Hà Tĩnh phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường tiềm lực bảo vệ chủ quyền

(Baohatinh.vn) - Nằm trong khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh quốc gia, những năm qua, Hà Tĩnh đặc biệt coi trọng phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng, qua đó tạo ra thế và lực trong bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hà Tĩnh phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường tiềm lực bảo vệ chủ quyền

Đại diện cấp ủy, chỉnh quyền, đoàn thể và lực lượng dân quân biển xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà tuyên truyền kiến thức, kỹ năng tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền cho ngư dân.

Sau khi Nghị định số 30/2010/NĐ-CP ngày 29/3/2010 và Nghị định số 130/2015/NĐ-CP ngày 18/12/2015 của Chính phủ về huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo được ban hành, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh phân công chỉ tiêu đăng ký, quản lý, huy động nhân lực tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Trên cơ sở đó, tổ chức ký kết văn bản hiệp đồng với Bộ Tư lệnh vùng Cảng sát biển I về việc huy động nhân lực tàu thuyền, phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển Việt Nam.

Hà Tĩnh phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường tiềm lực bảo vệ chủ quyền

Cán bộ Đồn Biên phòng Lạch Kèn (Nghi Xuân) phối hợp với Ban CHQS Nghi Xuân và cấp ủy, chính quyền xã Xuân Hội ký kết biên bản sẵn sàng huy động tàu võ thép của hộ anh Nguyễn Lưu Truyền (thôn Hội Thủy) tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Theo chỉ tiêu của Bộ Tư lệnh Quân khu 4 phân công, UBND tỉnh giao nhiệm vụ huy động chính thức 20 tàu công suất trên 300 CV và 160 thuyền viên ở các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà; huy động dự phòng 20 tàu/160 thuyền viên ở các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh tham gia.

Các địa phương rà soát, ký kết hợp đồng với chủ phương tiện tàu thuyền, đăng ký chặt chẽ chất lượng nhân lực, phương tiện, số điện thoại của chủ tàu, cán bộ đi cùng tàu và cán bộ chỉ huy nhóm tàu bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc. Nguồn nhân lực trên tàu và chỉ huy nhóm tàu được lựa chọn chặt chẽ, bảo đảm tiêu chuẩn về chính trị, sức khỏe, chuyên môn nghiệp vụ.

Hằng năm, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và các cơ quan chức năng rà soát, nắm chắc số lượng, chất lượng tàu thuyền trong diện sẵn sàng huy động. Các chủ tàu thuyền thường xuyên giữ liên lạc, sẵn sàng liên hệ để huy động khi có tình huống.

Cùng đó, các huyện, thị xã ven biển đã phát huy tốt sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và vai trò của cơ quan quân sự, bộ đội biên phòng các cấp trong công tác tham mưu cho chính quyền rà soát, đăng ký quản lý và tổ chức huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị cho đội ngũ chủ tàu, thuyền trưởng, nhân lực và cán bộ đi trên tàu.

Hà Tĩnh phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường tiềm lực bảo vệ chủ quyền

Lực lượng dân quân biển xã Thạch Kim (Lộc Hà) giúp anh Nguyễn Danh Hòa - chủ tàu cá HT90300TS chuẩn bị ngư cụ cho chuyến ra khơi đánh cá kếp hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Thượng tá Nguyễn Tú Tài - Phó Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: “Để tăng cường tiềm lực bảo vệ chủ quyền biển đảo, hàng năm, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kỹ năng, năng lực, phương pháp tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo cho đội ngũ chủ tàu, thuyền trưởng trong diện sẵn sàng huy động. Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu và chỉ đạo UBND huyện Nghi Xuân tổ chức diễn tập huy động nhân lực tàu, thuyền đạt kết quả tốt, được cấp trên đánh giá cao”.

Hà Tĩnh phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường tiềm lực bảo vệ chủ quyền

Cán bộ Đồn Biên phòng Lạch Kèn (Nghi Xuân) hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức về Luật biển Việt Nam, về huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo

Song, thực tế sau 10 năm triển khai các nghị định của Chính phủ về huy động nhân lực, tàu, thuyền dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo đã và đang đặt ra những khó khăn, vướng mắc.

Chủ tịch UBND xã Xuân Hội (Nghi Xuân) Trịnh Quang Luật cho rằng: “Vướng mắc lớn nhất hiện nay là hệ thống cơ chế pháp lý về huy động nhân lực tàu, thuyền chưa có tính ràng buộc; công tác đăng ký, quản lý tàu, thuyền gặp nhiều khó khăn vì chủ tàu, thuyền có thể bán, chuyển nhượng, cho thuê sang hoạt động ở địa bàn khác; nguồn nhân lực luôn có sự biến động theo thời vụ. Bên cạnh đó, các tàu, thuyền trong diện huy động có công suất lớn, chi phí dầu máy cao nhưng việc hỗ trợ kinh phí, tiền nhân công chưa tương xứng với thu nhập của người dân; việc bảo đảm kinh phí cho huấn luyện, diễn tập và huy động còn nhiều bất cập...”.

Hà Tĩnh phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường tiềm lực bảo vệ chủ quyền

Ban CHQS thị xã Kỳ Anh phối hợp với Đồn Biên phòng của khẩu cảng Vũng Áng tuyên truyền, vận động ngư dân và chủ tàu cá đánh bắt xa bờ tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Để tìm lời giản cho bài toán trên, cùng với kết hợp phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng bảo vệ chủ quyền biển đảo, các địa phương ven biển cần kịp thời cụ thể hóa chủ trương, chính sách của trên đối với nhiệm vụ huy động nhân lực tàu, thuyền, phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo thành các chương trình, kế hoạch thực hiện sát với tình hình, đặc điểm cụ thể của địa phương.

Theo Đại tá Lê Hồng Nhân - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, các cơ quan chức năng cấp trên cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp để ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay đóng tàu vỏ thép công suất lớn tham gia đánh bắt xa bờ và hỗ trợ trang thiết bị thông tin liên lạc hiện đại để liên lạc hiệp đồng. Ưu tiên phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá theo chuỗi khép kín, tạo điều kiện để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, ổn định nguồn nhân lực, phương tiện sẵn sàng huy động khi có tình huống xẩy ra.

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.