Cùng dự họp có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Nam Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh, các ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở ngành liên quan.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe lãnh đạo UBND tỉnh trình bày 3 đề án: Đề án Phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo; Đề án Tăng cường công tác bảo môi trường đến năm 2025 và những năm tiếp theo; Đề án Phát triển kinh tế tập thể tỉnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Đưa du lịch Hà Tĩnh thành ngành kinh tế quan trọng
Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, tâm linh. Tuy nhiên, du lịch của Hà Tĩnh còn tồn tại nhiều yếu kém, bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, Đề án Phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo đưa ra những giải pháp, xác định rõ phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển KT-XH, đưa du lịch Hà Tĩnh thành ngành kinh tế quan trọng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh trình bày đề án về phát triển du lịch
Theo dự thảo đề án, đến năm 2025, Hà Tĩnh sẽ phát triển 50 khu, điểm, tua tuyến du lịch đạt chuẩn theo quy định; thu hút 10,3 triệu lượt khách tham quan du lịch; tổng doanh thu xã hội về du lịch đạt khoảng 11.500 tỷ đồng.
Đề án xác định, Hà Tĩnh sẽ phát triển các sản phẩm: du lịch văn hoá, tâm linh, du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch kèm theo các sự kiện; khai thác phát triển sản phẩm du lịch phải gắn với tiềm năng của từng địa phương; mỗi huyện xác định 1 - 2 sản phẩm du lịch chủ lực để xây dựng thương hiệu du lịch cho địa phương mình.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải: Hạn chế lớn hiện nay đối với ngành du lịch Hà Tĩnh đó là trình độ nhân lực làm công tác quản lý chưa đáp ứng yêu cầu; đội ngũ nhân viên thiếu chuyên nghiệp. Vấn đề này cần được giải quyết, có giải pháp khắc phục trong đề án.
Tổng nhu cầu nguồn lực đầu tư thực hiện đề án giai đoạn 2018-2025 khoảng hơn 60,4 nghìn tỷ đồng, huy động từ ngân sách Trung ương, các tổ chức quốc tế, ngân sách tỉnh thông qua các chương trình dự án và nguồn xã hội hóa.
Không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế
Với quan điểm “không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế, lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu”, Đề án Tăng cường công tác bảo môi trường (BVMT) đến năm 2025 và những năm tiếp theo đã phân tích, đánh giá kỹ thực trạng, nguyên nhân, đồng thời đưa ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn trình bày đề án bảo vệ môi trường và đề án phát triển kinh tế tập thể
Theo đó, đề án đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 hoàn thành việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 100% chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn nguy hại được thu gom và xử lý theo quy định; 100% chất rác thải sinh hoạt đô thị và trên 95% rác thải sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định; 100% dân cư đô thị và nông thôn được sử dụng nước sạch…
Đề án cũng xác định rõ quan điểm: BVMT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. BVMT phải theo phương châm lấy phòng ngừa là chính, lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế. Công tác BVMT là một trong những yếu tố quyết định đối với phát triển KT-XH bền vững.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Cao Thanh: Cần đánh giá sức chịu tải của KKT Vũng Áng về môi trường để xây dựng, thực hiện đề án đảm bảo phù hợp thực tiễn cũng như yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Để hoàn thành mục tiêu trên, đề án cũng đưa ra các cơ chế, chính sách cho công tác BVMT, thực hiện các dự án với tổng kinh phí 1.809 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 1.368 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 171 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa và huy động các nguồn khác 171 tỷ đồng.
Lấy chất lượng làm thước đo phát triển kinh tế tập thể (KTTT)
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.310 HTX và 3.243 tổ hợp tác (THT). Tuy vậy, đóng góp của KTTT vào ngân sách còn rất hạn chế, số lượng HTX, THT tăng nhanh nhưng hiệu quả hoạt động còn thấp, quy mô nhỏ lẻ; năng lực quản trị của cán bộ quản lý HTX, THT yếu…
Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Từ Văn Diện cho rằng, việc thành lập HTX, THT còn theo phong trào, tăng về lượng nhưng ít chú trọng về “chất”.
Với quan điểm phát triển KTTT là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH, đề án đã đưa ra một số chỉ tiêu chính như: Đến năm 2020 có trên 60% số HTX hoạt động khá, tốt; thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong các HTX đến 2020 tăng từ 1,2 – 1,5 lần so với 2017; đến hết tháng 6/2019 giải quyết dứt điểm HTX hoạt động kém hiệu quả..
Đề án cũng đưa ra những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KTTT với tổng kinh phí khoảng 37,5 tỷ đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn gợi mở một số vấn đề liên quan đến các đề án
Tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá cao sự cần thiết ban hành các đề án, đồng thời phân tích, làm rõ nội dung các đề án, trong đó đề nghị các sở, ngành liên quan bổ sung, đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân tồn tại và nhiệm vụ giải pháp, tổ chức thực hiện.
Đặc biệt, đối với đề án phát triển du lịch, nhiều đại biểu quan tâm về phát huy tiềm năng, lợi thế, làm thế nào để xây dựng được thương hiệu du lịch Hà Tĩnh. Đối với đề án bảo vệ môi trường, đại biểu cho rằng đây là vấn đề “nóng”, Hà Tĩnh đã có “bài học” từ sự cố môi trường Formosa. Vì vậy, BVMT phải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Chiều nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục cho ý kiến về các đề án.
Báo Hà Tĩnh sẽ tiếp tục thông tin về cuộc họp.