Sau khi tốt nghiệp THCS, em Phạm Thị Huyền Anh quyết định không đăng ký thi vào lớp 10 công lập mà lựa chọn vừa học chương trình THPT vừa học nghề tại Trường Trung cấp Kỹ nghệ Hà Tĩnh.
Em Phạm Thị Huyền Anh (lớp 10A6), cho biết: “Em được gia đình và thầy cô định hướng nên lựa chọn học văn hoá và học nghề tại trường để sau này tốt nghiệp vừa có bằng THPT vừa có bằng nghề. Trong thời gian theo học tại trường em được miễn học phí nghề kỹ thuật chế biến món ăn. Ngoài ra, em còn được nhà trường định hướng học tiếng Hàn Quốc. Dự định, sau khi tốt nghiệp, em sẽ đi xuất khẩu lao động hoặc xin việc tại các đơn vị, doanh nghiệp trong nước”.

Từng học THPT kết hợp học nghề công nghệ ô tô ở Trường Trung cấp Kỹ nghệ Hà Tĩnh, ngay sau khi tốt nghiệp, em Hồ Đình Lợi được nhận vào làm việc tại Honda ô tô Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh). Trong quá trình làm việc với tay nghề được đào tạo tại Trường Trung cấp Kỹ nghệ Hà Tĩnh và sự nỗ lực học hỏi, hiện em Hồ Đình Lợi được đảm nhận vị trí quản đốc tại Honda ô tô Hà Tĩnh với mức lương khá cao.
Em Hồ Đình Lợi chia sẻ: “Trong thời gian em vừa học văn hoá vừa học nghề, nhà trường đã liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để gửi học sinh đi thực tập tiếp cận với công nghệ, thiết bị hiện đại nên tay nghề được nâng cao. Em thấy học nghề là sự lựa chọn đúng đắn và hợp lý. Chính từ ngôi trường Trung cấp Kỹ nghệ Hà Tĩnh em đã được đào tạo cả kiến thức văn hóa và kỹ năng tay nghề để có được như ngày hôm nay”.

Trường Trung cấp Kỹ nghệ Hà Tĩnh có gần 800 học sinh vừa học chương trình THPT vừa học nghề (khối lớp 10, 11 và 12) với các nghề như: Điện công nghiệp, công nghệ ô tô, kỹ thuật cơ khí, hàn, kỹ thuật chế biến món ăn…

Thầy giáo Lê Hữu Sỹ - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ nghệ Hà Tĩnh cho biết: “Thời gian qua, nhà trường quán triệt chủ trương đào tạo “Thực học, thực hành, thực nghiệp”, chương trình đào tạo thực tiễn có sự tham gia giảng dạy của doanh nghiệp, thực hành lên đến 80% thời lượng môn học. Nhờ đó, học sinh vừa học chương trình THPT vừa học nghề sau khi ra trường đáp yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng làm việc nhóm, làm việc độc lập… tại các doanh nghiệp và có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Ngoài ra, ngay từ khi nhập học lớp 10, nhà trường đã tư vấn, định hướng cho học sinh tự chọn môn ngoại ngữ yêu thích để học nhằm phục vụ công việc sau khi ra trường hoặc có nhu cầu xuất khẩu lao động, thực tập sinh, du học...”.
Năm học 2024 – 2025, Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh có hơn 1.000 học sinh (khối lớp 10, 11, 12) vừa học THPT, vừa học nghề. Những năm gần đây, số lượng học sinh đăng ký vừa học THPT, vừa học nghề tại trường ngày càng tăng bởi những lợi ích thiết thực từ mô hình này.
Thầy giáo Nguyễn Đình Đại – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh cho biết: “Đây là mô hình rất hay, học sinh tiết kiệm được thời gian học, đồng nghĩa với tiết kiệm chi phí. Sau 3 năm học chương trình THPT, học sinh vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng trung cấp nghề; sau đó học liên thông lên cao đẳng khoảng hơn 1 năm. Nhà trường liên kết với nhiều doanh nghiệp để giới thiệu học sinh thuận tiện trong việc thực hành, thực tập được doanh nghiệp trả lương. Nên sau khi tốt nghiệp, học sinh được doanh nghiệp nhận vào làm việc ngay”.

Tại Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh, sau khi tốt nghiệp THPT và trung cấp nghề, nhiều học sinh tiếp tục theo học liên thông lên cao đẳng. Em Lê Văn Huy - lớp Cao đẳng liên thông công nghệ ô tô (Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh) cho biết: “Tốt nghiệp trình độ trung cấp nghề công nghệ ô tô em đã có thể đi làm tại các showroom, gara ô tô nhưng em tiếp tục đăng ký học liên thông lên cao đẳng. Như vậy, em vừa tiết kiệm thời gian, chi phí vừa tăng cơ hội tìm kiếm việc làm có thu nhập cao hơn”.

Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường THCS thường xuyên thực hiện tốt công tác hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau THCS, trong đó đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền tới học sinh, phụ huynh về công tác phân luồng học sinh, giúp các em học sinh và gia đình có những lựa chọn phù hợp với điều kiện của từng em học sinh.
Hà Tĩnh hiện có 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp vừa dạy chương trình THPT, vừa đạo tạo nghề; trong đó có 5 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên.
Theo Sở GD&ĐT, năm học 2024 – 2025, toàn tỉnh có hơn 10.324 học sinh đang theo học chương trình vừa học THPT vừa học nghề ở các khối lớp 10, 11 và 12. Trong đó, có 4.949 học sinh học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên; 2.365 học sinh học tại các trường cao đẳng và 3.010 học sinh học tại các trường trung cấp nghề.
Vừa học THPT, vừa học nghề không chỉ là giải pháp hiệu quả nhằm phân luồng học sinh sau THCS mà còn cho thấy tầm quan trọng và lợi ích của học nghề đối với sự phát triển của xã hội. Học nghề để rút ngắn thời gian học, tiết kiệm chi phí, nhất là có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp đang dần là một hướng đi được nhiều học sinh và phụ huynh lựa chọn. Đây được xem là “chìa khóa” nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mở cánh cửa tương lai cho nhiều người trẻ hiện nay.