Cuộc tổng điều tra năm 2021 nhằm đánh giá sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế. Ảnh tư liệu
Tổng điều tra kinh tế năm 2021 được thực hiện theo Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 26/02/2020. Đây làm lần thứ 6 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành quyết định tổng điều tra kể từ năm 1995. Trước đó, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 1096/QĐ-BNV ngày 23/12/2019 về tổ chức điều tra cơ sở hành chính năm 2021.
Thực hiện các văn bản hướng dẫn của BCĐ Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 2920/QĐ-UBND ngày 4/9/2020 về thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) Tổng điều tra kinh tế, điều tra cơ sở hành chính năm 2021 và thành lập tổ thường trực giúp BCĐ tỉnh gồm 23 đồng chí thuộc các sở, ngành, do đồng chí Phó Cục trưởng Cục Thống kê làm tổ trưởng. Đến nay đã có 13/13 BCĐ cấp huyện, với 158 thành viên, do lãnh đạo UBND cấp huyện làm trưởng ban và 13/13 tổ giúp BCĐ, với 166 thành viên, do lãnh chi cục thống kê cấp huyện làm tổ trưởng. Có 216/216 ban chỉ đạo cấp xã, với 1.839 thành viên, do lãnh đạo UBND cấp xã làm trưởng BCĐ.
Cuộc tổng điều tra lần này được chia thành hai giai đoạn, giai đoạn 1: Bắt đầu từ 1/3/2021, tổ chức tổng điều tra thu thập thông tin cơ sở hành chính, tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội đến 30/4/2021 và đối với doanh nghiệp đến 30/5/2021. Giai đoạn 2: Bắt đầu từ 1/7/2021, tổ chức thu thập thông tin đối với khối các cơ sở cá thể, tôn giáo, tín ngưỡng đến 30/7/2021.
Bắt đầu từ 1/3/2021, tổ chức tổng điều tra thu thập thông tin cơ sở hành chính, tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội. Ảnh tư liệu
Điểm mới trong tổ chức tổng điều tra lần này là: Bộ Nội vụ thành lập BCĐ tổng điều tra để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thu thập thông tin cơ bản về số đơn vị hành chính, số lượng và trình độ của lực lượng lao động; kết quả thu, chi trong các cơ sở hành chính Nhà nước phục vụ việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách quản lý, kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực… đáp ứng yêu cầu quản lý của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Điểm mới thứ hai là ứng dụng triệt để công nghệ thông tin: 100% phiếu điều tra bằng phiếu điện tử (phiếu web-form, phiếu Capi) và các văn bản hướng dẫn cũng bằng điện tử; họp tập huấn trực tuyến.
Ngày 23/2/2021, BCĐ Tổng điều tra tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức họp trực tuyến đến 13 điểm cầu cấp huyện, có sự tham gia của trưởng ban chỉ đạo cấp xã để rà soát lại công tác chuẩn bị và nhiệm vụ tiếp theo trong thời gian tới. Đến nay, ban chỉ đạo các cấp đã và đang tổ chức rà soát các đơn vị điều tra (bảng kê); ban hành kế hoạch tổng điều tra, kế hoạch tuyên truyền; phân công nhiệm vụ và địa bàn cho thành viên BCĐ tỉnh; dự thảo chỉ thị của UBND tỉnh. Các đại biểu thành viên BCĐ tỉnh, đại biểu cấp huyện đã báo cáo kết quả thực hiện công tác chuẩn bị, trao đổi một số khó khăn trong công tác điều tra và cam kết trước Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh phấn đấu tổ chức thực hiện thành công nhiệm vụ tổng điều tra.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh - Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh yêu cầu thành viên BCĐ tỉnh, các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ và ban chỉ đạo các cấp chuẩn bị thật tốt cho công tác tổng điều tra. Các cơ quan truyền thông tổ chức tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa cuộc tổng điều tra, kịp thời nêu gương tốt, việc tốt trong quá trình thực hiện.
Sở Nội vụ chịu trách nhiệm điều tra các cơ sở hành chính theo hướng dẫn và kế hoạch; Cục Thống kê - cơ quan Thường trực BCĐ, phối hợp với các cơ quan, sở, ngành, UBND và BCĐ cấp huyện, cấp xã; chịu trách nhiệm toàn diện cuộc tổng điều tra trên địa bàn tỉnh; tổ chức phân tích kết quả để hoạch định các chính sách phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn; tổ chức sơ kết, tổng kết theo hướng dẫn của BCĐ Trung ương.
Với tinh thần chủ động, phòng ngừa dịch Covid-19, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiêp và toàn thể Nhân dân, tin rằng Hà Tĩnh sẽ triển khai thành công cuộc tổng điều tra kinh tế 2021.
Cuộc tổng điều tra năm 2021 nhằm đánh giá sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế; kết quả sản xuất - kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu, sự phân bố của các cơ sở và của lao động nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương. Tính toán chỉ tiêu thống kê chính thức của các chuyên ngành thống kê, chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) năm 2020 theo đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” và các chỉ tiêu thống kê khác thuộc hệ thống tài khoản quốc gia. Cập nhật thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi năm gốc so sánh phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội; làm dàn mẫu tổng thể về cơ sở kinh tế cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong giai đoạn tiếp theo của ngành thống kê, các bộ, ngành và địa phương. |