Hà Tĩnh nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trước năm học mới

(Baohatinh.vn) - Linh hoạt điều động biệt phái, bố trí giáo viên, tăng sỹ số học sinh trên lớp… là cách ngành giáo dục Hà Tĩnh đang thực hiện để đảm bảo đội ngũ, đáp ứng nhu cầu giảng dạy trong năm học mới.

Năm học 2024 – 2025, bậc THPT có tổng số 2.956 cán bộ, giáo viên (GV). Để giải quyết tình trạng thừa thiếu cục bộ GV các bộ môn, đáp ứng nhu cầu dạy học, thời gian qua, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt các chỉ tiêu điều động biệt phái.

Qua rà soát nhu cầu thực tế, năm nay ngành điều động 53 giáo viên từ các trường THPT ở địa bàn này đến các trường THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) ở địa bàn khác. Việc tạo sự đồng thuận trước chủ trương của tỉnh đã và đang được ngành giáo dục thực hiện bằng nhiều giải pháp.

1.4.jpg
Năm học 2024 - 2025, Trung tâm GDNN-GDTX Lộc Hà được tăng cường 4 giáo viên.

Thầy Lê Hoài Nam – Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD&ĐT cho biết: “Để tạo sự đồng thuận trong tư tưởng của đội ngũ GV, trước đó chúng tôi đã làm việc với từng trường, tìm hiểu, khảo sát hoàn cảnh, nhu cầu, nguyện vọng của các thầy cô giáo. Phương châm tạo điều kiện thuận lợi cho GV biệt phái cũng được linh động thực hiện bằng việc ưu tiên bố trí cân đối thừa thiếu các bộ môn trong từng huyện và các địa bàn lân cận. Cùng với đó, ngành cũng thực hiện điều động theo hình thức trung chuyển để rút ngắn khoảng cách đi lại cho giáo viên với cung đường xa nhất không quá 30km. Đến thời điểm hiện tại, việc điều động biệt phái cơ bản đã hoàn tất, giáo viên được điều động đã yên tâm thực hiện nhiệm vụ ”.

Cùng với bậc THPT, những ngày này, việc cân đối, bố trí đội ngũ GV, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ trong năm học mới cũng đang được các phòng GD&ĐT cố gắng thực hiện.

1.6.jpg
Thành phố Hà Tĩnh đã thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo đội ngũ giáo viên trong năm học mới.

Tại thành phố Hà Tĩnh, năm học 2024 - 2025 tăng 18 lớp; trong đó, bậc mầm non tăng 5 lớp, tiểu học tăng 4 lớp và THCS tăng 9 lớp. Để giảm áp lực thiếu GV, đặc biệt là ở các trường vùng trung tâm, thời gian qua, thành phố đã chủ động phân luồng tuyển sinh các lớp đầu cấp, từ mầm non đến THCS. Ngoài ra, nhiều trường chủ động thực hiện phương án tăng sỹ số học sinh trên lớp.

“Hiện tại, thành phố Hà Tĩnh vẫn còn thiếu 27 GV theo biên chế được giao, trong đó mầm non 13, tiểu học 9 và THCS 5 (chưa kể số GV thiếu do tăng lớp năm nay). Để đáp ứng nhu cầu dạy học, ngoài việc dồn lớp, chúng tôi đã chỉ đạo các trường thực hiện hợp đồng GV, đồng thời tham mưu thành phố nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc hợp đồng, cố gắng đảm bảo đội ngũ GV trong năm học mới”, thầy Nguyễn Trường Thư - Phó Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh thông tin.

1.3.jpg
Năm nay, bậc tiểu học ở thị xã Kỳ Anh tăng 200 học sinh. (Học sinh, giáo viên Trường Tiểu học Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh trong ngày tựu trường)

Chung tình trạng tỷ lệ học sinh tăng nhưng GV chưa đảm bảo định biên, các trường ở thị xã Kỳ Anh cũng thực hiện bằng việc tăng sĩ số học sinh trên lớp.

Cô Nguyễn Thị Tường Vân – Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Kỳ Anh chia sẻ: “Theo chỉ tiêu biên chế được giao, hiện địa phương còn thiếu 44 giáo viên; trong đó tiểu học thiếu 29 GV, THCS thiếu 14 GV, mầm non thiếu 3 GV. Trong khi đó, năm nay học sinh tiểu học tăng 6 lớp, THCS tăng 29 lớp vì vậy khó khăn về đội ngũ là rất lớn”.

GV thiếu, học sinh tăng, việc hợp đồng ở các trường gặp nhiều khó khăn do nguồn hợp đồng ít, chế độ lương đối với GV hợp đồng thấp nên các trường phải dồn sĩ số để đảm bảo việc dạy học. Chính vì thế, nhiều trường học trên địa bàn có sĩ số học sinh trên lớp cao, đặc biệt là bậc THCS. Theo số liệu báo cáo từ Phòng GD&ĐT thị xã Kỳ Anh, toàn thị xã có 118 lớp ở bậc THCS có sĩ số vượt quá so với quy định 45 học sinh/lớp, trong đó có 82 lớp sĩ số trên 50 học sinh và 4 lớp từ 59 - 60 học sinh. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế bởi, sĩ số học sinh/lớp đông, gây khó khăn cho việc tổ chức và nâng cao chất lượng dạy học.

1.1.jpg
Các trường tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, chính trị cho giáo viên trước thềm năm học mới.

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, cùng với địa bàn thành phố, thị xã Kỳ Anh, các trường học ở Hà Tĩnh cũng thực hiện bố trí giáo viên ở một số môn học đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học có số tiết thực dạy ít hơn quy định làm công tác chủ nhiệm hoặc kiêm nhiệm một số hoạt động khác ngoài dạy học; ưu tiên bố trí giáo viên văn hóa tiểu học có năng lực tốt giảng dạy môn Tiếng Việt, môn Toán cho các lớp trong cùng một khối. Ngoài ra, ban giám hiệu một số trường tiểu học kiêm nhiệm thêm việc đứng lớp....

Chỉ còn 1 tuần nữa, năm học mới sẽ bắt đầu. Dù các trường đã nỗ lực trong việc bố trí đội ngũ GV đảm bảo cho việc dạy học, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Vì thế, các địa phương mong muốn tỉnh sớm ban hành chỉ tiêu, kế hoạch tuyển dụng GV để góp phần giải quyết khó khăn, tạo động lực cho các cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018, nâng cao chất lượng dạy học.

Chủ đề CHÀO NĂM HỌC MỚI

Chủ đề Báo Nhân Dân

Đọc thêm

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.
Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.