Các doanh nghiệp vận tải tại Hà Tĩnh chỉ còn cách tăng giá cước để duy trì hoạt động.
Theo ghi nhận, giá xăng dầu chiếm hơn 30% chi phí vận tải, khi xăng dầu “neo” cao ở mức kỷ lục trong thời gian qua, các doanh nghiệp vận tải tại Hà Tĩnh chỉ còn cách tăng giá cước để duy trì hoạt động.
Vừa qua, nhiều hãng taxi trên địa bàn tỉnh đã làm hồ sơ trình Sở GTVT để tăng giá cước dịch vụ. Theo đó, hiện nay giá cước nhiều hãng taxi đã điều chỉnh tăng giá mở cửa từ 11.000 đồng/km lên 14.000 đồng/km và tăng 1.000 - 2.000 đồng đối với những km tiếp theo.
Nhiều xe taxi của hãng Mai Linh phải nằm ở gara do giá xăng dầu tăng cao, người lao động không mặn mà với nghề.
Ông Lê Thế Hiền - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Mai Linh Hà Tĩnh cho biết: "Doanh nghiệp đang có 140 đầu xe nhưng hiện nay chỉ có 100 chiếc hoạt động cầm chừng, nhiều tài xế không còn mặn mà với nghề đã xin nghỉ việc vì chi phí xăng dầu bỏ ra quá lớn. Để đảo bảo đời sống nhân viên, hoạt động của doanh nghiệp, việc tăng giá cước lúc này là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, mức tăng này cũng đã được đơn vị cân nhắc, tính toán kỹ để hài hòa giữa doanh nghiệp và người dân. Chúng tôi mong khách hàng sẽ chia sẻ và tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này”.
Ngay sau khi thuế bảo vệ môi trường được điều chỉnh giảm từ ngày 1/4, liên bộ Công thương - Tài chính đã điều chỉnh giá xăng dầu kể từ 0h ngày 1/4/2022. Cụ thể, giá xăng E5RON92 từ 28.330 đồng/lít giảm còn 27.309 đồng/lít, xăng RON95-III từ 29.190 đồng/lít giảm còn 28.153 đồng/lít. Đối với dầu, mặc dù được giảm thuế bảo vệ môi trường 50%, tương ứng 1.000 đồng/lít nhưng do đà tăng mạnh của giá dầu thế giới, trong kỳ điều hành này giá các mặt hàng dầu tiếp tục tăng. Cụ thể, dầu diesel từ 23.638 đồng/lít lên 25.080 đồng/lít; dầu hỏa từ 22.248 đồng/lít lên 23.764 đồng/lít, dầu mazut ở mức 20.929 đồng/lít. Tuy giá xăng có “hạ nhiệt” nhưng đây vẫn đang là mức giá cao kỷ lục trong những năm qua. |
Đối với xe khách đường dài, hiện giá vé đi các tuyến lớn Hà Tĩnh - Hà Nội, Hà Tĩnh - TP Hồ Chí Minh, Hà Nội - Huế - Đà Nẵng… đang được các nhà xe xem xét và đề xuất với Sở GTVT tăng từ 20.000 – 30.00 đồng/vé, áp dụng cho tất cả các dòng xe.
Anh Nguyễn Huy Khánh - quản lý nhà xe Khánh Truyền (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Doanh thu từ các hoạt động vận tải đang ở mức thấp, xe chủ yếu đi “gió” do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong khi đó chi phí xăng dầu “leo thang” khiến các đơn vị vận tải “cực chẳng đã”, buộc phải tính đến chuyện tăng giá vé trong thời gian tới nhằm đảm bảo cân đối thu chi”.
Cùng với đó, các dịch vụ khác như vận chuyển hàng hóa, xe ôm... trên địa bàn hiện đã tăng giá cước để thích ứng với việc xăng dầu tăng cao.
Unicar Hà Tĩnh thông báo tăng phí vận chuyển hàng hóa lên 20% tới khách hàng.
Anh Trần Văn Chính – shipper tự do tại TP Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi trước đó chủ yếu thu từ 5 - 10.000 đồng/đơn khi xăng đang ở mức gần 20.000 đồng/lít, nay giá xăng đã tăng thêm gần 10.000 đồng/lít nên anh em phải tăng thêm từ 2.000 - 5.000 đồng/đơn, tùy khoảng cách xa gần. Các shipper cũng phải nghiên cứu gom đơn đi một lượt, tính toán sao cho quãng đường di chuyển ngắn nhất để tiết kiệm”.
Không chỉ các ngành dịch vụ, giá nhiều mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu cũng được điều chỉnh tăng. Anh Nguyễn Trọng Tuấn – chủ cửa hàng tạp hóa ở Can Lộc cho hay: “Đợt này, các mặt hàng như dầu ăn, bột ngọt, đường, nước chấm, mì ăn liền… chúng tôi liên tục nhận được thông báo tăng giá từ nhà phân phối. Đơn cử như dầu ăn, từ ngày 10/3, hãng Meizan Gold, Cái Lân, Orchild, Neptune, Simply cũng đồng loạt tăng giá thêm 2.000 đồng/lít. Kinh doanh đã khó khăn nay lại thêm tăng giá hàng hóa, người dân cắt giảm chi tiêu nên việc buôn bán của gia đình không mấy thuận lợi”.
Nhiều mặt hàng như mì tôm, dầu ăn, mì ăn liền... giá đều đang tăng cao gây khó khăn trong cân đối thu chi của người tiêu dùng.
Thực tế hiện nay, do chi phí nguyên, nhiên liệu đồng loạt tăng đẩy các loại dịch vụ, hàng hóa lên theo đang gây khó khăn rất lớn trong cân đối chi tiêu của với người tiêu dùng, tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, gây áp lực lên quá trình kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lạm phát tại Hà Tĩnh.
Trưởng phòng Thống kê kinh tế (Cục Thống kê Hà Tĩnh) Trần Hoài Nam cho biết: “CPI quý I/2022 đã tăng 1,17% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng thì có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Đặc biệt, CPI tháng 3 còn tăng cao hơn tháng 2, đi ngược với quy luật tháng sau Tết Nguyên đán sẽ giảm, ảnh hưởng lớn đến công tác điều hành giá thời gian tới".
Chỉ số CPI bình quân các mặt hàng quý I/2022.
Trước áp lực tăng giá, nhiều chính sách được triển khai như giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường, gia hạn nộp nhiều loại thuế, không tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước định giá... đang là những giải pháp thiết thực để kiểm soát và giảm tác động bất lợi từ đà tăng giá hàng hóa đối với đời sống của người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, các sở, ngành liên quan cũng cần chủ động bám sát thị trường, thông tin về diễn biến cung - cầu, giá cả hàng thiết yếu để có các kịch bản điều hành giá chi tiết cho UBND tỉnh.