Giữa miền tưởng nhớ...

(Baohatinh.vn) - Chiến tranh đã lùi xa nhưng tại Hà Tĩnh vẫn còn đó những hành trình âm thầm đi tìm phần mộ liệt sĩ và vỡ òa cảm xúc khi được thắp nén hương đầu tiên...

“Cuối cùng cũng tìm được 2 anh”

Những ngày tháng Bảy, trong bầu khí quyển của lòng tri ân thương binh - liệt sỹ, chúng tôi đến thăm gia đình ông Lê Khắc Mão (73 tuổi, tổ dân phố 6 Đậu Liêu, phường Nam Hồng Lĩnh) là em trai của 2 liệt sỹ Lê Khanh và Lê Duy Trí. Chúng tôi được nghe ông kể về “hành trình” đưa 2 người anh trai về với quê hương, yên nghỉ trong lòng đất mẹ mà lòng chất chứa biết bao cảm xúc khó diễn tả bằng lời.

Ông Lê Khắc Mão bên những tấm huân, huy chương của 2 người anh là liệt sỹ Lê Khanh và liệt sỹ Lê Duy Trí.

Liệt sỹ Lê Khanh (SN 1946) hy sinh năm 1971 tại mặt trận Lào, liệt sỹ Lê Duy Trí (SN 1948) hy sinh năm 1971 tại chiến trường Quảng Trị. Cả hai liệt sỹ đều an táng tại nghĩa trang của đơn vị gần mặt trận. Khó có thể nói hết bằng lời về nỗi đau thương mất mát khi cùng một năm, gia đình ông Mão đã vĩnh viễn mất đi 2 người con. “Vẫn biết chiến tranh là mất mát, nhưng nỗi đau mất người thân mà không biết nơi chôn cất thi hài của các anh ở đâu lại càng dằn vặt mãi trong lòng” - ông Mão ngậm ngùi chia sẻ.

Sau ngày đất nước thống nhất, gia đình ông Mão bắt đầu công cuộc tìm kiếm 2 người anh đã hy sinh vì Tổ quốc. Nhưng do hoàn cảnh khó khăn, ông Mão lại công tác xa nhà và các điều kiện tìm kiếm thời điểm trước đây không thuận lợi nên gia đình ông không thu thập được nhiều thông tin. Đến năm 1988, gia đình ông Mão đã biết được nơi an táng của liệt sỹ Lê Duy Trí tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn và đã đưa anh về yên nghỉ ở khu vực nghĩa trang gia đình.

Từ ngày đưa hài cốt liệt sỹ Lê Duy Trí về quê, gia đình ông Mão lại đau đáu với việc tìm kiếm hài cốt của người anh cả - liệt sỹ Lê Khanh. Mặc dù gia đình ông Mão luôn lần theo các thông tin, lời kể của đồng đội ông Khanh để tìm kiếm, nhưng những nỗ lực trong nhiều năm vẫn không mang lại kết quả. Gần nửa thế kỷ qua, khi chiến tranh càng lùi xa, manh mối về liệt sỹ Lê Khanh ngày càng nhạt nhòa, việc đi tìm hài cốt liệt sỹ càng lúc càng khó khăn, có lúc ngỡ như tuyệt vọng.

Sau gần 50 năm kể từ ngày anh dũng hy sinh tại Lào, năm 2018, hài cốt liệt sỹ Lê Khanh được Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Hà Tĩnh và thân nhân đưa về an nghỉ trong lòng đất mẹ.

Thế rồi, trong những lúc ngổn ngang ấy, đầu năm 2018, gia đình ông Mão nhận được thông tin từ Đội Quy tập hài cốt liệt sỹ (Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh) về việc tìm thấy vị trí chôn cất liệt sỹ Lê Khanh ở tỉnh Bolikhămxay (Lào). Gia đình ông Mão đã vội vàng khăn gói sang nước bạn để phối hợp với Đội Quy tập tiến hành cất bốc hài cốt anh trai.

Sau nhiều ngày tập trung khai quật, hài cốt liệt sỹ Lê Khanh đã được tìm thấy. Với kết quả tìm kiếm đó, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức trọng thể lễ tiễn đưa hài cốt liệt sỹ Lê Khanh cùng một số liệt sỹ khác về an nghỉ trong lòng đất mẹ Việt Nam. “Niềm vui như vỡ òa. Vậy là, sau bao năm tìm kiếm, cuối cùng chúng tôi cũng đã tìm được 2 anh” - ông Mão kể lại trong cảm xúc dâng trào.

Ông Lê Khắc Mão bên phần mộ của người anh trai - liệt sỹ Lê Khanh.

Từ ngày 2 người anh liệt sỹ được “đoàn tụ” tại phần hương hỏa ở quê nhà, gia đình ông Mão cùng anh em, họ hàng càng thêm ấm lòng khi thường xuyên được chăm sóc nơi yên nghỉ của 2 anh. Ông Mão kể: “Lần đầu được viếng mộ các anh trai, cảm xúc trong tôi rất khó nói nên lời. Kể từ khi các anh về an nghỉ tại quê nhà, cứ dịp 27/7, gia đình luôn tập trung đông đủ để tổ chức dâng hương, làm mâm cơm tưởng nhớ 2 anh. Chúng tôi xem đó là dịp sum họp gia đình để mãi mãi nhớ các anh, tự hào về các anh và giáo dục cho con cháu lòng tự hào về Tổ quốc, tự hào về gia đình".

