Hà Tĩnh đặt mục tiêu xóa toàn bộ lối đi tự mở trên các tuyến đường bộ giao cắt đường sắt

(Baohatinh.vn) - Tuyến đường sắt Bắc – Nam đoạn qua địa bàn Hà Tĩnh dài 70,2 km với gần 130 điểm giao cắt với đường bộ, trong đó có 102 điểm do người dân tự mở, luôn tiềm ẩn nguy cơ cao tai nạn giao thông.

Hà Tĩnh đặt mục tiêu xóa toàn bộ lối đi tự mở trên các tuyến đường bộ giao cắt đường sắt

Một vụ tai nạn nghiêm trọng giữa tàu hỏa và xe tải đang cố vượt qua đường sắt trên địa bàn xã Tùng Châu (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Ảnh tư liệu.

Theo kế hoạch thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ lối đi tự mở giao cắt với đường sắt quốc gia qua địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các ngành liên quan và chính quyền các địa phương có đường sắt đi qua xây dựng lộ trình chi tiết hàng năm và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; đảm bảo đến năm 2025 xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở, có giải pháp cảnh báo, cảnh giới 100% các tuyến đường bộ giao cắt với đường sắt.

Để hoàn thành mục tiêu nói trên, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà tỉnh đặt ra là: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Trung ương; tập trung mọi nguồn lực để bảo đảm TTATGT đường sắt, thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ lối đi tự mở; triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án chiến lược, quy hoạch quốc gia về lĩnh vực đường sắt có liên quan đến địa phương.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng, đất đai, các khu công nghiệp, đô thị và du lịch... nhằm tuyệt đối không để phát sinh các lối đi tự mở, đường sắt chuyên dùng giao cắt với đường sắt quốc gia.

Nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng gắn với công tác duy tu, bảo trì bảo đảm ATGT và khai thác có hiệu quả hệ thống đường gom; nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Tăng cường tuần tra, kiểm soát, sử dụng thiết bị công nghệ thông tin, kết nối chia sẻ dữ liệu nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi làm phát sinh lối đi tự mở. Tăng cường công tác cảnh báo, cảnh giới tại các giao cắt đường bộ và đường sắt.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng giao trách nhiệm cụ thể cho các ngành, địa phương liên quan. Trong đó, đối với chính quyền các huyện: Vũ Quang, Hương Khê, Đức Thọ (3 địa phương có tuyến đường sắt quốc gia đi qua) nếu để phát sinh thêm lối đi tự mở và đến năm 2025 không xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở thì UBND huyện và Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

Đây cũng là tiêu chí để xem xét các hình thức thi đua, khen thưởng đối với các địa phương hàng năm.

Chủ đề An toàn giao thông

Đọc thêm

Đồng tình mức phạt mới, người dân mong "đèn đỏ" đừng làm khó người đi đường

Đồng tình mức phạt mới, người dân mong "đèn đỏ" đừng làm khó người đi đường

Từ 1/1/2025, mức phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ) theo quy định của Nghị định 168/2024/NĐ-CP sẽ tăng lên gấp từ 3-6 lần so với trước. Đồng tình với mức phạt mới, người dân Hà Tĩnh cũng mong hệ thống đèn đỏ phải chuẩn chỉnh để họ không bị bất ngờ, lỡ nhịp khi tham gia giao thông.