Người tiêu dùng băn khoăn
Nhiều người tiêu dùng chọn mua rau tại các siêu thị với niềm tin rau an toàn, được kiểm duyệt chất lượng.
Loạt phóng sự điều tra của Báo Tuổi Trẻ về rau rạch dỏm “biến hình” vào siêu thị đang tạo được sự quan tâm lớn của dư luận, người tiêu dùng lo ngại, bức xúc vì lâu nay bị lừa dối.
Tại Hà Tĩnh, khi tình trạng thực phẩm bẩn, rau nhiễm hóa chất đang là nỗi lo của người dân thì một bộ phận người tiêu dùng cũng đã chấp nhận vào các hệ thống siêu thị để mua rau an toàn với mức giá cao hơn rau được bán tại chợ dân sinh. Tuy nhiên, những thông tin vừa qua tại TP Hồ Chí Minh khiến niềm tin của nhiều người tiêu dùng bị lung lay.
Bà Nguyễn Thị Hương (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) bày tỏ: “Trước giờ thường xuyên mua rau từ các siêu thị, siêu thị mini vì nghĩ rau ở đây cũng kiểm duyệt chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng. Bây giờ thấy rau từ chợ được dán nhãn đạt chuẩn VietGAP đưa vào siêu thị như báo chí phản ánh vừa qua tại TP Hồ Chí Minh, người dân dù thông thái đến mấy cũng không thể biết".
Người dân mua rau củ tại chợ TP Hà Tĩnh.
Cũng từ vụ việc vừa rồi, nhiều người tiêu dùng hoài nghi liệu còn có bao nhiêu nhà cung cấp đang mua rau chợ, tự dán nhãn VietGAP để tuồn vào siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và bán với mức giá cao gấp nhiều lần mà chưa bị “gọi tên”.
“Lâu nay gia đình tôi ăn rau trong siêu thị vì cho rằng rau có tem mác, an toàn hơn rau ở chợ. Thế nhưng, qua vụ việc gom rau ở chợ đưa vào siêu thị vừa rồi ở TP Hồ Chí Minh thì chúng tôi không biết có những nhà cung cấp nào cũng tự dán nhãn rau an toàn như vậy. Mong rằng, các cơ quan chức năng mạnh tay kiểm tra, kiểm soát để chấn chỉnh tình trạng này” – chị Bùi Thị Mai Phương (nhân viên văn phòng tại TP Hà Tĩnh) bày tỏ.
Nguồn hàng rau củ bày bán tại siêu thị Winmart Hà Tĩnh không có sản phẩm của nhà cung cấp Công ty TNHH nông sản Trình Nhi.
Rau tại siêu thị ở Hà Tĩnh không có sản phẩm từ các nhà cung cấp bị “điểm tên”
Được biết, tại siêu thị Winmart Hà Tĩnh, nguồn rau củ bán được phân phối từ tổng kho tại miền Bắc, không có sản phẩm của nhà cung cấp Công ty TNHH nông sản Trình Nhi (nhà cung cấp đưa rau sạch dỏm vào siêu thị Winmart theo điều tra của Báo Tuổi Trẻ - PV).
Sau sự việc vừa rồi, WinCommerce (đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart+) cũng đã yêu cầu ra soát lại các nhà cung cấp rau cho toàn hệ thống siêu thị trên toàn quốc và sẽ rà soát, siết chặt thêm các biện pháp kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Rau củ tại siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh được nhập từ một số nhà cung cấp trên địa bàn tỉnh và từ tổng kho của Saigon Co.op.
Còn tại siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh, đơn vị cũng cho biết không nhập nguồn hàng từ các nhà cung cấp vừa bị “điểm tên” cung cấp rau sạch “dỏm”.
Anh Trần Đình Chung – phụ trách marketing siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh cho biết: Nguồn rau xanh nhập vào siêu thị bao gồm rau từ địa phương và từ tổng kho của Saigon Co.op (đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Co.opmart). Trong đó, với một số loại rau lá hàng ngày, siêu thị ký hợp đồng với nhà cung cấp là các hợp tác xã sản xuất rau sạch trên địa bàn tỉnh, còn đa phần là rau củ phân phối từ tổng kho của Saigon Co.op.
Theo anh Chung, với rau củ do siêu thị trực tiếp nhập hàng, trước khi trở thành nhà cung cấp cho siêu thị, các đơn vị phải được kiểm định chất lượng sản phẩm, có đầy đủ các loại giấy tờ chứng nhận an toàn thực phẩm và định kì đều có những đợt kiểm định lại chất lượng rau củ.
Sau thông tin rau chợ được bán tại một số hệ thống siêu thị, cửa hàng vừa qua, Saigon Co.op cũng đã yêu cầu các siêu thị Co.opmart rà soát chặt chẽ lại các nhà cung cấp.
Các loại rau xanh bán tại chợ dân sinh có mức giá rẻ hơn so với rau của siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch.
Việc rau chợ “biến hình” thành rau an toàn vào các siêu thị, cửa hàng vừa qua không phải là lần đầu tiên báo chí phanh phui về vấn nạn “hàng chợ” “đội lốt” rau an toàn, rau đạt chuẩn VietGAP.
Qua vụ việc vừa rồi, chưa bàn đến các siêu thị, cửa hàng phân phối có biết hay không việc gian dối của nhà cung cấp, nhưng rõ ràng, người tiêu dùng trực tiếp mua sản phẩm ở đâu thì đơn vị đó sẽ bị ảnh hưởng uy tín. “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” - các nhà phân phối cần có sự kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt đầu vào, chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm bày bán tại hệ thống của mình để giữ danh tiếng cho doanh nghiệp, tạo sự công bằng với người tiêu dùng.
Các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc trách nhiệm, xử lý tình trạng gian lận để bảo vệ người tiêu dùng, cũng là bảo vệ uy tín những đơn vị cung cấp, phân phối chân chính.
Thông tin từ Sở Công thương Hà Tĩnh, hằng năm, các ngành chức năng đều thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng một số sản phẩm kinh doanh tại các đơn vị kinh doanh, trong đó có các siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi. Sau những thông tin về rau chợ được một số nhà cung cấp tại TP Hồ Chí Minh đưa vào siêu thị, cửa hàng vừa qua, đơn vị sẽ phối hợp với các lực lượng để tiến hành kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa tại các hệ thống phân phối hiện đại. |