Hà Tĩnh mạnh tay ngăn thực phẩm bẩn

(Baohatinh.vn) - Cuối năm là thời điểm các loại thực phẩm bẩn len lỏi vào thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng và hoạt động sản xuất, kinh doanh chân chính.

Lực lượng chức năng phát hiện ông Nguyễn Sỹ Nhân (xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà) tích trữ 415 kg sản phẩm động vật không đảm bảo ATVSTP để tung ra thị trường dịp cuối năm.

Thực phẩm bẩn... len lỏi

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng Hà Tĩnh liên tục phát hiện, xử lý nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn trên địa bàn. Điều này cho thấy, càng gần thời điểm cuối năm, nguy cơ thực phẩm bẩn xâm nhập, len lỏi vào thị trường tiêu dùng càng gia tăng.

Điển hình, ngày 16/12/2022, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an Hà Tĩnh) phối hợp với Công an xã Tân Lâm Hương và Trung tâm Thú ý huyện Thạch Hà kiểm tra, phát hiện hộ kinh doanh thực phẩm của ông Nguyễn Sỹ Nhân (SN 1955, trú tại thôn Trung Thành, xã Tân Lâm Hương) đang tập kết 415 kg sản phẩm động vật để tung ra thị trường dịp cuối năm, gồm: chân, tai, đuôi bò... không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), vệ sinh thú y, không đủ điều kiện kinh doanh.

Số thực phẩm không đảm bảo ATVSTP tại hộ bà Phạm Thị Minh Thành ở thôn 2 (xã Ân Phú, Vũ Quang).

Tiếp đó, ngày 23/12, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh) chủ trì, phối hợp với Trung tâm Thú y huyện Vũ Quang và Công an xã Ân Phú kiểm tra hộ kinh doanh thực phẩm của bà Phạm Thị Minh Thành ở thôn 2 (xã Ân Phú), phát hiện trong 2 tủ đông lạnh chứa 225kg sản phẩm động vật không đảm bảo ATVSTP.

Mới đây nhất, ngày 24/12, tại km 558+300 quốc lộ 1A, thuộc địa bàn xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh, tổ tuần tra kiểm soát của Đội 6.1 (thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Tĩnh) phát hiện dấu hiệu bất thường nên yêu cầu kiểm tra xe đông lạnh biển kiểm soát 89C-259.96 do Lê Ngọc Hiếu (SN 1994, trú xã Chí Tân, huyện khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) điều khiển.

Qua kiểm tra, tổ tuần tra phát hiện xe đang vận chuyển 3,2 tấn nội tạng (lòng, tim, gan, sách, phổi), chân, óc, mỡ bò... đã biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi thối và chủ xe không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc nên tổ tuần tra đã phối hợp, bàn giao cho lực lượng quản lý thị trường, thú y xử lý theo quy định.

3,2 tấn thực phẩm đã biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi thối bị lực lượng chức năng Hà Tĩnh thu giữ vào ngày 24/12/2022.

Đó là 3 trong nhiều vụ vi phạm ATVSTP mà lực lượng chức năng Hà Tĩnh phát hiện, xử lý gần đây. Vì lợi nhuận, nhiều đối tượng đã dùng mọi cách để tuồn khối lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm bẩn ra thị trường.

Hành vi này đe dọa sức khỏe người tiêu dùng và xâm phạm quyền lợi các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Theo số liệu từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, tính từ đầu năm 2022 đến nay, 548 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra 11.464 lượt cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 734 lượt cơ sở vi phạm ATVSTP, tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước hơn 1,5 tỷ đồng.

Các vụ việc bị xử phạt tập trung vào các vi phạm như: vận chuyển, cất trữ, kinh doanh thực phẩm không có dấu kiểm dịch, có dấu hiệu hư hỏng, không đủ điều kiện để kinh doanh; kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa; hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; không tuân thủ các quy định về đảm bảo ATVSTP khi chế biến; kho bảo quản không đảm bảo quy định…

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kiểm tra hoạt động kinh doanh tại nhà hàng Quang Đại Dương (TP Hà Tĩnh).

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, càng gần về tết và mùa lễ hội, vấn đề mất ATVSTP càng đáng lo ngại. Ông Phan Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: "Tết và mùa lễ hội chính là thời điểm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng đột biến và kéo theo nhiều nguy cơ gây mất ATVSTP. Chính thời điểm này, các vi phạm pháp luật về ATVSTP cũng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Vì lợi nhuận, các đối tượng đã đưa vào thị trường các loại thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc; bán thực phẩm không đảm bảo ATVSTP cho người tiêu dùng, hay người trực tiếp chế biến thực phẩm không đáp ứng yêu cầu theo quy định. Đặc biệt, nhiều hộ vốn không tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nay cũng tham gia trong dịp tết, điều này khiến cho công tác quản lý của các cấp, ngành gặp không ít khó khăn".

“Mạnh tay” xử lý vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

Theo thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Hà Tĩnh hiện có gần 19 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Ngoài ra, có một bộ phận khá lớn không đăng ký song vẫn sản xuất, buôn bán thực phẩm. Do đó, việc theo dõi, quản lý, phát hiện các vi phạm ATVSTP của ngành chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Để đảm bảo thị trường thực phẩm lành mạnh, giảm thiểu nguy cơ mất ATVSTP cuối năm, ngày 13/12, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch số 88/KH-BCĐ về việc triển khai công tác bảo đảm ATVSTP trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội xuân năm 2023.

Mục tiêu của kế hoạch là tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm trong các đợt cao điểm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; siết chặt quản lý, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATVSTP.

Lực lượng chức năng kiểm tra một số bếp ăn tập thể tại cụm công nghiệp Đức Thọ.

Kế hoạch cũng đưa ra các hoạt động cần triển khai vào dịp cao điểm. Đối với hoạt động kiểm tra, yêu cầu các đoàn liên ngành từ tỉnh đến các địa phương kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp tết, trong các lễ hội và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đầu mối sản xuất, kinh doanh thực phẩm, siêu thị, chợ, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm…

Tập trung kiểm soát hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ, các cơ sở có dấu hiệu vi phạm về ATVSTP.

Việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực sẽ phẩm góp phần kiềm chế các vụ việc vi phạm về ATVSTP trên địa bàn tỉnh dịp cuối năm.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương và lực lượng chức năng khi phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm ATVSTP, hàng giả, không rõ nguồn gốc hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường; hoạt động kiểm tra, kiểm soát phải đảm bảo không chồng chéo giữa các ngành, cơ quan chức năng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở...

Người tiêu dùng cần nắm vững các kiến thức về đảm bảo an toàn thực phẩm để bảo vệ chính mình và những người thân trong gia đình.

Ông Phan Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh nhấn mạnh: "Thời gian tới, nhất là dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán, chúng tôi sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và huy động sự hưởng ứng tham gia của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các tổ chức, đoàn thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào các hoạt động tuyên truyền về đảm bảo ATVSTP.

Đặc biệt, chúng tôi sẽ mạnh tay xử lý những trường hợp vi phạm và thông tin liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và các tổ chức, cá nhân nâng cao ý thức trong việc sản xuất, kinh doanh cũng như tiêu dùng".

Ông Hùng cũng khuyến cáo, người tiêu dùng cần nắm vững các kiến thức về đảm bảo an toàn thực phẩm, như lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng; không sử dụng thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng, kém chất lượng; kiểm tra kỹ nhãn mác, hạn sử dụng… Nếu phát hiện các trường hợp vi phạm, cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Chủ đề Thực phẩm bẩn ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói