Hà Tĩnh đứng thứ 17/63 tỉnh, thành về chỉ số cải cách hành chính

(Baohatinh.vn) - Chiều 30/5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính (CCHC) 6 tháng đầu năm 2017 và công bố Chỉ số CCHC năm 2016 của các bộ, ngành, địa phương (PAR INDEX 2016).

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác CCHC 6 tháng đầu năm 2017 và công bố Chỉ số PAR INDEX 2016. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Báo cáo công tác CCHC 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nêu rõ: Từ đầu năm đến nay, công tác cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN tiếp tục được các bộ, ngành đẩy mạnh triển khai, qua đó tiếp nhận và xử lý trên 264 nghìn bộ hồ sơ thủ tục hành chính của trên 9,4 nghìn doanh nghiệp.

Công tác hậu kiểm cũng được các bộ, ngành tăng cường thực hiện. Công tác tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức liên quan đến thủ tục hành chính được triển khai tích cực.

Theo đó, tính đến nửa đầu tháng 5/2017, có 489/586 phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp đã được Văn phòng Chính phủ phân loại và chuyển cho các bộ, ngành, địa phương xử lý, tỷ lệ trả lời đạt 76,1%. Kênh thông tin tương tác giữa Chính phủ và người dân tại địa chỉ http://nguoidan.chinhphu.vn đã có 199/766 phản ánh, kiến nghị được chuyển các bộ, ngành, địa phương xử lý.

Tại hội nghị, các điểm cầu đã báo cáo kết quả công tác CCHC 6 tháng đầu năm; phân tích nguyên nhân hạn chế và những vấn đề còn tồn tại. Theo đó, đề xuất Chính phủ tiếp tục chỉ đạo phân cấp, ủy quyền cho các địa phương một số lĩnh vực theo hướng CCHC; tham mưu trình Quốc hội ban hành Luật CCHC; sớm ban hành Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường phân bổ các dự án cho các địa phương còn nhiều khó khăn...

Việc triển khai thực hiện thí điểm mô hình Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện tại một số địa phương bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao.

Các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ ứng dụng nhằm hiện đại hóa hành chính; việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp có nhiều chuyển biến tích cực.

Triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế, trong 6 tháng đầu năm 2017 có thêm 5.062 người được giải quyết tinh giản biên chế, nâng tổng số đối tượng được giải quyết tinh giản từ năm 2015 đến nay là 22.673 người.

Tuy nhiên, quá trình triển khai xây dựng, ban hành các nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực còn chậm; việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến kết quả đạt được còn hạn chế; việc ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, cấp tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra...

Hội nghị cũng công bố chỉ số CCHC năm 2016. Theo đó, kết quả "Chỉ số CCHC năm 2016 của các bộ" chia thành 2 nhóm: Nhóm thứ nhất đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80% gồm 9 bộ; Nhóm thứ 2 đạt kết quả Chỉ số CCHC từ trên 70% đến dưới 80%, gồm 10 bộ. Ngân hàng Nhà nước đạt Chỉ số CCHC năm 2016 cao nhất với kết quả 92,68%, Bộ LĐTB&XH có kết quả Chỉ số CCHC thấp nhất với giá trị 71,91%. Giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 19 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 80,94%. Không có bộ nào có kết quả Chỉ số CCHC dưới 70%. Có 8 bộ có Chỉ số CCHC năm 2016 trên 80,94%.

Về Chỉ số CCHC năm 2016 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đứng đầu với 90,32%, thấp nhất là tỉnh Hậu Giang với 62,55%. Hà Tĩnh đứng ở vị trí 17/63 tỉnh, thành với 78,95%. Chỉ số CCHC năm 2016 của các tỉnh, thành phố có giá trị trung bình đạt 74,64%.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các nội dung CCHC, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng kế hoạch tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; rà soát công khai, minh bạch các thủ tục hành chính.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính theo danh mục đã được phê duyệt, làm cơ sở cho việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Xây dựng Chính phủ điện tử gắn với tăng tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước; nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4.

Trên cơ sở kết quả Chỉ số cải cách hành chính 2016, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì làm việc với các bộ, các tỉnh để thảo luận, phân tích, đánh giá những hạn chế, yếu kém trong công tác CCHC; xác định rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả CCHC tại các bộ, các tỉnh, góp phần xây dựng nền hành chính kiến tạo, phát triển.

Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn yêu cầu các đại biểu tiếp thu các ý kiến, nội dung tại hội nghị, những cách làm tốt, sáng tạo của các địa phương, đơn vị trong cả nước và rút kinh nghiệm địa phương đơn vị mình để đưa ra cách làm phù hợp.

"Về chỉ số CCHC, so sánh với nội tại trong các năm gần đây chỉ số CCHC Hà Tĩnh năm 2017 đang tụt hạng. Đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương cần xem xét lại và xác định CCHC là một trong những nhiệm vụ đột phá, quan trọng trong điều kiện hiện nay của tỉnh góp phần thu hút nguồn lực của xã hội. Bên cạnh đó, Sở Nội vụ chuẩn bị chu đáo các điều kiện để Trung tâm hành chính công ra đời vận hành đạt hiệu quả", Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Tại Hà Tĩnh, thời gian qua tỉnh đã chỉ đạo thành lập thí điểm Trung tâm Hành chính công tại 4 đơn vị cấp huyện; đến nay, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Trung tâm Hành chính công của 3 đơn vị, hướng tới thành lập trung tâm ở 100% đơn vị cấp huyện và nhân rộng mô hình một cửa điện tử hiện đại tại các đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh. Thực hiện phân kỳ thời gian giải quyết thủ tục hành chính của các ngành, lĩnh vực gắn với thực hiện đơn giản hóa về thành phần hồ sơ và thời gian giải quyết. Phần mềm quản lý công chức, viên chức đang được triển khai rộng rãi và duy trì hoạt động tại tất cả các sở, ban, ngành, địa phương.

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói