Hà Tĩnh chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

(Baohatinh.vn) - Cách đây tròn 60 năm, Mỹ đã sử dụng nhiều loại vũ khí hóa học, đặc biệt là chất độc da cam gây hậu quả nặng nề cho Nhân dân Việt Nam. Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành và địa phương, trong đó có Hà Tĩnh luôn nỗ lực hành động nhằm khắc phục hậu quả, xoa dịu nỗi đau da cam.

Thảm họa da cam - nỗi đau còn mãi

Chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành tại Việt Nam là thảm họa hóa học thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại. Trong 10 năm (1961 - 1971), quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống đất nước ta với tổng diện tích 3,06 triệu ha (vượt gấp 17 lần mật độ cho phép sử dụng trong nông nghiệp Mỹ). Trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần.

Hà Tĩnh chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Máy bay UC-123 rải chất độc da cam tại Việt Nam. (Ảnh Internet)

Chất độc da cam (CĐDC) đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây nên biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ người Việt Nam đã và đang phải hứng chịu. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo.

CĐDC còn di truyền qua nhiều thế hệ. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, cả nước có khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3; qua khảo sát tại một số địa phương, hậu quả CĐDC đã di nhiễm sang thế hệ thứ 4.

Hà Tĩnh chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Hàng nghìn nạn nhân da cam đang ngày ngày phải vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo.

CĐDC còn tác động lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái ở Việt Nam. Môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn; chức năng giữ nước chống lụt của rừng bị suy giảm; đa dạng sinh học bị suy thoái và trở nên nghèo nàn; một số loài động vật, thực vật quý hiếm bị diệt chủng...

Chung tay khắc phục hậu quả

Trước những hậu quả của chất độc hóa học do quân đội Mỹ gây ra, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương đã có nhiều biện pháp nhằm đánh giá, xây dựng kế hoạch, tổ chức xử lý, khắc phục hậu quả.

Kiên quyết đấu tranh đòi công lý, từ tháng 10/1961, Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) đã gửi công hàm cho 103 nước trên thế giới tố cáo Hoa Kỳ sử dụng chiến tranh hóa học ở miền Nam Việt Nam.

Hà Tĩnh chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis thăm địa điểm xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, Đồng Nai - nơi Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai dự án (năm 2018). Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Tháng 10/1980, Chính phủ thành lập Ủy ban đặc biệt điều tra hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ủy ban 10 - 80). Kết quả điều tra của Ủy ban 10 - 80 đã khẳng định, tác hại của CĐDC/dioxin vô cùng trầm trọng, để lại hậu quả nặng nề và lâu dài đối với con người và môi trường Việt Nam.

Ngày 10/1/2004, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam chính thức ra mắt hoạt động, trở thành mái nhà chung của các nạn nhân da cam. Ngày 25/6/2004, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quyết định lấy ngày 10/8 hằng năm là ngày “Vì nạn nhân CĐDC Việt Nam”.

Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến và những người bị nhiễm chất độc hóa học. Việt Nam cũng tăng cường vận động một số quốc gia, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tham gia giúp đỡ nạn nhân CĐDC với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Hà Tĩnh chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Một cuộc tuần hành của cựu binh Mỹ yêu cầu bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam Mỹ lẫn Việt Nam. (Ảnh Internet).

Ngay sau khi thành lập, Hội Nạn nhân CĐCD/dioxin Việt Nam và một số nguyên đơn đã gửi đơn đến Tòa án quận Brooklyn, New York, Hoa Kỳ kiện 37 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân CĐDC Việt Nam đã được nhân dân thế giới tích cực ủng hộ.

Trong công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung, chiến tranh hóa học nói riêng, Nhân dân Việt Nam nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của nhân dân thế giới, bạn bè quốc tế. Đặc biệt, trong những năm qua, Chính phủ Mỹ đã đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong việc nghiên cứu về ảnh hưởng của chất độc hóa học dioxin và tham gia các hoạt động nhằm khắc phục hậu quả.

15 năm cống hiến vì nạn nhân CĐDC/dioxin Hà Tĩnh

Theo số liệu khảo sát, Hà Tĩnh có gần 20.000 người bị phơi nhiễm CĐDC, trong đó trên 7.000 người đã được công nhận là nạn nhân CĐDC hưởng chế độ người có công, số còn lại trên 13.000 người do nhiều nguyên nhân, chưa được hoặc đang được xem xét giải quyết chế độ.

Hà Tĩnh chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Hà Tĩnh hiện có trên 7.000 người đã được công nhận là nạn nhân CĐDC hưởng chế độ người có công.

Trong số nạn nhân CĐDC đã được hưởng chế độ có gần 3.423 người mắc phải các bệnh cần phải điều trị, trong đó có 533 người bị bệnh nan y và bệnh hiểm nghèo; gần 1.000 người cần được nuôi dưỡng tập trung, phục hồi chức năng; trên 1.000 người cần được học nghề và giải quyết việc làm; gần 1.500 gia đình có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn, nhà ở tạm bợ.

Cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, ngày 10/8/2006, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Hà Tĩnh chính thức ra mắt hoạt động. Tổ chức hội đã được thành lập ở 13/13 huyện, thành phố, thị xã; 216/216 xã, phường, thị trấn với tổng số 13.045 hội viên.

Hà Tĩnh chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Nghi Xuân tổ chức trao 130 suất quà cho gia đình các nạn nhân (Ảnh: Hoài Nam)

Tổ chức hội đã trở thành mái nhà chung của các nạn nhân và là cầu nối giữa hội viên, nạn nhân với cấp ủy Đảng, chính quyền, với các tổ chức, doanh nghiệp, và các tầng lớp nhân dân. Từ ngày thành lập đến tháng 12/2020, toàn hội đã vận động được 70.395.873.000 đồng góp phần hỗ trợ cuộc sống các nạn nhân, gia đình nạn nhân.

Kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam là dịp để Đảng, Nhà nước, các địa phương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Vì nạn nhân chất độc da cam”; tôn vinh, biểu dương những tấm gương hội viên tiêu biểu, gương nạn nhân vượt khó vươn lên; những người mẹ, người vợ tiêu biểu trong chăm sóc nạn nhân…

Đây cũng là cơ hội nhằm tuyên truyền đối ngoại để bạn bè quốc tế, trong đó có Chính phủ và Nhân dân Mỹ thấy rõ hậu quả nặng nề của chất độc hóa học do quân đội Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam; từ đó quan tâm hỗ trợ, khắc phục hậu quả đã gây ra.

(Biên soạn theo đề cương kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh cung cấp).

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Sáp nhập liên đoàn lao động cấp huyện

Sáp nhập liên đoàn lao động cấp huyện

Việc sáp nhập Liên đoàn Lao động huyện Lộc Hà (cũ) và Liên đoàn Lao động huyện Thạch Hà nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần xây dựng Công đoàn Hà Tĩnh vững mạnh.