Ông Trần Văn Thể vẫn luôn lạc quan vào cuộc sống.
Sống ở vùng thấp trũng, mưa to là ngập nhà, ngập vườn, người dân ở xã Đỉnh Bàn luẩn quẩn không tìm được hướng thoát khỏi khó khăn. Thế nhưng, có một gia đình nạn nhân chất độc da cam vẫn vui vẻ, lạc quan, biến sự bất lợi của thời tiết thành thuận lợi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập gia đình... Đó là gia đình ông Trần Văn Thể (SN 1951), ở thôn Tân Phong, nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chất độc da cam.
Ông Thể tham gia chiến đấu tại các chiến trường Thừa Thiên Huế và Quảng Trị từ năm 1968, đến năm 1975 xuất ngũ về quê lập gia đình và phát triển sản xuất. Cuộc sống êm đềm đến khi những đứa con lần lượt chào đời không được bình thường. Lúc ấy, ông mới phát hiện điều nghiệt ngã, đó là bản thân đã bị ảnh hưởng chất độc da cam dioxin.
Ông Thể ngậm ngùi: “Vợ chồng tôi sinh được 6 người con thì có 2 đứa mất bởi chất độc da cam. Trong 4 đứa còn sống thì đứa út bị bệnh động kinh. Tôi thương vợ con vì mình mà phải chịu nỗi đau nhưng biết sao được, chiến tranh mà, mình phải chấp nhận để vượt qua. Cách duy nhất đó là chiến đấu!”.
Gia đình ông Thể trở thành tấm gương nghị lực để nhiều người học hỏi.
Với diện tích 2.600 m2 đất vườn, ông bà đã đổ từng xe đất phù sa để trồng rau, cây ăn quả, chăn nuôi gà, lợn…
Lấy ngắn nuôi dài, mỗi ngày, ông bà đều cần mẫn góp nhặt từng đồng để trang trải cuộc sống. Làm ngày không đủ, hai ông bà còn đội đèn làm đêm. Người dân thôn Tân Phong chưa lúc nào thấy ông bà Thể ngơi tay. Cuối năm 2019, khu vườn của ông Thể được công nhận là vườn mẫu cấp tỉnh.
Trận lũ lịch sử mới đây đã cuốn đi gần như tất thảy công sức lao động bao năm, nhưng không khuất phục được tinh thần, nghị lực của người lính Cụ Hồ. Trước ngổn ngang đổ nát, ông Thể vẫn tươi cười: “Cứ nỗ lực làm lại từ đầu, người phụ đất chứ đất chẳng bao giờ phụ người. Tôi tin là thế!”.
Sau lũ, vợ chồng ông Thể bắt tay chuẩn bị cho vụ sản xuất mới.
Và việc khôi phục vườn của hai vợ chồng ông lại bắt đầu; tay cuốc, tay cào, ông bà tiếp tục vật lộn với đất để chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Ông Thể đang tính đến việc đầu tư đổ đất nâng nền và lựa chọn trồng những giống cây có thể chịu úng nước…
Ông Thể tích cực trong hoạt động xã hội dù tuổi đã cao.
Ông Thể còn là người tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể tại địa phương. Ông từng là bí thư đoàn xã, bí thư chi bộ, trưởng thôn… Hiện nay, dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn là tổ trưởng tổ vay vốn ngân hàng chính sách.
Ở xã Việt Tiến, ông Đặng Hữu Ngọc (SN 1952, thôn Lộc Thọ) - một nạn nhân trực tiếp của chất độc da cam cũng là tấm gương làm kinh tế giỏi ở địa phương.
Là nạn nhân trực tiếp phơi nhiễm da cam nhưng ông Ngọc vẫn vươn lên làm kinh tế giỏi.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Ngọc khi ông bà vừa tiễn biệt người con thứ ba trong số bảy người được sinh ra. Cả ba người con của ông đều mất bởi di chứng dioxin. Trong bốn người còn lại, ba người cũng đang chịu ảnh hưởng của di chứng dioxin. Bản thân ông Ngọc cũng bị ảnh hưởng 61% sức khỏe.
Khó khăn, vất vả nhưng tinh thần người lính Cụ Hồ không cho phép ông gục ngã. Phải thay đổi cuộc sống, phải kiếm tiền chữa bệnh cho con… những suy nghĩ đó thôi thúc ông bắt tay vào xây dựng mô hình vườn, ao, chuồng.
Ao cá của gia đình ông Ngọc.
Thời điểm cao nhất, ông chăn nuôi hơn 200 con gà, 4 con bò, 30 con lợn, thả 1 tấn cá… Gia đình ông còn trồng hàng chục gốc cây ăn quả như bưởi, chuối… Nhanh nhạy trong kinh doanh, ông Ngọc đã từng làm xưởng sản xuất đá lạnh, bán kem, xay xát gạo.
Ông Ngọc là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi của Hội Nông dân Thạch Hà; nạn nhân chất độc da cam tiêu biểu được gặp mặt Chủ tịch nước năm 2014…
Những bằng khen, giấy khen được ông lưu giữ đầy trân trọng để nhớ về những nỗ lực đã qua.
Ông Hoàng Xuân Việt - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam, Bảo trợ người khuyết tật và Trẻ mồ côi huyện Thạch Hà cho biết: “Đến nay, toàn huyện có gần 400 nạn nhân phơi nhiễm da cam trực tiếp và gián tiếp. Trong số đó, có hơn 35 nạn nhân vẫn đang nỗ lực vươn lên trở thành những tấm gương tiêu biểu vượt khó, hăng say lao động, làm chủ cuộc sống...".