Trà mi hoa vàng được phát hiện tại Vườn Quốc gia Vũ Quang
Theo TS. Đào Thị Minh Châu - đề tài sẽ tập trung điều tra, khảo sát, xác định khu vực phân bố của các quần thể trà hoa vàng thuộc 3 loài (Camellia vuquangensis, Camellia hatinhensis và Camellia Chrysantha) ở khu vực Vườn Quốc gia Vũ Quang.
Đánh giá hiện trạng, giá trị dược liệu; phân tích được thành phần hóa học, công bố các hợp chất có giá trị; nghiên cứu và đề xuất các giải pháp bảo tồn nguyên vị các quần thể trà hoa vàng hiện có tại khu vực phân bố và các giải pháp bảo tồn...
Hiện nay, các loài trà hoa vàng đều trong tình trạng quý hiếm, cần được bảo tồn
Đặc biệt, trong nội dung đề tài, Trung tâm Môi trường và Tài nguyên sinh học sẽ phối hợp xây dựng và thử nghiệm các mô hình nhân giống bằng hom và bằng hạt trên diện tích 50m2, từ đó lựa chọn phương án nhân giống tối ưu; huấn luyện cây giống và đưa vào mô hình trồng để phát triển những loài có giá trị và có khả năng gây trồng.
Cho đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh, các nhà khoa học mới chỉ phát hiện và mô tả được 3 loài trà hoa vàng, đó là: Camellia vuquangensis, Camellia hatinhensis và Camellia Chrysantha. Các nghiên cứu khác về 3 loài này như: Sự phân bố, khả năng sinh trưởng, tái sinh, thành phần hóa học, khả năng nhân giống và gây trồng,… đều chưa được tiến hành.
Cây trà hoa vàng trên thế giới được xếp vào một trong những loại thực vật quý có nhiều giá trị cần được nhân giống và bảo tồn. Có hơn 200 loại trà hoa vàng khác nhau trên thế giới, trong đó Việt Nam đã phát hiện 24 loại, và được xem là nguồn gen tự nhiên vô cùng quý hiếm. Cây trà hoa vàng được tạp chí "Camellia International Journal" chuyên nghiên cứu về trà hoa vàng của thế giới chỉ ra rằng, các hợp chất của hoa có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u trong điều trị ung thư, giảm 35% hàm lượng cholesterol trong máu (trong khi dùng các loại thuốc khác thì mức độ giảm chỉ là 33,2%); giảm triệu chứng xơ vữa động mạch do máu nhiễm mỡ, điều hòa huyết áp, hạ đường huyết; chữa kiết lỵ, đại tiện ra máu… |