"Tôi biết, nhiều gia đình hiện chưa tìm thấy người thân đã hy sinh vì Tổ quốc. Trải qua những năm tháng đằng đẵng và mất rất nhiều công sức tìm kiếm, tôi hiểu rõ cảm xúc, tâm trạng của thân nhân liệt sỹ và luôn mong các gia đình chưa tìm được hài cốt liệt sỹ sẽ sớm có ngày thỏa nguyện như gia đình tôi” - ông Mão bộc bạch.

Ấm áp từng phần mộ

Tháng Bảy - tháng của sự tri ân và biết ơn những người đã hy sinh cả tuổi xuân và xương máu của mình vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, bình yên cho Nhân dân. Cũng như bao nghĩa trang liệt sỹ khác, tại Nghĩa trang Liệt sỹ Nầm (xã Tứ Mỹ, Hà Tĩnh), từng dòng người về đây dâng hoa, dâng hương tỏ lòng thành kính với những liệt sỹ đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Cứ vào tháng Bảy, ông Nguyễn Hòa (phường Đống Đa, thành phố Hà Nội) lại đưa gia đình về dâng hương lên phần mộ của 2 người chú ở Nghĩa trang Liệt sỹ Nầm.

Trong dòng người ấy, ông Nguyễn Hòa (67 tuổi, ở phường Đống Đa, TP Hà Nội) cùng vợ và các con đến bên mộ 2 người chú là liệt sỹ Nguyễn Công Mậu hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và liệt sỹ Nguyễn Tiến Sửu hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Mọi người lặng lẽ quét dọn, lau bụi trên tấm bia mộ.

Ông Hòa chia sẻ: “Quê tôi ở xã An Hòa Thịnh nay là xã Sơn Tiến. 2 người chú của tôi hy sinh được gia đình quy tập về Nghĩa trang Liệt sỹ Nầm từ năm 1990. Từ đó đến nay, năm nào, tôi cùng gia đình cũng về đây thắp hương cho các chú vào tháng Bảy. Đây cũng là dịp, chúng tôi giáo dục cho các con cháu lòng biết ơn về sự hy sinh của các anh hùng, liệt sỹ đối với độc lập, tự do của Tổ quốc hôm nay và kế thừa truyền thống yêu nước của gia đình để sống thật gương mẫu, có đóng góp tích cực cho xã hội”.

Nghĩa trang Liệt sỹ Nầm nơi yên nghỉ của hơn 1.200 liệt sỹ.

Nghĩa trang Liệt sỹ Nầm rộng hơn 3 ha, là nơi yên nghỉ của hơn 1.200 liệt sỹ đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp quốc tế cao cả. Nơi đây, phần mộ của các liệt sỹ hiện được anh Hồ Thanh Hải trông nom, hương khói chu đáo. Hằng ngày, anh Hải vệ sinh khuôn viên nghĩa trang, đi kiểm tra các khu mộ, chăm sóc cây xanh. Những công việc rất đỗi đơn giản như lau mộ, thay cát, vệ sinh lư hương đến việc chuẩn bị hoa trái thắp hương trong ngày rằm, mùng một…, anh đều tỉ mỉ, chu tất với tất cả sự thành kính. Nhờ đó, các phần mộ ở đây được chăm lo chu đáo, hương khói đầy đủ, mang lại sự an lòng cho thân nhân các liệt sỹ.

Anh Hải chia sẻ: “Chứng kiến nhiều bậc cha mẹ tuổi cao, sức yếu, thân nhân liệt sỹ lặn lội từ các tỉnh, thành khác đến đây để tìm con hay thăm viếng người thân, tôi thấy thật đau thương, xúc động. Tôi ước, giá như có thể làm được điều gì đó để giúp họ. Tôi tự dặn lòng phải chăm sóc phần mộ các liệt sỹ thật chu đáo để các thân nhân liệt sỹ ấm lòng, nguôi ngoai phần nào nỗi đau mất đi người thân”. Với tâm niệm của mình, anh Hải vẫn ngày đêm bảo vệ “giấc ngủ” bình yên cho các anh hùng liệt sỹ, góp phần giữ gìn cảnh quan nghĩa trang sạch đẹp và tôn nghiêm.

Hằng ngày, anh Hồ Thanh Hải luôn trông nom, hương khói chu đáo từng phần mộ của các liệt sỹ.

Mỗi hành trình đi tìm người thân đã hy sinh vì Tổ quốc, mỗi nghĩa cử lặng thầm chăm sóc từng phần mộ liệt sỹ đều là sự tiếp nối của lòng biết ơn sâu sắc, là biểu hiện cụ thể của nỗi nhớ thương khôn nguôi đối với những người con đã ngã xuống cho hòa bình hôm nay.

Tháng Bảy, vì thế, không chỉ là tháng tri ân, mà còn là khoảng lặng thiêng liêng để mỗi người tự soi chiếu, nhắc nhở bản thân phải sống xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước - những người đã hiến dâng máu thịt của mình để đất nước có được độc lập, tự do và tương lai rạng ngời như hôm nay.

Chủ đề NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói