha, chiếm 2/3 diện tích TH3-3 trên toàn tỉnh. Kết quả của mô hình, TH3-3 đã thể hiện những tính năng vượt trội trên đồng ruộng, thời gian sinh trưởng của giống cực ngắn, chỉ khoảng 95- 100 ngày, trong khi các giống lúa hè thu khác đều từ 100 ngày trở lên.
Ngay cả hai giống được xem là chiếm khá nhiều ưu thế từ trước tới nay trên đồng ruộng Hà Tĩnh là Nhị ưu 838 và T10 cũng đành “về đích” sau với 118 ngày và 110 ngày. Dù thời gian sinh trưởng ngắn nhưng năng suất vẫn đạt cao và ổn định ở tất cả các địa phương với bình quân khoảng 60 tạ/ha, cao nhất trong số các loại giống hè thu từ trước tới nay. Đây cũng là loại giống được đánh giá là khá sạch sâu bệnh, có khả năng chống chịu tác động ngoại cảnh tốt và thích nghi cả với những chân ruộng kém màu mỡ.
Bên cạnh đó, giống lúa thuần vẫn được duy trì với các loại truyền thống xuân mai 12, KD đột biến…và cả những đột phá mới từ QR1. Ông Nguyễn Văn Giáp, Cẩm Nam (Cẩm Xuyên) cho biết: “Dù là năm đầu tiên thử với QR 1 nhưng chúng tôi rất hài lòng, thời gian sinh trưởng, chỉ từ 92- 93 ngày, phù hợp với vùng chạy lụt mà chất lượng gạo vẫn ngon, năng suất cao, đạt khoảng 2,7 tạ/sào. Chắc chắn vụ sau tôi sẽ mở rộng diện tích và thay thế dần giống IR 1820 đã bị thoái hoá”.
Vượt lên tất cả khó khăn, vụ hè thu 2011 đã làm nên nhiều kỳ tích. Vào thời điểm này, bà con nông dân toàn tỉnh vẫn đang tất bật thu hoạch những trà lúa hè thu cuối cùng để chạy kịp mưa bão. Thêm một lần nữa, bài học kinh nghiệm về giống lúa đã thể hiện rõ, bà con cần cân nhắc để có vụ sản xuất an toàn, hiệu quả.