Hà Tĩnh phát huy hiệu quả, nhân rộng mô hình dự án SRDP

(Baohatinh.vn) - Chiều 20/12, Ban QLDA đầu tư xây dựng cơ bản dân dụng và công nghiệp tỉnh tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm từ dự án IFAD tài trợ trong chương trình xây dựng NTM; tổng kết dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo Hà Tĩnh (SRDP).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn – Trưởng Ban chỉ đạo dự án SRDP tham dự hội thảo.

Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì nghèo Hà Tĩnh (SRDP) do Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ. Dự án có tổng số vốn 22.917.000 USD, trong đó vốn vay IFAD: 11.630.200 USD; vốn đồng tài trợ, ủy thác của Tây Ban Nha: 4.848.800 USD; vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam: 2.896.700 USD và vốn đóng góp của người hưởng lợi: 3.541.300 USD. Thời gian thực hiện dự án từ 2014-2019.

Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh Trần Huy Oánh: Dự án SRDP mang lại hiệu quả thiết thực đối với các địa phương, hộ dân được hưởng lợi, góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia, nông thôn mới.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, dự án đã giúp cho 60.103 hộ hưởng lợi trực tiếp, đạt 117,6% so với mục tiêu ban đầu, trong đó có: 12.783 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 20,21% và 12.330 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 20,51%.

Xác định được 6 chuỗi giá trị tiềm năng mới có lợi thế cạnh tranh của địa phương trong toàn tỉnh; hỗ trợ Quỹ Phát triển phụ nữ tỉnh thành lập thêm 211 nhóm tiết kiệm tín dụng; tài trợ cho 136 tổ hợp tác từ Quỹ Đầu tư nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) gồm 2.565 nông hộ với số tiền tài trợ là 24,3 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Quỹ phát triển phụ nữ Hà Tĩnh Dương Thị Kiều: Sau 5 năm thực hiện dự án, các chỉ tiêu thực hiện tiểu hợp phần dịch vụ tài chính nông thôn đều đạt và vượt kế hoạch, giúp cho chị em phụ nữ có kiến thức làm ăn, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống

Ngoài ra, dự án còn đầu tư 107 công trình cơ sở hạ tầng công cộng với tổng số vốn 183,1 tỷ đồng; tài trợ cho 9 tiểu dự án theo mô hình đầu tư hợp tác công tư (PPP) với gần 15 tỷ đồng...

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận, đánh giá sự tham gia của các cấp trong việc thực hiện các hoạt động của dự án cũng như việc phối hợp triển khai. Từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm, đề ra giải pháp hợp tác trong tương lai và đề xuất kiến nghị làm cơ sở xây dựng kế hoạch giai đoạn tiếp theo.

Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn (Thạch Hà) Hoàng Kim Huy: Từ khi được hưởng lợi dự án, người dân xã Tượng Sơn được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao kiến thức từ đó mở ra hướng đi để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Đồng thời, xem xét vận dụng các kết quả của dự án vào chương trình xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh, cũng như chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Đặng Ngọc Sơn đánh giá cao về tính hiệu quả của dự án, vì vậy cần phát huy, đảm bảo tính bền vững của chương trình; tiếp tục áp dụng, nhân rộng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành liên quan chủ động tìm kiếm nguồn lực, xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Duy trì mối quan hệ với tổ chức IFAD, kêu gọi sự ủng hộ của nhà tài trợ đối với giai đoạn dự án tiếp theo.

Rà soát các mô hình phát triển nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như nhân rộng các bài học thành công từ dự án SRDP để lồng ghép, áp dụng cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp.

Đối với các huyện, xã hưởng lợi phải quản lý, vận hành, khai thác sử dụng và làm tốt công tác duy tu bảo dưỡng các công trình/mô hình do dự án đầu tư trên địa bàn.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói